Tin Hiệp hội Ngân hàng

Các ngân hàng đang tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai giải pháp xác thực, định danh khách hàng qua CCCD gắn chip

Q.L - M.Đ 12/06/2024 15:33

Đây là thông tin được ông Trần Văn Tần, Phó Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đưa ra tại Hội nghị “Triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức ngày 12/6.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trần Văn Tần cho biết, trong bối cảnh tình hình an ninh mạng trên thế giới và tại Việt Nam diễn ra ngày càng phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, tội phạm sử dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản gia tăng, ngành Ngân hàng, tài chính luôn là đích nhắm hàng đầu của tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Thời gian qua, khi số lượng các vụ gian lận và lừa đảo giao dịch trực tuyến ngày càng tăng, với các thủ đoạn tinh vi, khó lường, việc triển khai giải pháp bảo đảm an toàn, nâng cao tính bảo mật trong thanh toán trực tuyến được xem là rất cần thiết.

ac75ea92-83c7-4f60-88ce-c45fbeb7c1c6.jpeg
Ông Trần Văn Tần, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị

Do đó, ngày 18/12/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024. Quyết định này là đòn bẩy, thúc đẩy các ngân hàng nhanh chóng triển khai những giải pháp ứng dụng công nghệ AI liên quan đến nhận diện sinh trắc học, nhằm tuân thủ và đơn giản hoá quy trình định danh khách hàng.

Theo Quyết định 2345, đến ngày 1/7/2024, đối với các giao dịch chuyển tiền giá trị trên 10 triệu đồng, khách hàng đều phải xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học.

Nhằm đáp ứng yêu cầu của Quyết định 2345/QĐ-NHNN, các tổ chức ngân hàng - tài chính và trung gian thanh toán cần thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu sinh trắc học được kiểm tra chéo với dữ liệu trong chip thẻ căn cước công dân (CCCD) của khách hàng do cơ quan Công an cấp.

Đối với khách hàng mới, các tổ chức tài chính, ngân hàng cần thu thập thông tin sinh trắc học đủ 2 bước là xác thực khuôn mặt và so khớp với dữ liệu của Bộ Công an.

Đối với khách hàng hiện hữu, phải gấp rút kiểm tra tính đầy đủ của dữ liệu, nhanh chóng cập nhật và làm sạch dữ liệu của khách hàng nhằm ngăn chặn rủi ro gian lận. Song song với đó, các giải pháp xác thực sinh trắc học phải dễ sử dụng, dễ tích hợp trên các thiết bị như di động, máy tính hoặc tại quầy, để đảm bảo sự thuận tiện cho khách hàng.

"Hiện nay, các ngân hàng đang tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai thí điểm tích hợp giải pháp xác thực, định danh khách hàng qua CCCD gắn chip trong 1 số hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, đặc biệt là hoạt động định danh, xác thực điện tử và mở tài khoản thanh toán bằng phương thức eKYC", ông Trần Văn Tần nhấn mạnh.

8e934dcc-6ba8-48c5-a768-19e345964aba.jpeg
Quang cảnh hội nghị

Tuy nhiên, một số tổ chức tín dụng còn khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý dữ liệu, chi phí triển khai… Các ngân hàng cũng đang gấp rút thu thập dữ liệu sinh trắc học của khách hàng, song hiện tại tốc độ còn chậm do khách hàng còn chưa nắm rõ về quy định mới và cung cấp dữ liệu cho ngân hàng.

"Dự báo lượng khách hàng cập nhật dữ liệu sinh trắc học có thể sẽ tăng đột biến vào ngày 1/7/2024, có thể ảnh hưởng đến hệ thống đối soát thông tin từ cơ sở dữ liệu CCCD và trải nghiệm khách hàng của ngân hàng", ông Trần Văn Tần lưu ý.

Cũng theo ông Trần Văn Tần, để nắm bắt tình hình thực hiện, khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai và kiến nghị các giải pháp hỗ trợ thị trường, hôm nay, Hiệp hội Ngân hàng tổ chức Hội nghị “Triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN”. Tại Hội nghị, Hiệp hội mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận để cùng tìm ra hướng giải quyết cho các vướng mắc khó khăn trong việc triển khai, cùng làm rõ cách hiểu và áp dụng quy định tại Quyết định 2345.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các ngân hàng đang tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai giải pháp xác thực, định danh khách hàng qua CCCD gắn chip
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO