(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang tiến hành khảo sát về hoạt động ngân hàng số tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam; đồng thời nắm bắt các kiến nghị của các ngân hàng để phục vụ cho công tác tham mưu, đề xuất xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động ngân hàng Việt Nam.
Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN |
Thông tin trên được ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN đưa ra tại buổi họp báo công bố “Kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 9 tháng đầu năm 2020, định hướng những tháng cuối năm 2020”, được NHNN tổ chức ngày 22/9/2020.
“Chìa khóa” từ eKYC
Chia sẻ định hướng phát triển ngân hàng số, ông Nghiêm Thanh Sơn cho biết, triển khai nhiệm vụ quản lý hoạt động ngân hàng số, NHNN đã ban hành Quyết định 711/QĐ-NHNN ngày 15/4/2020 về Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; Quyết định 1238/QĐ-NHNN ngày 8/7/2020 về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triên khai thực hiện Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ về Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư 4.
“NHNN đang tiến hành khảo sát về hoạt động ngân hàng số tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam (Công văn số 5753/NHNN-TT ngày 11/8/2020), từ đó có cái nhìn tổng quan về thực trạng chuyển đổi số của ngành ngân hàng và những cơ hội, thách thức mà các ngân hàng đang đối diện; đồng thời nắm bắt các kiến nghị của các ngân hàng để phục vụ cho công tác tham mưu, đề xuất xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động ngân hàng Việt Nam”, ông Sơn chia sẻ.
NHNN đã xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Dự thảo Thông tư đã được đăng tải trên website NHNN để lấy ý kiến rộng rãi. Hiện, NHNN đang hoàn thiện các thủ tục để trình Lãnh đạo NHNN ký ban hành trong thời gian sớm nhất.
Ông Sơn cho biết, dự thảo Thông tư có quy định trao quyền chủ động cho các ngân hàng được quyết định biện pháp, công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng mở tài khoản thanh toán qua phương thức điện tử, trực tuyến.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, kiểm soát rủi ro, dự thảo Thông tư đã đặt ra một số giới hạn, biện pháp kiểm soát chủ yếu đối với mở tài khoản bằng định danh khách hàng điện tử (eKYC), trong đó có yêu cầu: Các ngân hàng phải có giải pháp, công nghệ phù hợp để kiểm tra, so khớp đúng thông tin nhận biết khách hàng (trong đó bao gồm các yếu tố sinh trắc học) với các yếu tố, thông tin trên giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, chứng minh thư, hộ chiếu của khách hàng mở tài khoản, hoặc với dữ liệu định danh cá nhân được xác thực bởi cơ quan có thẩm quyền hoặc bởi tổ chức tín dụng khác.
NHNN kỳ vọng rằng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ kết hợp với các thông tin về sinh trắc học (ảnh chân dung, đặc điểm nhận dạng, vân tay) của người dân và cho phép chia sẻ, phản hồi yêu cầu thông tin, dữ liệu sinh trắc học công dân sẽ phục vụ nhu cầu nhận biết, xác thực khách hàng qua phương thức điện tử không chỉ trong hoạt động mở tài khoản ngân hàng mà còn giúp khách hàng đăng ký các dịch vụ mới (như bảo hiểm, viễn thông), góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân (nhanh chóng, an toàn, chi phí thấp).
Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng
Bên cạnh những chia sẻ về phát triển ngân hàng số, ông Sơn cũng chia sẻ một số định hướng, giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), đặc biệt thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công.
Theo đó, NHNN sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy TTKDTM đối với dịch vụ công, trong đó chú trọng đến sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu hướng phát triển dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, nhất là đối với ngân hàng số, thanh toán số.
Thực hiện nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia; mở rộng triển khai Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ (ACH), qua đó thiết lập hạ tầng thanh toán bán lẻ hiện đại, kết nối nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, trong đó có thanh toán dịch vụ công.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS) và áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại như mã phản hồi nhanh (QR code), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán di động (mobile payment), thanh toán phi tiếp xúc (contactless)... đối với các dịch vụ công, dịch vụ tiện ích như điện, nước, học phí, viện phí, thanh toán phí, lệ phí trực tuyến, các thủ tục hành chính công trực tuyến; tiếp tục nghiên cứu, triển khai phát triển thanh toán tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với triển khai Chiến lược Quốc gia về tài chính toàn diện tại Việt Nam.
Công tác thông tin, tuyên truyền về TTKDTM, giáo dục tài chính cũng tiếp tục được đẩy mạnh. Cùng với đó là tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ thanh toán.
Tuy nhiên, để thúc đẩy thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công, ông Sơn cho rằng, cần sự quan tâm, chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa của các Bộ, ngành liên quan, cụ thể: (i) xây dựng, chuẩn hóa cơ sở thông tin dữ liệu khách hàng, kết nối chia sẻ thông tin giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ công với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để phục vụ thanh toán qua ngân hàng; (ii) nâng cấp hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng việc kết nối với hệ thống kỹ thuật của ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; (iii) rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế tài chính cho phép các tổ chức hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp được chi trả phí dịch vụ cho các dịch vụ thanh toán điện tử...