(thitruongtaichinhtiente.vn) - Phỏng vấn ông Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam. (*) Tít bài do tòa soạn đặt
Ông Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam |
Phóng viên (P.V): Kết thúc năm 2019, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ở mức cao. Ông đánh giá như thế nào về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2020? Những rủi ro và vấn đề nào Việt Nam cần quan tâm?
Ông Eric Sidgwick: Tăng trưởng GDP trong 3 quý đầu năm 2019 tăng tốc lên 7,0%, mức cao nhất so với cùng kỳ trong 9 năm qua. Xung lực tăng trưởng mạnh mẽ trong quý III sẽ vẫn được duy trì trong quý IV và sang năm sau. Vì vậy, ADB mới đây đã điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 6,8% lên 6,9% cho năm 2019 và từ 6,7% lên 6,8% cho năm 2020.
Động lực tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2020 dự kiến sẽ được củng cố nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của tiêu dùng trong nước, được hậu thuẫn bởi lạm phát vừa phải và sự gia tăng tầng lớp thu nhập trung bình. Dòng vốn FDI được dự báo sẽ tăng với một lượng vốn FDI đáng kể từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đổ vào, đặc biệt là đầu tư vốn cổ phần. Xuất - nhập khẩu sẽ tăng lên khi CPTPP và Hiệp định thương mại EU-Việt Nam có hiệu lực vào năm 2020. Lạm phát thấp, tỷ giá ổn định và chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ tạo ra môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi hơn để mở rộng kinh doanh và đầu tư hộ gia đình. Việc giải ngân một số dự án đầu tư công lớn theo kế hoạch sẽ góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế trong năm 2020.
Tuy nhiên, rủi ro đối với các dự báo tăng trưởng này chính là sự khó lường đoán của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc và thương mại toàn cầu đang chậm lại. Nếu những hạn chế về thể chế, pháp lý và năng lực đối với việc giải ngân đầu tư công không được giải quyết, đây sẽ tiếp tục là nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ trong triển khai các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, gây cản trở triển vọng tăng trưởng dài hạn.
P.V: Để duy trì tốc độ tăng trưởng và nâng cao chất lượng tăng trưởng, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến việc tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới. Với vai trò là tổ chức phát triển đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam nhiều năm qua, ADB có thể gợi ý những lĩnh vực/khu vực nào có thể trở thành động lực tăng trưởng mới của Việt Nam?
Ông Eric Sidgwick: Trong ngắn hạn và trung hạn, sản xuất, nông nghiệp và dịch vụ vẫn tiếp tục là những động lực tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. FDI cũng sẽ tiếp tục là một động lực chính cho tăng trưởng trong trung hạn, hỗ trợ bởi tiêu dùng trong nước ổn định.
Phát triển nông nghiệp giá trị cao rất quan trọng trong chuyển đổi nông nghiệp trở thành ngành có giá trị gia tăng cao để dẫn dắt tăng trưởng kinh tế |
Tuy nhiên, về lâu dài, bên cạnh tốc độ tăng trưởng thì điều quan trọng là phải đảm bảo tính bền vững, bao trùm trong phát triển kinh tế và chất lượng tăng trưởng. Đầu tiên, về kinh tế, Việt Nam sẽ cần tiếp tục thực hiện các cải cách cơ cấu quan trọng bao gồm cải cách các doanh nghiệp nhà nước, ngành ngân hàng và thị trường vốn, y tế và giáo dục. Thứ hai, ở cấp độ ngành, điều quan trọng là phải giải quyết tính lưỡng cực của nền kinh tế, đặc biệt là trong khu vực sản xuất, hiện đang bị chi phối bởi các doanh nghiệp FDI, trong khi các doanh nghiệp này thường có mối liên kết yếu/không có mối liên kết nào với khu vực trong nước. Trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại hóa nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang phát triển nông nghiệp dựa nhiều vào các nguồn lực tự nhiên. Phát triển nông nghiệp giá trị cao rất quan trọng trong chuyển đổi nông nghiệp trở thành ngành có giá trị gia tăng cao để dẫn dắt tăng trưởng kinh tế. Thứ ba, về năng suất và hiệu suất lao động, điều quan trọng đối với Việt Nam là cần phải nâng cao năng suất lao động, trong đó tăng trưởng cần được dựa nhiều hơn vào đổi mới sáng tạo và công nghệ thay vì các yếu tố sẵn có như lao động và các tài nguyên thiên nhiên khác. Cuối cùng, Việt Nam cũng nên giải quyết những thách thức phát sinh về biến đổi khí hậu, vấn đề nhân khẩu học và bất bình đẳng xã hội.
P.V: Trong 2 năm vừa qua, ADB đã cùng các bên liên quan hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Chương trình Thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính Việt Nam (Fintech Challenge Vietnam – FCV). Ông đánh giá thế nào về tiềm năng cũng như thách thức trong phát triển Fintech tại Việt Nam?
Ông Eric Sidgwick: Sự xuất hiện của Fintech là tất yếu khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Số lượng các công ty Fintech đã tăng từ khoảng 40 vào cuối năm 2016 lên khoảng 100 công ty, trong đó phần lớn hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng và đặc biệt là trong lĩnh vực thanh toán (với gần 30 công ty Fintech đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép). Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển Fintech như tỷ lệ sử dụng điện thoại di động và internet cao cùng với kiến thức về công nghệ thông tin của giới trẻ, thương mại điện tử đang phát triển, tài chính bao trùm đang ở mức thấp và tầng lớp thu nhập trung bình tăng. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều thách thức để phát triển fintech.
• Thách thức về quy định. Khung pháp lý hiện tại mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu để áp dụng các giải pháp thanh toán đổi mới, trong khi các lĩnh vực khác (cho vay ngang hàng (P2P), huy động vốn cộng đồng…) vẫn chưa có quy định hoặc chưa được quy định đầy đủ trong khung pháp lý hiện có. Ví dụ, Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý cần thiết để áp dụng e-KYC (định danh khách hàng điện tử) nhằm nhận dạng khách hàng và một số giải pháp Fintech mới khác trong lĩnh vực ngân hàng. Rủi ro liên quan đến Fintech ở một số quốc gia nhắc nhở các cơ quan quản lý tài chính về sự cần thiết phải đạt được sự cân bằng giữa đổi mới và sự lành mạnh về tài chính. Làn sóng gần đây về các vụ bê bối cho vay P2P và sự thất bại của của Trung Quốc với một số nền tảng P2P cho thấy cần giám sát chặt chẽ hơn đối với cho vay ngang hàng. Để hỗ trợ sự phát triển và quá trình đổi mới sáng tạo của fintech trong một môi trường an toàn, một số quốc gia bao gồm các quốc gia trong khu vực (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia) đã phát triển khuôn khổ pháp lý thử nghiệm đối với Fintech để cho phép thử nghiệm các giải pháp Fintech với sự hỗ trợ và giám sát cần thiết của các cơ quan quản lý trước khi chính thức áp dụng.
• Thách thức về kỹ thuật và năng lực, bao gồm các vấn đề kiến thức và năng lực thực thi các qui định về ngân hàng đại lý, bảo mật dữ liệu, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ nhà đầu tư, phòng/chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, an ninh mạng, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, nguồn nhân lực, hạn chế về vốn tài trợ cho các công ty fintech… Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng tài chính chưa phát triển, còn thiếu các hệ thống định danh chuẩn hóa quốc gia cũng như định danh cá nhân cơ bản cho một số bộ phận dân cư nhất định, hạn chế trong hiểu biết về những lĩnh vực mới như Fintech, ngân hàng số cũng như khả năng sử dụng internet ở các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa… là những thách thức kỹ thuật cho sự phát triển Fintech ở Việt Nam.
P.V: Cùng với xu thế chung của các ngân hàng trên thế giới, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi từ mô hình hoạt động truyền thống sang mô hình ngân hàng số. Để thúc đẩy quá trình này và đạt được những thành công, theo ông, những vấn đề nào hệ thống ngân hàng Việt Nam cần lưu ý?
Ông Eric Sidgwick: Hơn 90% ngân hàng tại Việt Nam đã xây dựng các chương trình chuyển đổi số và ngân hàng số, trong đó hơn 50% đang thực hiện các chương trình này. Để tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi số và hoạt động ngân hàng, các vấn đề sau đây nên được xem xét:
Ngân hàng số đòi hỏi sự thay đổi trong mô hình kinh doanh với phương pháp quản lý sáng tạo và các giá trị mới cho ngân hàng và khách hàng |
• Thay đổi mô hình kinh doanh. Ngân hàng số đòi hỏi sự thay đổi trong mô hình kinh doanh với phương pháp quản lý sáng tạo và các giá trị mới cho ngân hàng và khách hàng. Ngân hàng số cần có những thay đổi đáng kể về tư duy, văn hóa kinh doanh, phương pháp quản lý, cũng như nguồn lực tài chính và đầu tư nhân sự cần thiết để tích hợp công nghệ vào tất cả các cấp độ hoạt động ngân hàng, số hóa quy trình kinh doanh theo hướng tự động hóa, thông minh, vận hành và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ dựa trên nền tảng kỹ thuật số, tập trung vào định hướng khách hàng.
• Tạo lập khung pháp lý khả thi. Điều quan trọng là tạo ra một khung pháp lý để thực hiện chuyển đổi kỹ thuật số và số hóa ngân hàng. Khung pháp lý này cũng cần có khả năng khuyến khích áp dụng công nghệ sáng tạo trong lĩnh vực ngân hàng, tiếp cận và bảo vệ dữ liệu người dùng, an ninh mạng, quản lý rủi ro
• Phát triển năng lực và cơ sở hạ tầng, bao gồm (i) nâng cao nhận thức cho khách hàng, (ii) đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng CNTT và ứng dụng các công nghệ mới như AI, API mở, phân tích dữ liệu... và (iii) phát triển kỹ năng.
• Tăng cường quan hệ đối tác với các công ty Fintech. Số hóa ngân hàng có thể được thực hiện bằng cách số hóa tất cả các quy trình và phân khúc kinh doanh trong các ngân hàng hiện tại hoặc được khởi tạo thông qua chuyển đổi số, hoặc thiết lập một ngân hàng kỹ thuật số mới đóng vai trò là “trái tim” của các ngân hàng hiện tại. Điều này cũng có thể được thực hiện với sự hợp tác lớn hơn với các công ty Fintech. Do đó, các ngân hàng có thể thực hiện tốt hơn lộ trình chiến lược của riêng mình với các mô hình kinh doanh phù hợp để số hóa, bao gồm thúc đẩy hợp tác với các công ty Fintech.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!