Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, định mức chi phí tái chế (Fs) sẽ được tính đúng, tính đủ, đảm bảo phù hợp thực tiễn với Việt Nam và sự đồng thuận của các bên tham gia.
Ngày 28/6, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo Góp ý dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Định mức chi phí tái chế (Fs) hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR).
Doanh nghiệp phải đóng 6 tỷ đồng/năm cho chi phí tái chế
Nêu ý kiến tại hội thảo, bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, trong ngành nhựa, việc thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR), cụ thể áp định mức Fs chỉ dành cho ngành bao bì nhựa.
Tuy vậy, với mức phí phải đóng là 7.600 đồng/kg tái chế, mỗi doanh nghiệp nhỏ và vừa (doanh thu 200 tỷ đồng) phải đóng góp gần 6 tỷ đồng (chiếm 3% doanh thu) cho 5 triệu tấn sản lượng nhựa mỗi năm, trong khi ngành chỉ có biên lợi nhuận ở mức thấp 5%. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.
“Cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ chủ trương của Nhà nước là cần phải phát triển kinh tế tuần hoàn và đẩy nhanh thu gom vật liệu tái chế. Tuy nhiên, doanh nghiệp mong muốn có mức phí tái chế phù hợp để các có thể đồng lòng và đi chung với nhau trong đoạn đường dài. Vì vậy, mức phí Fs phải hợp lý là rất quan trọng.”, bà Mỹ nêu rõ.
Cần tính toán đến tính cạnh tranh của doanh nghiệp
Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI, các doanh nghiệp đều nhận thức được trách nhiệm của mình trong nhiệm vụ chung này và luôn sẵn sàng đóng góp vào việc thu gom, xử lý, tái chế chất thải từ sản phẩm.
Ở góc nhìn của doanh nghiệp tái chế, ông Tuấn cho biết, cũng có ý kiến cho rằng, ở một số ngành, lĩnh vực, định mức Fs chưa phù hợp, thậm chí còn quá thấp. Vì vậy, Ban soạn thảo cần phải lắng nghe doanh nghiệp nhiều ngành, lĩnh vực hơn, từ đó cân bằng nhiều mặt và đưa ra nhiều phương án khác nhau.
“Mỗi ngành hàng có đặc điểm khác nhau, quy mô doanh nghiệp, công nghệ và trình độ có những mức khác nhau. Nếu ấn định một mức chi phí cho tất cả thì nhiều ngành hàng sẽ khó khăn”, ông Tuấn nêu rõ.
Cùng với đó, thay vì ấn định doanh nghiệp chỉ được chọn 1 trong 2 hình thức tự tái chế hoặc đóng góp chi phí tái chế vào quỹ quỹ môi trường, ông Tuấn cho rằng, Ban soạn thảo cũng cần cân nhắc về mở rộng khả năng tùy chọn, tức tích hợp 2 hình thức vừa tái chế vừa đóng góp quỹ bảo vệ môi trường. Từ đó, tăng tính linh hoạt chủ động, tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp.
Định mức chi phí tái chế sẽ đảm bảo phù hợp thực tiễn
Trước những băn khoăn của cộng đồng doanh nghiệp, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, nguyên tắc xây dựng định mức Fs phải bám sát và tuân thủ pháp luật là phải tính đúng, tính đủ, hợp lý và hợp lệ, bao gồm: Chi phí phân loại, thu gom, vận chuyển và tái chế (gồm có chi phí điện nước, hóa chất và xử lý môi trường ).
“Tất cả chi phí này đều có hệ số điều chỉnh để phân biệt với các sản phẩm có bao bì thân thiện môi trường, dễ tái chế với các sản phẩm bao bì không thân thiện môi trường, khó tái chế”, ông Hùng nêu rõ.
Cũng theo ông Hùng, dù dựa trên nguyên tắc tính đúng tính đủ, song việc xác định định mức Fs vẫn đảm bảo phù hợp thực tiễn với Việt Nam.
Thời gian tới, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp tái chế để làm sao hài hòa định mức Fs phù hợp, đảm bảo sự đồng thuận của các bên.
“Chúng tôi sẽ tiếp thu điều chỉnh chi phí tái chế của nhiều ngành theo hướng thấp hơn, nhưng có những ngành phải tính toán tăng lên, vì nếu thấp quá sẽ không có doanh nghiệp nào thực hiện cả”, ông Hùng khẳng định.