(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tại Hội nghị Triển khai thực hiện Chuyển đổi số TP.Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ông Nguyễn Trung Chính – Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC đã có 6 đề xuất thiết thực để thành phố chuyển đổi số hiệu quả.
Hội nghị Triển khai thực hiện Chuyển đổi số TP Hải Phòng đến năm 2025 được tổ chức tại Thành ủy Hải Phòng vào ngày 21/4/2022, có sự tham gia của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Uỷ viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số; Ông Trần Lưu Quang, Uỷ viên TW Đảng, Bí thư Thành uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến 327 điểm cầu trên địa bàn thành phố tới các quận, huyện, xã, phường, thị trấn và các đảng bộ trực thuộc Thành uỷ, với tổng số 11.345 đại biểu tham dự.
Tại Hội nghị, diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Ủy ban nhân dân TP. Hải Phòng về phối hợp thúc đẩy chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025.
Tham gia đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC đã có 6 đề xuất với TP. Hải Phòng.
Ông Nguyễn Trung Chính – Chủ tịch HĐQT – Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC đã có 6 đề xuất chuyển đổi số với TP Hải Phòng. |
Theo đó, Chủ tịch CMC tư vấn lãnh đạo TP. Hải Phòng nên đầu tư hạ tầng số, sử dụng hạ tầng điện toán đám mây (Cloud) để chuyển đổi số. CMC có thể đồng hành cùng bước chuyển dịch này bằng cách xây dựng Data Center đặt tại địa bàn thành phố. Data Center có vai trò tạo ra một môi trường chuẩn cho phép người dùng thuê không gian cùng các dịch vụ hỗ trợ kèm theo mà không cần thiết lập các cài đặt phức tạp. Nếu có sự ủng hộ của chính quyền địa phương, CMC sẵn sàng bố trí nguồn lực xây dựng Data Center đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số cho các tổ chức, doanh nghiệp tại Hải Phòng.
Hiện CMC có hạ tầng chuyển đổi số toàn diện cho doanh nghiệp C.OPE2N (CMC Open Ecosystem for Enterprise) để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố. Hải Phòng là thành phố phát triển nóng, các doanh nghiệp cần đến C.OPE2N - hệ thống kiến trúc mở, tích hợp tất cả thế mạnh công nghệ của CMC như: nền tảng Multi-Cloud, nền tảng dữ liệu (Data Lake), AI (trí tuệ nhân tạo)… Hệ thống sẽ hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp và khách hàng của CMC có thể liên kết và chia sẻ tài nguyên dữ liệu trên môi trường số.
Toàn cảnh Hội nghị Triển khai thực hiện Chuyển đổi số TP Hải Phòng đến năm 2025. |
Vừa qua, CMC đầu tư vào lĩnh vực giáo dục bằng ký kết hợp tác với Đại học Á Châu. Thời gian tới, tập toàn mong muốn mở chi nhánh tại Hải Phòng để phát triển môi trường đại học số, đào tạo nguồn nhân lực số tại địa phương. CMC mong muốn có sự ủng hộ của thành phố trong việc triển khai dự án này.
Bên cạnh đó, trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, vấn đề đảm bảo an ninh an toàn thông tin chiếm vai trò quan trọng. Là một trong các doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực an ninh an toàn thông tin, với 15 năm kinh nghiệm, CMC có thể đồng hành cùng TP. Hải Phòng để đồng hành cùng các cơ quan chính quyền, doanh nghiệp đảm bảo an toàn trên môi trường số.
CMC cũng mong muốn hợp tác với Hải Phòng xây dựng thành phố thông minh, chuyển đổi số cho đô thị bằng các giải pháp như: Giao thông thông minh, an ninh an toàn thông tin, quản lý địa chính bằng công cụ số… Tài nguyên sản phẩm, dịch vụ và giải pháp của CMC sẵn sàng để hỗ trợ địa phương xây dựng thành phố thông minh.
Trong bối cảnh phát triển đô thị, ông Nguyễn Trung Chính cũng khuyến nghị Lãnh đạo TP Hải Phòng thực hiện cơ sở dữ liệu quản lý địa chính, đất đai… để thuận tiện trong quản lý và phát triển lâu dài. CMC sẵn sàng hợp tác cùng Hải Phòng thực hiện đề án này.
Thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hải Phòng chọn chủ đề năm 2022 là: “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hoá đô thị, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, thực hiện chuyển đổi số”. Không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm, chuyển đổi số được Hải Phòng xác định là động lực phát triển trong giai đoạn mới, giúp thành phố này hiện thực hóa mục tiêu trở thành địa phương dẫn đầu trong “top” thành phố số cả nước.
Để xây dựng chính quyền số, trong năm 2022, một nhiệm vụ quan trọng là Hải Phòng tập trung vận hành hiệu quả mô hình thử nghiệm Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh, cung cấp dịch vụ số tiếp nhận, giải quyết phản ánh kiến nghị của người dân. Hướng đi này cần đến những doanh nghiệp có năng lực công nghệ để đồng hành.
Đối với kinh tế số, Hải Phòng xác định: năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy thương mại điện tử đồng thời xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ số vào các khu công nghiệp. Đối với xã hội số, Hải Phòng trước mắt tập trung xây dựng hệ thống định danh điện tử, phát triển nền tảng thanh toán điện tử, ứng dụng công dân, phát triển nền tảng giáo dục trực tuyến, triển khai học bạ điện tử, sổ sức khỏe điện tử.