Hoạt động ngân hàng

Các ngân hàng sẵn sàng cho ngày Quyết định 2345/QĐ- NHNN có hiệu lực

Q.L 25/06/2024 - 10:33

Quyết định 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về việc triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Để sẵn sàng cho ngày quyết định này được áp dụng, các tổ chức tín dụng (TCTD) đang rất tích cực, khẩn trương hoàn thiện các giải pháp.

Nhằm tăng cường các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ ngân hàng, ngày 18/12/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (Quyết định 2345). Tại quyết định này, NHNN yêu cầu các TCTD triển khai áp dụng biện pháp xác thực sinh trắc học cho một số loại giao dịch trong thanh toán trực tuyến trên Internet.

Tại quyết định, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán căn cứ phân loại giao dịch để triển khai áp dụng các biện pháp xác thực trong thanh toán trực tuyến trên Internet (Internet Banking, Mobile Banking).

Quyết định số 2345 được coi là một “cú hích” thúc đẩy toàn bộ hệ thống ngân hàng phải nghiêm túc hơn nữa trong việc xây dựng “tường lửa” bảo mật kiên cố bằng dữ liệu sinh trắc học.

Theo các chuyên gia, xác thực bằng sinh trắc học có thể hạn chế tối đa khả năng làm giả và có tính bảo mật cao nhất hiện nay. Giải pháp này cho phép cơ quan quản lý, tổ chức cung cấp dịch vụ xác định được chính xác chủ tài khoản, người thực hiện giao dịch, người thụ hưởng. Từ đó góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng.

Nhằm đáp ứng yêu cầu của Quyết định 2345, các tổ chức tín dụng và trung gian thanh toán đã nhanh chóng, khẩn trương thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu sinh trắc học được kiểm tra chéo với dữ liệu trong chip thẻ căn cước công dân của khách hàng do cơ quan Công an cấp.

TPBank là ngân hàng đầu tiên đã áp dụng 100% Quyết định 2345 cho tất cả khách hàng từ ngày 20/6, trước ngày có hiệu lực tới hơn 10 ngày.

Tiên phong đồng bộ các giải pháp, ngay từ tháng 3/2024, 100% cán bộ nhân viên TPBank đã cập nhật và sử dụng dữ liệu sinh trắc học trong xác thực các giao dịch chuyển tiền và thanh toán, để đảm bảo công tác vận hành và xác thực chính xác, ổn định trước khi chính thức triển khai tới hơn 12 triệu khách hàng của ngân hàng.

hieu0080-1-.jpg
TPBank hoàn tất áp dụng xác thực khuôn mặt bảo vệ tài khoản khi giao dịch trước 10 ngày

Nhờ chiến lược tập trung cùng nền tảng công nghệ hiện đại, sẵn sàng kết nối hệ thống, TPBank đã nhanh chóng đồng bộ quy trình để vừa thu thập dữ liệu khách hàng, vừa đảm bảo vận hành với khối lượng giao dịch cao hàng ngày.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank chia sẻ: “Bảo vệ khách hàng sớm nhất, tối đa nhất luôn là mục tiêu được chúng tôi đặt lên hàng đầu song song với việc phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, sáng tạo đáp ứng nhu cầu và thị hiếu khách hàng ngày càng cao. Nhận thức được tầm quan trọng của Quyết định 2345 mang lại những giá trị tích cực cho cả ngân hàng và khách hàng, với hệ thống sẵn có, TPBank đã nhanh chóng dồn lực thực hiện theo chuẩn của Quyết định 2345 để đảm bảo tính an toàn của tài khoản khách hàng ở mức cao hơn nhanh nhất có thể”.

Tại Agribank, trước khi NHNN ban hành Quyết định 2345, ngân hàng này đã chủ động triển khai đầy đủ các giải pháp đảm bảo an toàn bảo mật thông tin trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng cho khách hàng theo Quyết định 630/QĐ-NHNN ngày 31/3/2017 của NHNN như: SMS OTP; Soft OTP; Token OTP, sinh trắc học bằng khuôn mặt.

Nhằm đáp ứng yêu cầu của Quyết định 2345, Agribank đang triển khai các giải pháp kỹ thuật như: Triển khai giải pháp thu thập dữ liệu sinh trắc học và dữ liệu tích hợp trong thẻ căn cước công dân gắp chip đối với khách hàng; Xây dựng cơ sở dữ liệu sinh trắc học đã được làm sạch (đối chiếu dữ liệu sinh trắc học thu thập được với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia do Bộ Công an quản lý); Rà soát dữ liệu của khách hàng hiện hữu, cập nhật và làm sạch dữ liệu của khách hàng nhằm ngăn chặn rủi ro gian lận; Triển khai Module quản lý hạn mức tập trung và cho phép các kênh giao dịch tra cứu tình trạng hạn mức tổng đối với tài khoản thanh toán của khách hàng và các thông tin khác theo Quyết định 2345.

Tại Techcombank, ngân hàng này cho biết, triển khai các biện pháp xác thực bằng sinh trắc học đối với giao dịch số hóa của khách hàng, theo yêu cầu của Quyết định 2345 của NHNN, là ưu tiên hàng đầu.

Theo kế hoạch, từ đầu tháng 4/2024, Techcombank đã tiến hành thu thập dữ liệu sinh trắc học của khách hàng thông qua CCCD gắn chip trên ứng dụng Techcombank Mobile và tại quầy giao dịch của Techcombank. Các dữ liệu sinh trắc học của khách hàng cần khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong CCCD gắn chíp của khách hàng do cơ quan công an cấp.

Dự kiến đến ngày 1/7/2024, Techcombank sẽ áp dụng giải pháp xác thực bằng sinh trắc học trên ngân hàng số cho thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng.

