Thời gian qua, tại TP. Cần Thơ đã triển khai nhiều mô hình nhằm thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cần Thơ đang triển khai mô hình cho vay tín chấp công dân: hộ nghèo, người có công (mô hình 20) trên cơ sở triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư trong đánh giá khả tín công dân.
Trong quá trình triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Chính phủ, TP. Cần Thơ luôn nhận được sự quan tâm, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương nên việc triển khai Đề án cơ bản bám sát tiến độ, bước đầu đạt được một số kết quả nhất định.
Việc công khai, minh bạch hồ sơ thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa và trên hệ thống thông tin một cửa điện tử để người dân tra cứu thông tin, hồ sơ thủ tục hành chính được thuận lợi, từ đó nâng cao niềm tin trong nhân dân.
Bên cạnh đó, nhằm kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06, UBND TP. Cần Thơ còn thường xuyên tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị nhằm đánh giá kết quả triển khai và đề xuất giải pháp thúc đẩy việc triển khai hiệu quả Đề án.
Trong đó, điển hình như Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06, triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024; triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư trong đánh giá khả tín công dân và đẩy nhanh việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt.
Qua Hội nghị, các sở, ban, ngành TP. Cần Thơ đều cho biết, đang tích cực triển khai các mô hình điểm theo Đề án 06, trong đó Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cần Thơ hiện đang triển khai mô hình cho vay tín chấp công dân đối với đối tượng hộ nghèo và người có công (mô hình 20).
Để triển khai các sản phẩm cho vay tín chấp trên cơ sở triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư trong đánh giá khả tín công dân, UBND TP. Cần Thơ đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cần Thơ chỉ đạo các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng trên địa bàn quan tâm triển khai, tuyên truyền các sản phẩm cho vay tín chấp, đối tượng thụ hưởng, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận và sử dụng nguồn vốn chính thống, nhanh chóng, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cần Thơ đã quan tâm chỉ đạo trực tiếp 5 ngân hàng thương mại, gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, PVCombank, VIB và các ngân hàng, tổ chức tín dụng khác trên địa bàn thành phố tiến hành cho hoạt động vay tín chấp.
Tính đến ngày 11/6/2024 đã phát sinh 1.222 hồ sơ cho vay tiêu dùng bằng hình thức tín chấp, với số tiền 165 tỷ đồng. Tuy nhiên, mô hình này hiện nay chưa thực hiện được với đối tượng là người nghèo và người có công. Đây cũng là khó khăn chung của các địa phương trên cả nước hiện nay.
Để góp phần tăng cường công tác triển khai Đề án 06 trong thời gian tới, UBND TP. Cần Thơ yêu cầu các cấp, các ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, hướng dẫn của bộ, ban, ngành Trung ương để hành động quyết liệt, hiệu quả hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong triển khai thực hiện nhiệm vụ Đề án 06, phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế.
Đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cần Thơ, UBND TP. Cần Thơ đề nghị tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai thực hiện các sản phẩm cho vay tín chấp như hiện nay. Khi nào các cơ quan Trung ương có chủ trương triển khai cho vay đối với người nghèo, người có công thì sớm triển khai tại địa phương.