Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, UBND TP. Cần Thơ đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh TP. Cần Thơ đảm bảo, cân đối nguồn vốn tín dụng chính sách phục vụ công tác giảm nghèo bền vững. Qua đó, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững trên địa.
Tín dụng chính sách giúp giảm nghèo bền vững
Để cụ thể hóa các nhiệm vụ, mục tiêu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 5 năm và hàng năm. Theo đó, trong năm 2023, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 20/4/2023 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thành phố Cần Thơ năm 2023 và các văn bản triển khai thực hiện (3 Quyết định, 1 kế hoạch, 11 Công văn).
Trên cơ sở đó, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố và UBND các cấp đã ban hành các văn bản hướng dẫn có liên quan để triển khai thực hiện Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Nhờ sự chủ động, quyết liệt này, công tác triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững chuyển biến ngày càng tích cực.
Theo kết quả thực hiện mục tiêu giai đoạn 2021 – 2023 cho thấy, tính đến hết ngày 31/12/2023, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố giảm 0,31%, vượt so với mục tiêu đề ra giảm 0,20%/năm. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo còn lại trên địa bàn là 0,21% so với tổng số hộ dân, tương đương 764 hộ. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,61%; tỷ lệ hộ nghèo còn lại là 0,53% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số, tương đương 54 hộ.
Về nguồn vốn thực hiện chương trình, tổng kinh phí chi thường xuyên và hỗ trợ tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình giai đoạn 2021 – 2023 là 2.714.864 triệu đồng, trong đó: ngân sách Trung ương là 44.377 triệu đồng và ngân sách địa phương là 101.744 triệu đồng; vốn ưu đãi là 2.421.476 triệu đồng; vốn huy động cộng đồng là 147.267 triệu đồng.
Ngoài ra, trên toàn thành phố hiện có tổng cộng 31 mô hình sinh kế giảm nghèo, với 287 hộ (trong đó bao gồm 20 hộ nghèo, 30 hộ cận nghèo tham gia mô hình), với nguồn kinh phí 11.076 triệu đồng, trong đó vốn vay Ngân hành Chính sách xã hội (NHCSXH ) Chi nhánh TP. Cần Thơ với số tiền là 5.776 triệu đồng, vốn huy động là 5.300 triệu đồng tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo, góp phần giảm tỷ lệ nghèo ở địa phương.
Bên cạnh đó, trong năm 2023, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đối với NHCSXH thành phố đạt 523 tỉ đồng, đạt 130% chỉ tiêu đề ra. Theo đó, 9/9 quận, huyện đạt chỉ tiêu đề ra; trong đó, có 5 địa phương vượt chỉ tiêu bao gồm: quận Cái Răng, quận Bình Thủy, quận Thốt Nốt, huyện Phong Điền và huyện Thới Lai. Đồng thời, tổng doanh số cho vay năm 2023 đạt 1.280 tỉ đồng, với 28.686 lượt hộ vay; tổng dư nợ đạt 4.108 tỉ đồng, với 94.378 hộ còn dư nợ, hoàn thành gần 100% chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ. Qua đó, từng bước đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân.
Năm 2024, căn cứ Quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương của NHCSXH Việt Nam và khả năng cân đối ngân sách của địa phương, UBND thành phố đã trình HĐND thành phố xem xét, quyết định phân bổ vốn ủy thác từ ngân sách địa phương qua NHCSXH Chi nhánh thành phố và Phòng giao dịch NHCSXH quận, huyện để cho vay hộ nghèo và cá đối tượng khác với số vốn được giao chi tiết là 65 tỷ đồng.
Đến ngày 31/3/2024, vốn ủy thác địa phương đạt gần 611 tỷ đồng, tăng trên 86 tỷ đồng, tăng 16,5% so với năm 2023; vốn huy động đạt 630 tỷ đồng, tăng hơn 41 tỷ đồng tăng 7% so với năm 2023; doanh số cho vay 3 tháng đầu năm 2024 đạt trên 200 tỷ đồng với 6.379 hộ được vay vốn; tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 4.139 tỷ đồng với 94.318 khách hàng còn dư nợ, tăng trên 30 tỷ đồng, tăng 0,74% so với năm 2023; hoàn thành 26,8% chỉ tiêu tăng trưởng được giao.
Theo NHCSXH Chi nhánh TP. Cần Thơ, công tác triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần rất lớn vào công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.
Hiện nay, UBND thành phố đang xem xét, chỉ đạo các đơn vị tiếp tục rà soát, phân bổ sử dụng nguồn vốn ủy thác để thực hiện cho vay theo quy định, ưu tiên bố trí vốn ủy thác qua NHCSXH Chi nhánh thành phố theo khả năng cân đối ngân sách của thành phố, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ vốn vay của các đối tượng thụ hưởng trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chương trình khác.
Để tín dụng chính sách tiếp tục phát huy vai trò giảm nghèo
Nhằm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2024 và chuẩn bị tốt kế hoạch nguồn vốn tín dụng chính sách năm 2025 và giai đoạn 2025-207 để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện cân đối nguồn vốn ngân sách, tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố xem xét bố trí nguồn vốn mới năm 2025 và giai đoạn 2025-2027 từ ngân sách thành phố ủy thác sang cho NHCSXH Chi nhánh TP. Cần Thơ để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đảm bảo mục tiêu 15% - 20% tăng trưởng dư nợ tín dụng/năm.
Đồng thời, rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn trong khuôn khổ chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo năm 2025 và giai đoạn 2025-2027 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở để NHCSXH Chi nhánh TP. Cần Thơ cho vay theo quy định.
Bên cạnh đó, đối với riêng NHCSXH Chi nhánh TP. Cần Thơ, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ yêu cầu, chỉ đạo các Phòng giao dịch NHCSXH quận, huyện báo cáo, tham mưu UBND, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị có liên quan trong việc xây dựng kế hoạch tín dụng năm 2025 và giai đoạn 2025-2027 trên địa bàn.
Hướng dẫn cụ thể các Phòng giao dịch NHCSXH quận, huyện phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2024 và tổ chức xây dụng chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2025 và giai đoạn 2025-2027, đảm bảo nguồn vốn đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho các đối tượng thụ hưởng theo quy định để góp phần vào công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Tổng hợp kế hoạch tín dụng từ các quận, huyện; phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan để lập kế hoạch tín dụng chính sách năm 2025 và giai đoạn 2025-2027 của toàn thành phố và trình Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH thành phố xem xét, phê duyệt để báo cáo NHCSXH trung ương đúng thời gian quy định.