“Giải pháp xác thực giao dịch số hóa bằng sinh trắc học là một trong những cam kết mạnh mẽ của Techcombank nhằm tuân thủ cao nhất các yêu cầu của NHNN, đồng thời, hướng đến mục tiêu cao nhất là đảm bảo giao dịch an toàn, bảo mật cho khách hàng trên không gian ngân hàng số”, ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng Giám đốc Techcombank chia sẻ.

Trong khi đó, tại ACB, ngân hàng này cũng triển khai rất nhiều giải pháp góp phần đảm bảo an toàn, an ninh thanh toán thẻ, cụ thể như: thông báo giao dịch qua tin nhắn SMS hoặc thư điện tử; thiết lập hạn mức giao dịch trong ngày; thiết lập tính năng cho phép/không cho phép thanh toán trực tuyến (khách hàng doanh nghiệp được phép thiết lập trên Mobile Banking từ sau ngày 1/7/2024); thiết lập hạn mức thanh toán thẻ trực tuyến trong ngày; thiết lập tính năng cho phép/không cho phép thanh toán ở nước ngoài (ngoại trừ các giao dịch trực tuyến) được triển khai từ sau ngày 1/7/2024; triển khai giải pháp xác thực 3D Secure (hoặc tương đương) cho việc thanh toán trực tuyến với thẻ quốc tế.

Bám sát chỉ đạo của NHNN, với mục tiêu đảm bảo an toàn trong giao dịch trực tuyến, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng đã nhanh chóng đón đầu công nghệ và triển khai xác thực chuyển khoản bằng khuôn mặt, với mức tiền chuyển khoản cần xác thực tùy theo khách hàng lựa chọn.

Còn tại MSB, từ ngày 6/6/2024, ngân hàng này đã tiến hành thu thập dữ liệu sinh trắc học của khách hàng thông qua CCCD có gắn chip trên ứng dụng MSB mBank hoặc các quầy giao dịch. Dữ liệu sinh trắc học của khách hàng cần phải khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong CCCD gắn chip của khách hàng do cơ quan Công an cấp (cụ thể là xác thực khuôn mặt). Sau khi cài đặt thành công hình ảnh khuôn mặt hoặc dấu vân tay chính chủ trên ứng dụng, tất cả giao dịch của chủ tài khoản sẽ được xác thực chỉ trong vài giây.

Đại diện MSB cho biết: “Giải pháp xác thực giao dịch số hóa bằng sinh trắc học là một trong những cam kết của MSB nhằm tuân thủ các yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời hướng đến mục tiêu cao nhất là đảm bảo giao dịch an toàn, bảo mật cho khách hàng trên không gian số”.

Tương tự VietABank cũng đang rất nỗ lực và tích cực phối hợp với những tổ chức, doanh nghiệp được Bộ Công an (C06) cấp phép để triển khai các giải pháp xác thực, định danh khách hàng qua căn cước công dân (CCCD) gắn chip, thu thập dữ liệu sinh trắc học của khách hàng theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng.

Còn tại SHB, với trên 92% số lượng giao dịch toàn hàng thực hiện trên kênh số, SHB nhận thấy sự cấp thiết của việc thực thi Quyết định 2345 để bảo vệ khách hàng khi giao dịch trực tuyến. Do đó, ngân hàng đã thực hiện triển khai cập nhật và bổ sung dữ liệu sinh trắc học từ thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp để bảo vệ an toàn tài khoản và đối chiếu với cơ sở dữ liệu của Bộ Công an.

“Việc sớm thu thập thông tin sinh trắc học của khách hàng nhằm mục tiêu đảm bảo trải nghiệm thuận tiện, liền mạch và liên tục trên các nền tảng số cũng như tăng cường bảo mật, bảo vệ khách hàng trong các giao dịch chuyển tiền, đáp ứng Quyết định 2345 của NHNN. Chúng tôi kỳ vọng và tin tưởng Quyết định mới sẽ là một trong những biện pháp xác thực quan trọng góp phần bảo vệ an toàn tiền gửi của khách hàng trong hệ thống tín dụng”, đại diện SHB nhấn mạnh.

nguoi-dung-co-the-len-app-momo-de-cung-cap-sinh-trac-hoc-qua-hinh-thuc-dung-cccd-gan-chip-doc-nfc-.jpg

Về phía các trung gian thanh toán, MoMo là một trong những đơn vị đầu tiên nhanh chóng triển khai các giải pháp tuân thủ Quyết định 2345/QĐ-NHNN, đồng thời ứng dụng công nghệ AI tiên tiến để giúp người dùng có thể cập nhật và xác thực sinh trắc học một cách đơn giản và thuận tiện. Theo đó, ưu tiên hàng đầu của MoMo là mang lại cho người dùng trải nghiệm đơn giản, nhanh chóng, nhưng vẫn đảm bảo an toàn, bảo mật và giúp bảo vệ tài sản cá nhân ở mức tối đa.

Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập MoMo, chia sẻ: “Việc đảm bảo an ninh, an toàn cho khách hàng đối với các giao dịch trên không gian số luôn là ưu tiên số một của chúng tôi vì “đồng tiền là liền khúc ruột”. Việc áp dụng xác thực sinh trắc học sẽ giúp đảm bảo an toàn cho các hoạt động thanh toán trực tuyến trên hệ thống ngân hàng và ví điện tử, đồng thời bảo vệ khách hàng, hạn chế được các rủi ro gian lận trong các giao dịch trên Internet”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các ngân hàng sẵn sàng cho ngày Quyết định 2345/QĐ- NHNN có hiệu lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO