Cần sớm giảm phí tin nhắn cho ngân hàng

Nhóm P.V| 16/08/2021 06:35
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo các chuyên gia, việc doanh nghiệp viễn thông giảm phí tin nhắn SMS cho các dịch vụ ngân hàng sẽ thể hiện được sự cùng đồng hành chia lửa, cùng chung tay trong khó khăn, cũng để đảm bảo tính công bằng như đối với các khách hàng khác của nhà mạng. Cuối cùng người được hưởng lợi ở đây là người dân và doanh nghiệp trong toàn xã hội.

Khách hàng mong được miễn phí tin nhắn dịch vụ

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng mọi mặt đời sống, Chính phủ đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Với ngành viễn thông, các doanh nghiệp viễn thông đã có gói hỗ trợ, khuyến mại tới 10.000 tỷ đồng trong 3 tháng, để hỗ trợ mọi người dân dùng dịch vụ viễn thông nhiều hơn trước 50% mà chi phí vẫn như cũ, còn với những người khó khăn, thu nhập thấp thì giảm giá gói cước, tiếp tục duy trì miễn phí truy nhập tốc độ cao đến các trang thông tin điện tử của Bộ Y tế, ứng dụng Bluezone; Miễn phí cước thoại đến các đường dây nóng phòng, chống COVID-19.

 

Tuy nhiên, đối với việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong đó có các tổ chức tín dụng (TCTD), đến nay, chưa nhận được sự hỗ trợ từ nhà mạng. Từ năm 2020, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã 3 lần có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị hỗ trợ giảm cước phí dịch vụ tin nhắn thương hiệu (SMS Brandname) cho các TCTD. Nhưng đến nay, chưa có động thái hỗ trợ nào từ các nhà mạng.Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng mọi mặt đời sống, Chính phủ đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Với ngành viễn thông, các doanh nghiệp viễn thông đã có gói hỗ trợ, khuyến mại 10.000 tỷ đồng trong 3 tháng, để hỗ trợ mọi người dân dùng dịch vụ viễn thông nhiều hơn trước 50% mà chi phí vẫn như cũ, còn với những người khó khăn, thu nhập thấp thì giảm giá gói cước, tiếp tục duy trì miễn phí truy nhập tốc độ cao đến các trang thông tin điện tử của Bộ Y tế, ứng dụng Bluezone; Miễn phí cước thoại đến các đường dây nóng phòng, chống COVID-19.

Gần đây nhất, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có văn bản lần thứ 4. Theo đó, để chia sẻ, giảm bớt gánh nặng chi phí cho ngân hàng khi thực hiện chính sách miễn, giảm phí, hạ, giảm lãi suất tiền vay cho khách hàng trong bối cảnh hiện nay, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông thực hiện điều chỉnh giảm giá cước tin nhắn đối với các dịch vụ tài chính ngân hàng nhằm hỗ trợ các TCTD tiếp tục duy trì việc miễn, giảm phí cho khách hàng trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trước kiến nghị này của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ đã liên hệ với 3 nhà mạng lớn đề nghị cho biết về kế hoạch hoặc chính sách giảm cước tin nhắn dịch vụ cho nhóm doanh nghiệp, tổ chức trong đó có các TCTD cũng như cho biết ý kiến về các đề nghị của Hiệp hội Ngân hàng. Tuy nhiên, cho đến nay, Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ chưa nhận được phản hồi từ Vinaphone và Viettel. Nhà mạng MobiFone cho biết sẽ thông tin khi có chương trình cụ thể.

Về phía ngân hàng, trao đổi với phóng viên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank) - cho rằng: “Việc này là rất cần thiết. Hiệp hội Ngân hàng đã đại diện cho các ngân hàng nêu lên vấn đề với Bộ Thông tin và Truyền thông. Trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Nhà nước và doanh nghiệp đang cùng chung tay thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa tăng cường hoạt động sản xuất kinh doanh. Các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế liên tiếp được đưa ra. Bản thân ngành Ngân hàng cũng đang triển khai các chương trình miễn giảm phí, lãi suất cho doanh nghiệp và người dân, đưa ra các gói miễn phí 0 đồng cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ tin nhắn SMS thì việc các nhà mạng cùng chung tay hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, ngân hàng thông qua việc giảm phí cước SMS là rất phù hợp”.

Về phía khách hàng, chị Lê Quỳnh (trú tại Đống Đa, Hà Nội) cho biết chị không có nhu cầu vay vốn nên không rõ lắm về các chương trình giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, chị được biết việc các TCTD tích cực tham gia ủng hộ công tác phòng, chống dịch và bày tỏ sự hoan nghênh, đồng thời mong các TCTD tiếp tục chia sẻ khó khăn, ủng hộ cho công tác phòng chống dịch.

