(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, kinh tế - xã hội dần quay trở lại đà phục hồi và phát triển. Nhu cầu về nguồn vốn của người dân tăng cao, đặc biệt là nhóm khách hàng tiểu thương, nhóm yếu thế, khó tiếp cận với nguồn vốn chính thống. Để giảm thiểu tình trạng nhóm khách hàng tiểu thương, người yếu thế không đủ điều kiện vay được nguồn vốn từ ngân hàng phải vay tín dụng đen thì khách hàng tìm đến các công ty tài chính tiêu dùng là lựa chọn tốt nhất.
Tuy nhiên, dù mang lại nhiều hiệu quả và làm hạn chế được vấn nạn tín dụng đen nhưng trên thực tế hoạt động kinh doanh của các công ty tài chính tiêu dùng lại đang gặp nhiều khó khăn dẫn đến tình trạng có khách hàng nhưng lại không thể giải ngân nguồn vốn.
Đánh giá về tình hình kinh tế hiện nay và hoạt động của các công ty tài chính giai đoạn này, nhiều đại diện lãnh đạo các công ty tài chính tiêu dùng đã thẳng thắng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động và đề xuất giải pháp khắc phục.
Theo đó, từ đầu năm 2022, kinh tế phục hồi, nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân đần tăng trở lại, các công ty tài chính tiêu dùng tiếp tục đưa ra nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi, đẩy mạnh triển khai các sản phẩm trên nền tảng số, giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, các công ty tài chính tiêu dùng còn tham gia triển khai gói tín dụng 20.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dành cho công nhân bằng 50% lãi suất thị trường hiện tại.
Tuy nhiên, việc hạn chế room tín dụng trong khi nhu cầu vay vốn của người dân sau dịch COVID-19 tăng cao, đặc biệt vào những tháng cuối năm, dẫn tới người dân khó tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng. Điều này dễ dẫn tới nguy cơ người có nhu cầu sẽ tìm đến tín dụng phi chính thức để vay vốn. Do vậy, nếu được điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng công ty tài chính tiêu dùng dựa trên tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh, đặc biệt đối với các công ty tài chính tiêu dùng đã giảm lãi suất cho vay, tham gia các gói tín dụng ưu đãi thì chắc chắn sẽ góp phần hạn chế tín dụng đen, tháo gỡ được nhiều khó khăn cho công ty tài chính tiêu dùng.
Số liệu thống kê thực tế cho thấy hiện dư nợ của các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 2%) trong tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng. Tính đến ngày 30/6/2022, dư nợ của nhóm công ty tài chính tiêu dùng đạt hơn 207.000 tỷ đồng, con số khiêm tốn so với tổng dư nợ của toàn ngành Ngân hàng là hơn 11 triệu tỷ đồng. Vì vậy cũng nên xem xét, tính toán để hạn mức tín dụng của công ty tài chính phù hợp với đặc thù của loại hình này, không đánh đồng như NHTM.
Hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép đang góp phần hỗ trợ người dân, đặc biệt là những đối tượng yếu thế không tiếp cận được nguồn vốn chính thức. Nhưng với việc cho vay các đối tượng này thì thực tế hoạt động tín dụng cũng đã quy định rõ đây là các khoản nợ dưới chuẩn, rủi ro cao, dẫn đến nguy cơ nợ xấu cao hơn hẳn các ngân hàng thương mại, vì thế yêu cầu cho việc trích lập dự phòng rủi ro cũng sẽ cao. Hiện tại, lãi suất cho vay đối với công ty tài chính tiêu dùng đang cao hơn hẳn các ngân hàng thương mại, có thể lý giải bởi chi phí như lãi suất huy động đầu vào, các chi phí hoạt động, vận hành, chi phí rủi ro cho các khoản nợ dưới chuẩn đều cao hơn… Đây cũng là yếu tố làm khó các công ty tài chính trong việc đưa ra mức lãi suất cạnh tranh.
Đấy là chưa kể, trong khi các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, hoạt động theo Luật các TCTD với nhiều quy định nghiêm ngặt để bảo vệ an toàn hoạt động và bảo vệ quyền lợi khách hàng, thì ngược lại, các cửa hàng cầm đồ, các công ty tài chính phi chính thức lại cho vay dễ dàng với nhiều chiêu trò dụ dỗ, lừa đảo khách hàng trái pháp luật, cũng gây hiểu lầm, làm ảnh hưởng đến uy tín của các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Do hạn chế về thông tin, nhiều khách hàng vẫn lầm tưởng, đánh đồng giữa các loại hình công ty này, điều đó phần nào cũng góp phần hạn chế việc tiếp cận khách hàng của các công ty tài chính tiêu dùng và cũng sẽ làm tăng các chi phí trong hoạt động.