(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trước một số kiến nghị của khách hàng về khó khăn trong tiếp cận vốn vay ngân hàng, giới chuyên môn cho rằng, ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên không thể cho vay vô điều kiện, bởi bài học “xương máu” trong nới lỏng điều kiện cho vay cách đây 7-8 năm, tới nay vẫn còn nguyên giá trị.
|
||
|
Thực tế cho thấy, ngay khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, ngành Ngân hàng đã vào cuộc rất quyết liệt, chủ động để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Đến nay, ngành Ngân hàng đã: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 170.000 khách hàng, với tổng dư nợ xấp xỉ 130.000 tỷ đồng; miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho trên 14.000 khách hàng với dư nợ xấp xỉ 29.000 tỷ đồng; hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho khoảng 318.000 khách hàng với dư nợ trên 980.000 tỷ đồng… Kết quả đạt được này là rất tích cực. Nhưng ngành Ngân hàng vẫn đang nhận được một vài kiến nghị của địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp… về khó khăn trong tiếp cận vốn vay.
Ngân hàng không gây khó
Ở vị trí người gửi tiền, kể cả doanh nghiệp khi gửi tiết kiệm tại ngân hàng đều luôn có mong muốn nhận được lãi suất cao. Về phía ngân hàng, một mặt phải đảm bảo chi trả lãi suất tiết kiệm cho người gửi, một mặt phải tính toán đảm bảo cung cấp nguồn vốn tín dụng có lãi suất hấp dẫn cho người có nhu cầu vay. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, ngành Ngân hàng càng phải tích cực chung tay cung cấp nguồn vốn với lãi suất ưu đãi nhất có thể để giúp khách hàng giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất. Thực tế cho thấy, thời gian qua, toàn bộ hệ thống ngân hàng đã rất quyết liệt tham gia hỗ trợ, thể hiện quyết tâm chia sẻ với nền kinh tế. Đơn cử như việc giảm lương, thưởng, tạm thời chưa chia cổ tức, giảm mạnh lợi nhuận… ở hầu hết các ngân hàng để có điều kiện giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.
“Một trong những điểm mà mọi người chưa hiểu được là tại sao ngành Ngân hàng lại cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Đây là ưu ái của ngành Ngân hàng cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chia sẻ. Trên thực tế, doanh nghiệp không có khả năng trả nợ thì được kéo dài thời hạn trả nợ tối đa là 12 tháng. Như vậy, các doanh nghiệp đã tránh được chuyển sang nhóm nợ xấu và tiếp tục được vay vốn. “Ngành ngân hàng không bao giờ thiếu vốn nhưng nguồn vốn đó phải được đầu tư vào những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đảm bảo trả cả gốc và lãi”, ông Hùng khẳng định.
Chia sẻ tại hội nghị liên quan đến tăng cường tín dụng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mới đây, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết một thực tế: “Doanh nghiệp không tiếp cận được vốn chủ yếu là những doanh nghiệp không có phương án kinh doanh đảm bảo, không có vốn tự có... Còn những doanh nghiệp tốt thì không có ý kiến”.
Làm rõ thêm quan điểm cho vay của các ngân hàng, Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ cho biết: “Những khách hàng có đủ điều kiện, có phương án kinh doanh tốt, đương nhiên ngân hàng sẽ phải nỗ lực để đảm bảo cho doanh nghiệp vay vốn phát triển”.
Đồng cảm và chia sẻ những nỗ lực của ngành Ngân hàng trong hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV) Nguyễn Văn Thân khẳng định: “Chưa có hệ thống ngân hàng nào trên thế giới cho vay dễ như hệ thống ngân hàng Việt Nam. Các doanh nghiệp chưa vay được vốn ngân hàng cần phải nhìn lại mình. Chúng ta đã chuẩn chưa? Đã thuyết phục được ngân hàng chưa?... Ở đâu đó có hiện tượng ngân hàng gây khó khăn, ở đâu đó trả lời thế này thế kia… Nói thế thôi nhưng ngân hàng mất tiền, thì cũng phải chọn khách hàng tốt”.
Vì an toàn hoạt động, ngân hàng không thể hạ chuẩn cho vay
Nhìn lại cách đây 7-8 năm, một số ngân hàng nới lỏng điều kiện vay trước sức ép của doanh nghiệp, của thị trường, dẫn đến hệ lụy là có những cán bộ ngân hàng rơi vào vòng lao lý 3-4 năm sau đó. Tới nay, bài học vẫn còn nguyên giá trị. Chắc chắn ngân hàng sẽ không một lần nữa "mạo hiểm" cho doanh nghiệp vay không an toàn mà buộc phải cẩn trọng để bảo toàn đồng vốn cho vay ra – cũng chính là nguồn vốn huy động được từ nhân dân bằng uy tín của mình.
Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành khẳng định: “Các ngân hàng chỉ có thể tăng cường số hóa để phục vụ khách hàng tốt hơn, chứ không thể giảm chuẩn mực tín dụng, bởi sẽ để lại nhiều rủi ro về sau”.
Dự kiến dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm 23% dư nợ toàn hệ thống. Trong số này, có khoản nợ sẽ trở thành nợ xấu, có khoản nợ sẽ trả được, có khoản sẽ là nợ bình thường. Nếu cộng thêm với tỷ lệ nợ xấu toàn ngành hiện nay, tương lai nợ xấu sẽ là gánh nặng lớn đối với ngành ngân hàng. Trong bối cảnh như vậy, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Ngân hàng cũng không thể cho vay bao cấp được”.
“Nếu thời điểm này ngân hàng cho vay vượt rào nhưng sau vài năm thanh tra quay lại phát hiện ngân hàng cho vay vượt rào. Như vậy là vi phạm quy chế và sẽ vướng vào vòng lao lý. Do vậy, ngân hàng không thể nới lỏng cho vay, mà chỉ cho vay các doanh nghiệp đủ điều kiện trên cơ sở các điều kiện cũ”, ông Thân đồng cảm với những khó khăn của ngành Ngân hàng. Theo ông: “Ranh giới giữa "anh hùng" và "tội phạm" trong ngành Ngân hàng rất mong manh”.
Với quan điểm từ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, dù cung cấp gói tín dụng hỗ trợ, các ngân hàng cũng phải đánh giá và thẩm định khả năng thu hồi nợ. Ngân hàng không thể cho các doanh nghiệp vay vô điều kiện, bởi đó là nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại bỏ ra. “Bản thân ngân hàng cũng là một doanh nghiệp và họ phải đảm bảo khả năng thu hồi nợ. Do vậy, ngân hàng cho vay những doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, nếu không có tài sản bảo đảm doanh nghiệp phải chứng minh được dòng tiền”, ông Hùng nhấn mạnh.
Giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp
Để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu kiến nghị, đã đến lúc Chính phủ cần có gói riêng cho các DNNVV. Theo đó, gói tín dụng này có tổng giá trị ít nhất khoảng 2% GDP (tương đương 150 nghìn tỷ đồng) để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay thông qua cơ chế Quỹ bảo lãnh tín dụng. “Hãy dùng Quỹ bảo lãnh tín dụng, dùng uy tín của Chính phủ bảo lãnh cho các ngân hàng, các ngân hàng dùng tiền của mình để cho vay các DNNVV”, ông Hiếu kiến nghị.
“Chúng ta không thể dựa quá nhiều vào ngân hàng thương mại. Vì ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp. Các ngân hàng thương mại không phải ra ngoài xã hội để làm công tác từ thiện. Họ không thể cho vay dưới giá vốn là lãi suất huy động. Ngân hàng thương mại không thể lỗ, vì khi lỗ họ có thể bị xử lý theo pháp luật. Không thể trông chờ quá nhiều vào các ngân hàng thương mại”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Còn về phía doanh nghiệp, cần phải chủ động thông tin công khai, minh bạch, có phương án, kế hoạch kinh doanh và phương án trả nợ vay rõ ràng, đặc biệt cần phải hiểu rõ vay được thì phải trả nợ được. Bởi lẽ, ngân hàng cho vay từ tiền huy động của doanh nghiệp và người dân, đây không phải là “tiền làm từ thiện”, nên cần phải đảm bảo an toàn với đồng vốn cho vay, cũng là thể hiện trách nhiệm với khối tài sản của người dân.
Đứng trước bài toán: vừa giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nhưng không được phá vỡ các tiêu chí về đảm bảo an toàn hoạt động của các TCTD, ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng - cho rằng, các TCTD cần nắm sát tình hình doanh nghiệp để hỗ trợ một cách có hiệu quả. Ðiều này sẽ giúp TCTD tránh được tình trạng khách hàng chây ỳ, đảo nợ, để rồi gây ra nợ xấu sau này. Khi đã nắm rõ thực chất hoạt động doanh nghiệp, TCTD cần công khai các trường hợp không đủ điều kiện cho vay, tránh sự hiểu lầm, cũng như để doanh nghiệp hiểu rằng, không phải ngân hàng là nguồn hỗ trợ duy nhất trong lúc khó khăn này.
Trong điều kiện không thể hạ chuẩn cho vay, bởi nếu hạ chuẩn cho vay hoặc phá vỡ các tiêu chí về đảm bảo an toàn thì hệ thống các TCTD sẽ đối mặt với nguy cơ bất ổn trở lại như đã từng xảy ra trong quá khứ, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 4/2020 mới đây, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng đơn giản hóa thủ tục cũng như kiến nghị xử lý các chi nhánh, cán bộ thiếu trách nhiệm, gây phiền hà, chậm trễ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp”.