Đối với vấn đề cước phí tin nhắn SMS, chị cho rằng “Trong thời buổi khó khăn, tôi rất mong hai bên ngân hàng và viễn thông cùng làm việc với nhau để hỗ trợ khách hàng, nếu miễn phí được thì càng tốt”- chị Lê Quỳnh nói

Còn chị Nguyễn Hương Giang (Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) bày tỏ khá bất ngờ bởi từ trước tới giờ chị không biết việc các nhà mạng thu phí tin nhắn dịch vụ của ngân hàng cao gấp 2-3 lần so với các khách hàng cá nhân. Đồng thời, qua theo dõi báo chí thấy Hiệp hội Ngân hàng Viêt Nam đã kiến nghị các nhà mạng giảm phí cho các ngân hàng nhiều lần mà không thấy nhà mạng có hành đông gì nên chị cũng rất ngạc nhiên về cách ứng xử của nhà mạng, nhất là trong thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Chị Hương Giang cho rằng: “Các ông lớn viễn thông lúc này cần thể hiện trách nhiệm, chia sẻ với khách hàng nói chung và với khách hàng là ngân hàng nói riêng, có như vậy thì khách hàng cá nhân như tôi cũng được hưởng lợi”.

Giảm cước hỗ trợ ngân hàng – Một mũi tên trúng nhiều đích

Trao đổi với Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng: Ngành ngân hàng đã thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ khách hàng, tính từ đầu dịch năm 2020 đến nay, các TCTD chi khoảng gần 20 nghìn tỷ đồng để miễn, giảm lãi, phí và sẽ tiếp tục chi thêm khoảng 48 nghìn tỷ đồng trong nửa cuối năm 2021 để tiếp tục giảm lãi, phí cho khách hàng theo lời kêu gọi giảm lãi suất của Hiệp hội Ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước.

Theo TS. Cấn Văn Lực, hiện nay các ngân hàng đang chịu một mức phí cao hơn thông thường. Cụ thể, MobiFone và VinaPhone thu 820 đồng/1 tin nhắn giao dịch tài chính và 500 đồng/1 tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng; Viettel thu 785 đồng đối với tin nhắn giao dịch tài chính và 500 đồng với tin nhắn chăm sóc khách hàng. Mức giá này cao hơn từ 2-3 lần so với mức giá tin nhắn của khách hàng cá nhân. Các nhà mạng khác như Vietnamobile, Beeline cũng có mức giá cao tương tự. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay thì việc giảm một phần mức phí đó sẽ hỗ trợ, tạo thêm động lực và nguồn lực để các TCTD có thể hỗ trợ khách hàng nhiều hơn.

“Tôi nghĩ rằng, để có được sự hợp tác bền chặt giữa 2 bên thì cần có thiện chí từ các công ty viễn thông để thấu hiểu, chia sẻ những khó khăn của các TCTD và cũng để đảm bảo tính công bằng như đối với các khách hàng khác của nhà mạng” – TS. Cấn Văn Lực nói.

TS. Cấn Văn Lực phân tích rõ hơn, các giao dịch online tăng mạnh và số lượng tin nhắn gửi tới khách hàng cũng tăng tương ứng, tuy nhiên, các ngân hàng vẫn phải chịu một mức phí chung từ trước đến nay, không được giảm khi lượng tin nhắn tăng lên. Giảm cước phí cho TCTD, cho khách hàng cũng là một động thái hết sức có ý nghĩa nhằm thúc đẩy chiến lược chuyển đổi số quốc gia mà Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đang trọng tâm thực hiện. Các nước, vùng lãnh thổ, trong khu vực như Thái Lan, Đài Loan cũng làm như vậy.

“Khi cả nước đang cùng nhau góp sức chống dịch, ngành Ngân hàng đã thực hiện nhiều biện pháp miễn giảm lãi, phí cho khách hàng, bản thân các công ty viễn thông cũng giảm phí cho khách hàng khác, song chưa có động thái giảm phí nhắn tin cho ngân hàng là chưa phù hợp với bối cảnh hiện nay và cũng chưa công bằng. Hy vọng, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các nhà mạng hiểu và chia sẻ nhiều hơn đối với các doanh nghiệp nói chung và các TCTD nói riêng. Làm được như vậy là một mũi tên trúng nhiều đích” – TS. Cấn Văn Lực bày tỏ.

Còn theo PGS.TS Đỗ Hoài Linh, Đại học Kinh tế Quốc dân, việc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp viễn thông giảm cước cho các dịch vụ ngân hàng để cùng đồng hành, chia lửa khó khăn, cùng chung tay giúp đỡ người được hưởng lợi cuối cùng ở đây là người dân và doanh nghiệp trong toàn xã hội là hoàn toàn chính đáng. Hành động “ngó lơ” không phản hồi yêu cầu của ngành viễn thông là không phù hợp. Bên cạnh gói hỗ trợ 10 nghìn tỷ đồng với người dân, các doanh nghiệp viễn thông nên cần sớm có gói hỗ trợ cước viễn thông với doanh nghiệp, trong đó có các ngân hàng.

“Hiện tại, theo tôi được biết Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã gửi yêu cầu lần thứ 4 và trước đó, Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản gửi các doanh nghiệp viễn thông di động đề nghị các doanh nghiệp nghiên cứu, xem xét giảm giá cước tin nhắn đối với dịch vụ tài chính - ngân hàng, nhưng các doanh nghiệp viễn thông vẫn không có phản hồi. Vì thế, Bộ Thông tin và Truyền thông nên có những chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa ví dụ như ban hành Chỉ thị để các doanh nghiệp viễn thông sớm có những hành động giảm cước cụ thể nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung và ngành ngân hàng nói riêng trong mùa dịch bệnh” - PGS.TS Đỗ Hoài Linh nêu ý kiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần sớm giảm phí tin nhắn cho ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO