(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thị trường vẫn còn nhiều yếu tố bất định và rủi ro, các chuyên gia chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư giữ một tỷ lệ tiền mặt thích hợp và giải ngân trong các nhịp điều chỉnh, tập trung vào các ngành như ngân hàng, thép, bán lẻ, hóa chất, dầu khí, thủy sản, dệt may, xây dựng hạ tầng, bất động sản, vận tải biển.
Trong tuần từ ngày 14-18/3, thị trường tiếp tục đà giảm, chỉ số VN-INDEX đánh mất 30,3 điểm (-1,4%) trong phiên đầu tuần và lùi về mức 1.446,3 điểm. Tuy nhiên, lực bắt đáy dâng cao tại vùng hỗ trợ quanh 1.440 đà kìm hãm đà giảm của thị trường. Tâm lý bi quan và thận trọng của nhà đầu tư dường như được cởi bỏ sau thông tin Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chính thức tăng 25 điểm cơ bản lãi suất điều hành (đúng như thị trường kỳ vọng) và những bước tiến mới trong đàm phán Nga-Ukraine. Nhờ đó, thị trường dần phục hồi rõ nét hơn và chỉ số VN-INDEX chốt tuần ở mức 1.469,1 điểm. Đồng thuận với chỉ số VN-INDEX, chỉ số HNX-INDEX và UPCOM-INDEX cũng có kết quả khả quan khi tăng lần lượt 2,0% và 0,6% so với tuần trước, đóng cửa tại 451,2 điểm và 116,0 điểm.
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán VNDIRECT mặc dù có sự phục hồi nhẹ về điểm số nhưng thanh khoản của thị trường lại chứng kiến sự sụt giảm khá mạnh với giá trị giao dịch bình quân trên cả 3 sàn giảm còn 27.432 tỷ đồng/phiên, giảm 20%. Khối ngoại duy trì bán ròng trên sàn HOSE với giá trị đạt 1.537 tỷ đồng, giảm 11,1% nhưng mua ròng trên sàn HNX-INDEX với giá trị 27,8 tỷ đồng, mua ròng 31,6 tỷ đồng trên sàn UPCOM-INDEX, giảm 76%.
Trong bối cảnh giá dầu giảm do những diễn biến mới về dịch COVID-19 tại Trung Quốc được dự báo sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu đối với dầu mỏ, nhóm cổ phiếu Dầu khí chứng kiến sự điều chỉnh mạnh trong tuần trước như GAS (-3,5%), PVT (-1,9%), PVD (-4,3%), PLX (-3,6%). Mặc dù giá thép đang trên đà hồi phục, nhưng sự tăng giá nguyên liệu đầu vào như than cốc và phôi thép đã khiến nhóm cổ phiếu thép suy yếu khi HPG, HSG và NKG đều lần lượt giảm 2,3%/4,5%/7,5%. Sự điều chỉnh còn diễn ra ở nhóm phân bón khi có những thông tin chưa chính thức cho rằng Việt Nam sẽ hạn chế xuất khẩu phân bón để đảm bảo nguồn cung trong nước, khiến các cổ phiếu nhóm này giảm như DCM (-8,8%), DPM (-5,9%), BFC (-8,1%). Nhóm ngành chứng khoán cũng không mấy khả quan khi các tên tuổi lớn như VND (-1,7%), HCM (-2,5%), SSI (-2,7%) đều giảm. Ở chiều hướng tích cực, thị trường đã chứng kiến sự hồi phục ấn tượng của những nhóm ngành lớn ngân hàng và bất động sản. Cụ thể, dẫn đầu đà tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng là các mã như BID (+4,9%), STB (+3,3%), TPB (+2,2%). Cùng song hành với ngành Ngân hàng, ngành bất động sản cũng chứng kiến sự hồi phục so với tuần trước khi ở phân khúc bất động sản nhà ở, DIG, NLG, DXG tăng mạnh lần lượt 7,9%/5,1%/3,2%, và ở phân khúc Bất động sản KCN với KBC (+2,5%), SZC (+4,4%), PHR (+2,7%). Ngành bán lẻ cũng chứng kiến tuần giao dịch tích cực với VRE (+3,6%), DGW (+4,7%), FRT (+12,5%) đồng loạt tăng mạnh. Đà tăng còn lan tỏa sang nhóm ngành xây dựng với những mã tiêu biểu như HHV (+3,0%), FCN (+13,0%), CKG (+9,8%).
Ông Đinh Quang Hinh nhận xét sau khi điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.440-1.450 điểm, chỉ số VN-INDEX chứng kiến lực cầu tốt tại vùng này khi có những phiên hồi phục liên tiếp. “Chúng tôi kỳ vọng thị trường đã xác lập đáy ngắn hạn và đà phục hồi sẽ duy trì trong tuần này. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng khó có thể kỳ vọng các chỉ số chứng khoán sẽ bứt phá mạnh ở thời điểm hiện tại khi còn nhiều yếu tố bất định và rủi ro vẫn còn hiện hữu” – ông Đinh Quang Hinh nói. Do đó, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng, duy trì tỷ trọng danh mục ở mức vừa phải (70-80% cổ phiếu) và chưa nên sử dụng đòn bẩy ở thời điểm hiện tại. Nhà đầu tư nên tiếp tục cơ cấu danh mục đầu tư sang các lĩnh vực được hưởng lợi nhờ gói kích cầu kinh tế thời gian tới như xây dựng, xây lắp cầu đường, vật liệu xây dựng, tiêu dùng (bán lẻ, du lịch), cũng như nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Công ty chứng khoán Bảo Việt BVSC nhận định trong tuần này, VN-INDEX nhiều khả năng tiếp tục hình thành dao động trong xu hướng từ 1.420-1.520 điểm. Thị trường sẽ cần thời gian tích lũy và chờ thêm các thông tin hỗ trợ đủ mạnh mới có thể thiết lập xu thế tăng mới. Sau khi FED chính thức công bố tăng lãi suất, phiên đáo hạn Hợp đồng tương lai tháng 3 và kỳ tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs qua đi, thị trường sẽ chịu ảnh hưởng từ thông tin dịch bệnh tại Trung Quốc. Bởi lẽ việc thực hiện phong tỏa nhiều thành phố, nhiều cơ sở sản xuất sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nguồn hàng xuất đi từ Trung Quốc. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ ảnh hưởng tới triển vọng kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Áp lực tăng giá nhiều mặt hàng sẽ tạo rủi ro lớn hơn về lạm phát. Nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp rung lắc, điều chỉnh mạnh của thị trường để nâng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục, tập trung vào các ngành: ngân hàng thép, bán lẻ, hóa chất, dầu khí, thủy sản, dệt may, xây dựng hạ tầng, bất động sản, vận tải biển.