Chủ tịch nước dự khai mạc Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa họp thứ 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc

P.V (Tổng hợp)| 22/09/2021 16:47
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sáng 21/9, theo giờ New York, tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York, Hoa Kỳ, Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa họp thứ 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã được khai mạc với chủ đề “Cùng vững tin và tự cường - Hướng tới phục hồi sau COVID-19, tái thiết bền vững, bảo vệ hành tinh, thúc đẩy quyền con người và cải tổ Liên hợp quốc”.

Tham dự Phiên khai mạc có Nguyên thủ, Thủ tướng và đại diện cấp cao của 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, Chủ tịch Đại hội đồng, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cùng nhiều lãnh đạo các tổ chức quốc tế và khu vực, các thể chế tài chính quốc tế. Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã tham dự Phiên khai mạc quan trọng này. 

Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa họp thứ 76 Đại hội đồng LHQ đã được khai mạc vào sáng ngày 21/9, tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ. (Nguồn: UN)

Diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, khó lường, nhất là dưới tác động nghiêm trọng nhiều mặt của đại dịch COVID-19, Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Khóa 76 là sự kiện quốc tế quan trọng hàng đầu, thu hút sự quan tâm, tham dự trực tiếp của Lãnh đạo cấp cao của trên 100 nước trên thế giới để cùng thảo luận và đưa ra các giải pháp, đề xuất hành động đa phương nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu được quan tâm nhất hiện nay như ảnh hưởng kéo dài của đại dịch COVID-19, phục hồi và phát triển bền vững, những điểm nóng ở các khu vực, và các thách thức an ninh phi truyền thống, trong đó có biến đổi khí hậu, an ninh lương thực...

Phát biểu tại Phiên khai mạc, ông Abdulla Shahid, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Khoá 76 cam kết sẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế để ứng phó với đại dịch COVID-19, phục hồi và phát triển sau đại dịch theo hướng bền vững, dựa trên Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì sự phát triển bền vững. Chủ tịch Đại hội đồng nhấn mạnh cần thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, xoá đói nghèo, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Trong phát biểu của mình, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres gióng lên hồi chuông báo động, kêu gọi cộng đồng quốc tế cần khẩn trương hành động và tăng cường hợp tác để tìm giải pháp cho hàng loạt các cuộc khủng hoảng lớn nhất thời đại như các cuộc khủng hoảng, xung đột, đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh cần ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, tái thiết và phục hồi sau đại dịch theo hướng xanh và sạch hơn, giảm bất bình đẳng, thúc đẩy tiếp cận công bằng vaccine phòng COVID-19, thu hẹp khoảng cách số, thu hẹp khoảng cách giữa các thế hệ, bảo đảm bình đẳng giới, cải tổ và nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hợp quốc.

Phiên thảo luận chung cấp cao sẽ tiếp tục diễn ra đến ngày 27/9, và theo chương trình, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ có bài phát biểu quan trọng vào chiều ngày 22/9 giờ New York, trong đó đề xuất những giải pháp mang tính tổng thể, toàn diện, dài hạn với các vấn đề quốc tế cấp bách hiện nay nhằm góp phần gìn giữ hoà bình và an ninh thế giới, thúc đẩy phát triển bền vững và bao trùm trên phạm vi toàn cầu.

Nhân dịp tham dự Phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ hội kiến Lãnh đạo cấp cao của nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế và tham dự các Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức vào dịp này về những vấn đề thuộc ưu tiên cao của cộng đồng quốc tế hiện nay, gồm đại dịch COVID-19, an ninh khí hậu, an ninh lương thực.

Theo đó, ngày 21/9 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có hai cuộc hội kiến quan trọng với Chủ tịch Đại hội đồng Abdulla Shahid, và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, chiều 21/9/2021(theo giờ địa phương). Ảnh: TTXVN

Tại các cuộc hội kiến, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam coi trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong hệ thống quản trị toàn cầu, nhằm ứng phó với các thách thức chung hết sức to lớn hiện nay và mong muốn thúc đẩy hợp tác toàn diện với Liên hợp quốc.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam đang dồn mọi nỗ lực trong cuộc chiến chống COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, đặt an toàn, sức khỏe của người dân lên trên hết. Đồng thời, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Chương trình COVAX và các tổ chức Liên hợp quốc đã hỗ trợ vaccine, trang thiết bị, vật tư y tế và tư vấn chính sách về phòng chống dịch và phục hồi sau đại dịch. Chủ tịch nước cũng đề nghị Liên hợp quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới, nhất là để hỗ trợ triển khai chiến dịch tiêm vaccine rộng rãi cho người dân.

Chủ tịch nước khẳng định, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá và chủ trương đẩy mạng và nâng tầm đối ngoại đa phương, Việt Nam đã, đang và sẽ đóng góp hiệu quả vào công việc chung của LHQ. Trong số đó bao gồm việc đảm nhận trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, thực hiện Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu, tham gia ứng cử vào các tổ chức Liên hợp quốc và đóng góp vào nỗ lực cải tổ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hợp quốc.

Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, các bên nhấn mạnh cần tiếp tục củng cố chủ nghĩa đa phương với Liên hợp quốc đóng vai trò trung tâm, đẩy mạnh thực hiện Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì sự phát triển bền vững và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Các bên nhất trí tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết các vấn đề khu vực, ủng hộ các nỗ lực của ASEAN và các nước liên quan trong duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, đề cao việc tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc năm 1982 về Luật biển.

Về phần mình, Chủ tịch Đại hội đồng và Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho biết rất ấn tượng trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và đánh giá cao vai trò và vị thế ngày càng gia tăng của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế; đề cao những đóng góp tích cực, có trách nhiệm và hiệu quả của Việt Nam đối với công việc chung của Liên hợp quốc, nhất là trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như trong việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và các mục tiêu về khí hậu.

Chia sẻ những khó khăn mà Việt Nam đang phải đương đầu trước làn sóng COVID-19 do biến thể Delta, Tổng Thư ký Liên hợp quốc khẳng định Liên hợp quốc sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Việt Nam ứng phó với đại dịch, đồng thời luôn sát cánh, đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch. Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục đóng góp vào nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là nâng mức cam kết giảm phát thải khí nhà kính hướng tới Hội nghị COP26 tháng 11/2021 tại Glasgow.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch nước dự khai mạc Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa họp thứ 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO