Ngày 13/8, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã có buổi tiếp và làm việc với Đoàn các Giám đốc điều hành của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Tại buổi tiếp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ Chính phủ Việt Nam đánh giá cao và luôn coi ADB là một trong những đối tác phát triển quan trọng, thân thiết và tin cậy hàng đầu. Sự đóng góp của ADB đã có tác động to lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, góp phần quan trọng vào những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trên con đường đổi mới, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức lớn chưa từng có tiền lệ; cơ hội thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, Chính phủ Việt Nam mong ADB sẽ tiếp tục đồng hành trong tham vấn và triển khai chính sách nhằm thúc đẩy phát triển và tăng trưởng bền vững.
Việt Nam đã tốt nghiệp vay vốn ưu đãi của ADB và các nguồn vốn ADB huy động cho Việt Nam hiện là các nguồn vốn vay thương mại. Trong bối cảnh xu thế chung các quốc gia trên thế giới tập trung vào các vấn đề như chống biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững… Thống đốc cho biết, nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế trong đó có ADB là cần thiết và quý báu để giúp các nước đạt được các mục tiêu đề ra cũng như xử lý các vấn đề quan tâm chung của toàn cầu.
Trao đổi về các vấn đề Đoàn quan tâm về tình hình kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng của Việt Nam, Thống đốc chia sẻ, Việt Nam cũng giống như nhiều quốc gia khác đang phải đối mặt với những thách thức, biến động khó lường của kinh tế toàn cầu. Trước bối cảnh đó, Chính phủ kiên định duy trì mục tiêu ổn định lạm phát và kinh tế vĩ mô.
Trong thời gian qua, Chính phủ đã có những biện pháp thích ứng để điều hành kinh tế vĩ mô ổn định và đã đạt được các thành tựu đáng ghi nhận như tăng trưởng kinh tế quay trở lại mức cao, lạm phát duy trì ổn định, lãi suất được duy trì ở mức thấp để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tỷ giá được duy trì ở mức phù hợp.
Đối với lĩnh vực ngân hàng, Thống đốc cho biết, NHNN tiếp tục chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 đã được cụ thể hóa tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng nhằm hướng tới tăng cường tiềm lực tài chính, nâng cao năng lực quản trị điều hành của các tổ chức tín dụng hướng đến tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế, tăng cường công tác thanh tra, giám sát hệ thống ngân hàng…
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng tích cực quán triệt, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong các lĩnh vực ưu tiên, quan trọng như thúc đẩy chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, thúc đẩy tài chính toàn diện để hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong nền kinh tế…
Đoàn các Giám đốc điều hành ADB ghi nhận và đánh giá cao các kết quả, thành tựu đạt được của Chính phủ Việt Nam trong điều hành kinh tế vĩ mô, trong đó có sự đóng góp và vai trò quan trọng của NHNN. Đoàn khẳng định: ADB luôn sẵn sàng hỗ trợ và đồng hành cùng Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội.
Chiến lược Đối tác quốc gia của ADB cho Việt Nam (giai đoạn 2023-2026) cũng tập trung hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng xanh, đồng đều và phát triển khu vực tư nhân là động lực, đồng thời xây dựng nền tảng để Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao trước năm 2030.
ADB sẽ tiếp tục phối hợp giữa các hoạt động tài trợ theo kênh Chính phủ, tài trợ không qua bảo lãnh Chính phủ và hỗ trợ tri thức, phù hợp với các ưu tiên chiến lược của Việt Nam, bao gồm khắc phục tác động của biến đổi khí hậu, cải thiện hiệu quả của nền kinh tế, thúc đẩy nền kinh tế dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…
Kết thúc buổi làm việc, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng mong muốn dưới sự chỉ đạo của các Giám đốc điều hành, Văn phòng nhóm tiếp tục là cầu nối để trao đổi, chia sẻ thông tin về chính sách, chiến lược, hoạt động của ADB cũng như tình hình kinh tế của các quốc gia thành viên; các vấn đề, hoạt động của nhóm cũng như các chủ đề chung hoặc có tính thời sự của khu vực; các chiến lược, chính sách phát triển, mô hình phát triển kinh tế phù hợp…
Ngoài ra, với kinh nghiệm tích lũy qua nhiều năm hợp tác, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với các nước thành viên các bài học thành công và kinh nghiệm quý báu trong việc tiếp nhận và sử dụng hiệu quả vốn ADB trong 30 năm qua. Đồng thời, Việt Nam mong muốn tăng cường vai trò và tiếng nói tại ADB để đóng góp nhiều hơn vào quá trình ra quyết định và hoạch định chính sách của ADB, đồng thời mang lại cái nhìn đa dạng và sâu sắc hơn về nhu cầu và thách thức của các nước đang phát triển.