Hoạt động ngân hàng

Chỉ thị 01/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước và nhiệm vụ của ngành Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh năm 2024

Nguyễn Đức Lệnh 19/01/2024 14:21

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2024. Trong đó, đối với NHNN Chi nhánh tỉnh thành phố, NHNN giao thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ gắn với chức năng quản lý nhà nước của ngân hàng trung ương (NHTW) và nhiệm vụ địa phương tại các tỉnh thành phố.

Các nhóm nhiệm vụ gồm: tổ chức triển khai chính sách tiền tệ, tín dụng, ngoại hối trên địa bàn; thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra giám sát; phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; triển khai cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu; Tăng cường quản lý hoạt động Quỹ Tín dụng Nhân dân trên địa bàn; Thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; đảm bảo an toàn hệ thống công nghệ thông tin, thanh toán điện tử, thanh toán thẻ trên địa bàn và các nhiệm vụ trọng tâm khác về tiền tệ kho quỹ; về các chương trình, đề án phát triển ngành, về cải cách hành chính; thực hành tiết kiệm chống lãng phí; về công tác truyền thông, công tác quốc hội….

Để thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ này và trên cơ sở nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội TP. Hồ Chí Minh năm 2024, ngành Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, tập trung thực hiện 3 nhóm giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, thực hiện hiệu quả cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Trong đó tiếp tục làm tốt công tác triển khai cơ chế chính sách về tín dụng, về lãi suất và các chương trình tín dụng, gói tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong quá trình này, tiếp tục làm tốt công tác truyền thông chính sách; đối thoại chính sách; theo dõi và nắm bắt kịp thời tình hình thực hiện chính sách; kết quả và khó khăn vướng mắc để chỉ đạo xử lý kịp thời.

Thứ hai, tiếp tục làm tốt hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp với nội hàm về tăng cường các hoạt động nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng; về thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp; phối hợp với sở, ngành, quận huyện tổ chức triển khai kế hoạch kết nối ngân hàng doanh trên địa bàn. Trong đó, các TCTD chủ động đưa ra các gói tín dụng ưu đãi để cho vay, giải ngân qua chương trình. Đây là nội dung cốt lõi, có ý nghĩa quyết định đến tính hiệu quả và thiết thực của Chương trình, các TCTD cần đặc biệt quan tâm và làm tốt.

Trong quá trình này, quan tâm đến các sáng kiến, giải pháp làm mới chương trình như gắn việc thực hiện một số chính sách và chủ chương lớn của Chính phủ và NHTW: thực hiện các giải pháp về kích cầu đầu tư; tiêu dùng và xuất khẩu; thực hiện đề án thanh toán không dùng tiền mặt gắn với việc thực hiện Chỉ thị 21 của Chính phủ về chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt; các gói tín dụng hỗ trợ thị trường bất động sản; lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế; các chương trình trọng điểm về phát triển kinh tế của thành phố và các quận huyện….

Tiếp tục đối thoại ngân hàng – doanh nghiệp và làm thường xuyên công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn hướng dẫn sử dụng dịch vụ và công tác truyền thông chính sách để người dân doanh nghiệp nắm bắt kịp thời, nắm bắt rõ cơ chế chính sách và quy định pháp luật có liên quan hoạt động ngân hàng, góp phần đưa chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đi vào thực tế cuộc sống có hiệu quả.

Khi người dân, doanh nghiệp hiểu chính sách, nắm rõ và làm đúng quy định sẽ sử dụng vốn và dịch vụ ngân hàng hiệu quả, điều này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn hạn chế rủi ro liên quan do tín dụng đen, rủi ro do tội phạm công nghệ… cũng như tiếp tục củng cố và tạo lập niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với chính sách và môi trường đầu tư kinh doanh, từ đó hạn chế và phòng ngừa tốt những rủi ro phát sinh liên quan đến yếu tố tâm lý, yếu tố tin đồn và lừa đảo…

Thứ ba, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tiền tệ tín dụng và hoạt động ngân hàng trên địa bàn, với các nội dung nhiệm vụ về quản lý hoạt động các TCTD; về thực hiện chiến lược phát triển ngành; đề án thanh toán không dùng tiền mặt; phát triển tài chính toàn diện…. Thực hiện tốt và theo đúng kế hoạch của NHTW và nhiệm vụ địa phương sẽ bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ của Chỉ thị về phát triển ngành; về mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt; về phòng chống tín dụng đen và phát triển tín dụng tiêu dùng hiệu quả; về tăng trưởng và phát triển bền vững.

Trong đó tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách, nhất là chính sách lãi suất; tỷ giá và mua bán ngoại tệ; việc thực hiện các chương trình tín dụng của Chính phủ, của NHTW; việc thực hiện cải cách hành chính và phát triển dịch vụ… làm tốt việc này, không chỉ đảm bảo tuân thủ và thực hiện nghiêm quy định của NHTW mà còn đảm bảo chính sách phát huy hiệu quả, tăng trưởng và phát triển ổn định, an toàn và bền vững.

Đây là những nhóm giải pháp cụ thể và bằng hành động việc làm thiết thực từ mỗi đơn vị, tổ chức và cá nhân trong ngành Ngân hàng, với tinh thần quyết tâm và niềm tự hào truyền thống ngành: luôn đoàn kết, sáng tạo và vượt khó, sẽ bảo đảm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, góp phần cùng ngành Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh hoàn thành trách nhiệm nhiệm vụ NHTW giao trong năm 2024.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chỉ thị 01/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước và nhiệm vụ của ngành Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO