Cảnh báo hình thức lừa đảo rút trộm tiền qua ví điện tử

Minh Hoàng| 03/11/2021 10:44
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) vừa phát đi cảnh báo về thủ đoạn đánh cắp thông tin cá nhân/thông tin giao dịch để rút trộm tiền qua ví điện tử.

Theo SHB, cùng với sự phát triển nhanh chóng của các dịch vụ ngân hàng hiện đại, các hình thức lừa đảo, tội phạm công nghệ cao cũng đang có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và hình thức, nổi bật là thủ đoạn đánh cắp thông tin cá nhân/thông tin giao dịch để rút trộm tiền qua ví điện tử.

Hình thức lừa đảo phổ biến đó là các đối tượng cho vay tiền online để mời gọi khách hàng vay vốn. Khách hàng sẽ tự cung cấp các thông tin/hình ảnh (thông tin CMND, số điện thoại, số thẻ/tài khoản ngân hàng, mật khẩu OTP… ) trên website/Internet Banking/Mobile Banking không chính thống của SHB.

Sau đó, các đối tượng sử dụng các thông tin cá nhân của khách hàng để tạo tài khoản ví điện tử (với khách hàng chưa có ví điện tử) và liên kết khách hàng với số thẻ/tài khoản ngân hàng của khách hàng. Tiếp đến là nạp tiền từ tài khoản thanh toán của khách hàng vào khách hàng, chiếm đoạt số tiền này để mua sắm hoặc chuyển tiền qua ví điện tử khác.

Ngoài ra, các đối tượng có thể mạo danh cơ quan chức năng, nhân viên ngân hàng, nhân viên ví điện tử để gọi điện, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân/thông tin giao dịch để xử lý công việc (phục vụ điều tra, xử lý khoản tiền về đang bị treo, nhận quà tặng…)

Nhằm giúp khách hàng nâng cao cảnh giác, SHB khuyến cáo khách hàng cần bảo mật thông tin cá nhân, thông tin giao dịch. Chỉ truy cập/thực hiện giao dịch trên các website an toàn/uy tín. Đồng thời không cung cấp thông tin số tài khoản, Số thẻ, thông tin Ngân hàng điện tử (tên đăng nhập, mật khẩu)...  cho bất cứ ai, kể cả nhân viên ngân hàng. Phía SHB cũng như các cơ quan chức năng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin giao dịch hay yêu cầu chuyển tiền dưới các hình thức gọi điện thoại, tin nhắn, email…

Nếu khách hàng phát hiện giao dịch nghi ngờ gian lận/lừa đảo, cần chủ động khóa dịch vụ ngân hàng điện tử/ chức năng thanh toán trực tuyến của thẻ thông qua SHB Internet Banking hoặc trên ứng dụng SHB Mobile, thông báo tới  SHB và các cơ quan chức năng (công an địa phương …)

Ngân hàng Nhà nước cũng vừa có công văn số 7611/NHNN-TT gửi các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán.

Theo Ngân hàng Nhà nước, qua theo dõi giám sát tình hình hoạt động thanh toán, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy gần đây nổi lên tình hình tội phạm công nghệ cao giả mạo tin nhắn thương hiệu (SMS brandingname) của các ngân hàng gửi đến điện thoại di động để lừa khách hàng truy cập, giao dịch tại trang web giả mạo ngân hàng do đối tượng phạm tội lập ra.

Mục đích, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng là sau khi đánh cắp thông tin đăng nhập (username, password) và mã xác thực giao dịch (OTP) sẽ dùng các thông tin bí mật này kết hợp với việc thay đổi phương thức, thiết bị nhận mã xác thực OTP để thực hiện các giao dịch giả mạo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Để phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro gian lận, lừa đảo trong cung ứng, sử dụng dịch vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trên cơ sở phân tích, đánh giá các nguy cơ, rủi ro và tình trạng tội phạm công nghệ cao tại đơn vị, chủ động thực hiện một số nội dung nhằm đảm bảo an toàn, an ninh hoạt động thanh toán.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo hình thức lừa đảo rút trộm tiền qua ví điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO