(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tại cuộc Tọa đàm “Nghẽn lệnh tại HOSE: Thực trạng và giải pháp" do Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán tổ chức ngày 24/6, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã xin lỗi nhà đầu tư về tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HOSE.
|
Cuộc Tọa đàm có sự tham gia của lãnh đạo Ủy ban chứng khoán, HoSE, các công ty chứng khoán và quỹ đầu tư và có sự đối thoại thẳng thắn về những nghi vấn xung quanh tình trạng nghẽn lệnh, giải pháp xử lý nghẽn lệnh trong ngắn hạn, dài hạn và những vấn đề khác thị trường chứng khoán cần giải quyết, dự báo tương lại thị trường.
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty chứng khoán SSI cho rằng, nghẽn lệnh chứng tỏ thị trường phát triển nhanh, nhưng "dự báo, đầu tư là nhiệm vụ" của những người phát triển thị trường. "Họ trả tiền trả phí để được cung cấp dịch vụ. Vì một lý do gì đó họ chưa thỏa mãn, nếu lý do về phía chúng ta thì chúng ta nợ họ một lời xin lỗi" - Chủ tịch SSI nói.
Sau ý kiến của ông Nguyễn Duy Hưng, trong phát biểu kết thúc hội thảo, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán nhấn mạnh: “Chúng ta không chỉ nợ nhà đầu tư một lời xin lỗi mà nợ nhà đầu tư nhiều lời xin lỗi”. Theo ông Dũng, để xảy ra hiện tượng nghẽn lệnh là điều đáng tiếc nhưng theo ông Dũng, việc này cũng cho thấy thị trường đã tăng trưởng vượt bậc. Gần 1/4 thế kỷ tham gia thị trường, cùng với các thế hệ gây dựng, chúng tôi chỉ mong thấy được thị trường như ngày hôm nay, phát triển cả về quy mô, thanh khoản và độ sâu.
Nhưng không vì thế mà ông đổ lỗi rằng nghẽn lệnh hoàn toàn do khách quan. Người đứng đầu ngành chứng khoán thừa nhận, những nhà quản lý đã có lúc bị xao nhãng. Sự mất tập trung đó đến từ sự vận hành quá trơn tru của thị trường trong giai đoạn trước, không lường trước hết tình hình thị trường có thể tăng tốc nhanh như hiện nay. Điều này dẫn tới hệ thống mới chưa được chuẩn bị một cách kịp thời.
Ngay khi tình trạng nghẽn lệnh xảy ra, Bộ Tài chính đã coi sự cố này là tình trạng khẩn cấp quốc gia, tập trung mọi nguồn lực để xử lý dứt điểm. Một trong những mục tiêu lớn nhất là không để thị trường ngừng nghỉ dù chỉ là một ngày. Đồng thời, cơ quan quản lý phải tìm ra giải pháp khẩn cấp và dài hạn để xử lý vấn đề.
Cái khó nhất trong 6 tháng qua, theo ông Dũng, là tìm được giải pháp tốt nhất trong bối cảnh chịu nhiều sức ép và giữa một "rừng" giải pháp. Tốt nhất trong trường hợp này là hạn chế tối đa ảnh hưởng tới nhà đầu tư, nhưng vẫn phải giảm tải được cho hệ thống, giúp thị trường ổn định hơn. Thực tế, nhiều nhà đầu tư đã nghĩ rằng Sở và Ủy ban chỉ "nhắm mặt chọn bừa", nhưng ông Dũng kể, mỗi giải pháp được đưa ra đều là sự tính toán, nghiên cứu từ tình hình thực tế.
"Tôi nhận được rất nhiều tin nhắn, email, các ý kiến đóng góp của mọi người, nhưng thực sự không có nhiều thời gian trả lời, không tranh luận được tại sao áp dụng giải pháp này mà không áp dụng giải pháp kia", Chủ tịch Ủy ban chứng khoán nói và cũng gửi lời xin lỗi tới các chuyên gia, nhà khoa học, công ty chứng khoán... đã nêu ý kiến.
Ông Trần Văn Dũng thừa nhận: “Chúng tôi có những lúc chưa quyết liệt xử lý dứt điểm dẫn đến dự án triển khai hệ thống giao dịch mới bị chậm lại. Hiện nay, hệ thống KRX đã chạy thử nghiệm với thời gian 6 tháng và dự kiến cuối năm nay có thể vận hành, giải quyết dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh. Đây là kỷ niệm vui buồn lẫn lộn nhưng dù sao cũng kết thúc được vấn đề”.