(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chia sẻ với cộng đồng doanh nhân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Quốc hội và cá nhân Chủ tịch Quốc hội đều xác định, mọi quyết sách của Quốc hội đều phải đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc tại VCCI |
Chiều ngày 7/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) và gặp gỡ gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam tại trụ sở VCCI. Cuộc làm việc được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của hơn 400 doanh nhân tại hơn 70 điểm cầu trong cả nước.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi tới cộng đồng doanh nhân Việt Nam lời chúc mừng nồng nhiệt và cho rằng, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam luôn là lực lượng xung kích đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Hội nghị Trung ương lần thứ tư vừa bế mạc (sáng ngày 7/10) đã xem xét, quyết định hai nhóm nhiệm vụ hết sức quan trọng gồm: Kế hoạch kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách năm 2022, kế hoạch tài chính, ngân sách 3 năm, thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi kinh tế.
Quốc hội cũng đang rất tích cực chuẩn bị cho việc tổ chức Kỳ họp thứ 2 dự kiến khai mạc ngày 20/10 tới. Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét nhiều dự luật rất quan trọng liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, doanh nhân và phục hồi kinh tế xã hội; xem xét, quyết định các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đối với mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, lao động, việc làm của người dân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã yêu cầu Chính phủ phải sớm có kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch. Diễn đàn kinh tế - xã hội thường niên của Quốc hội được tổ chức vào đầu năm 2022 cũng sẽ tập trung bàn các vấn đề này.
“Quốc hội và cá nhân Chủ tịch Quốc hội đều xác định, mọi quyết sách của Quốc hội đều phải đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. "Trong bối cảnh hiện nay, Quốc hội thực sự muốn lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của các doanh nhân, từ đó có những sửa đổi, bổ sung chính sách phù hợp, nhất là những tác động của đại dịch COVID-19 vừa qua đối với nền kinh tế".
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua đã có sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng với trên 800 nghìn doanh nghiệp hoạt động, hơn 25 nghìn hợp tác xã và khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp.
Nét đặc trưng của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam là tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm với xã hội. Điều này thể hiện rõ khi vừa qua doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã quyên góp tiền và hiện vật trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng, triển khai hàng loạt chương trình thiện nguyện trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, xem xét trong tương quan với các nước phát triển, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp nước ta hiện còn khá nhỏ bé và hạn chế. Đặc biệt, trong gần hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng tới cộng đồng doanh nghiệp. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm nay, đã có trên 90 nghìn doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng kinh doanh, bình quân một tháng có hơn 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với năm 2020.
Trong tình hình đặc biệt này, Chủ tịch VCCI cho rằng, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ phải có cách làm đặc biệt và những quyết sách đặc biệt để giải nguy cho những doanh nghiệp đang khó khăn. Đồng thời, “trong nguy có cơ”, những quốc gia sớm kiểm soát được dịch bệnh, có hệ thống chính sách mới phù hợp với “điều kiện bình thường mới” thì doanh nghiệp sẽ chớp được cơ hội chiếm lĩnh các vị trí tốt hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu”…
Toàn cảnh buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, đại diện giới doanh nhân đã nêu lên những kiến nghị cụ thể, như: Cần nhìn nhận các doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó COVID-19. Tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các doanh nghiệp. Cần công nhận và cho doanh nghiệp chủ động về y tế tại chỗ, tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 theo khả năng, điều kiện của doanh nghiệp, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ, hướng dẫn và ban hành các quy định, chính sách phù hợp. Cần có chủ trương kiên quyết bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của doanh nghiệp trong điều kiện sống chung với dịch; duy trì sản xuất an toàn trên quan điểm "vừa sản xuất, vừa chống dịch". Việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất, phục hồi kinh tế được xác định như một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và cần quyết liệt thực hiện trong giai đoạn hiện nay…
Đại diện giới doanh nhận cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay cần lấy COVID-19 làm động lực thực hiện đột phá trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, đặc biệt cần chủ động rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp lý và các quy định, chính sách cho phù hợp với điều kiện “bình thường mới”, mạnh dạn tháo bỏ những quy định cũ không còn phù hợp, xem xét ban hành các quy định pháp lý đặc biệt, trong thời hạn nhất định, để tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, khôi phục tăng trưởng kinh tế và đưa Việt Nam bứt lên giành vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Các doanh nhân nhấn mạnh, việc hoàn thiện pháp luật, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh có ý nghĩa quyết định đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Mong muốn Quốc hội, Chính phủ chủ động rà soát, sửa đổi bổ sung ngay những quy định pháp luật, chính sách về kinh doanh đang là rào cản, gây cản trở đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp thực tiễn, chưa vì lợi ích chung của nền kinh tế tại một số luật.
Cũng tại cuộc làm việc, đại biểu doanh nhân đã kiến nghị Quốc hội khi xem xét, thông qua một đạo luật cần kiểm soát chặt chẽ việc chuẩn bị các nghị định, thông tư hướng dẫn để bảo đảm đúng tinh thần của luật, đồng bộ, minh bạch để thực thi được ngay. Các cơ quan nhà nước cần quan tâm hơn nữa tới việc lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các dự thảo văn bản liên quan trực tiếp và tác động đến hoạt động của doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh, hội nhập kinh tế; đồng thời cần khắc phục tình trạng “đại khái” trong việc tiếp thu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp.
Trước mắt, giới doanh nhân kiến nghị: "Cần sớm ban hành các chính sách, hướng dẫn cụ thể các doanh nghiệp đang gặp khó khăn bởi tác động của đại dịch COVID-19 theo hướng dễ tiếp cận, phù hợp với thực tế, điều kiện, ngành nghề, lĩnh vực hoạt động. Đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế số, các dịch vụ số; luật hóa Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng".
Ngoài ra, một số doanh nhân đề nghị cho phép các doanh nghiệp đã tiêm đủ một mũi vắc-xin cho người lao động và thực hiện nghiêm túc 5K được hoạt động bình thường trở lại. Đặc biệt, cần khắc phục tình trạng chủ trương, chính sách của Nhà nước đã có nhưng quá trình thực thi lại không đồng bộ, thậm chí mỗi nơi thực thi một kiểu.
Tại cuộc làm việc, cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ sự ủng hộ việc Đảng và Nhà nước đã điều chỉnh chiến lược phòng, chống dịch sang thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch. Tuy nhiên, để thực hiện chiến lược này, giới doanh nhân đề nghị chiến lược phải đi liền với các giải pháp cụ thể và từng địa phương phải cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp.
Từ thực tế áp dụng quy định phòng, chống dịch mỗi địa phương một kiểu thời gian qua, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ cần rà soát cơ chế, chính sách đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp tái khởi động trong sự đứt gãy cả chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, dòng tiền và chuỗi lao động như hiện nay. Để mở cửa, sống chung an toàn với COVID-19 thì điều quan trọng nhất hiện nay chính là một cơ chế, chính sách đồng bộ, thống nhất được áp dụng chung trong cả nước.