Trong bối cảnh thế giới có những cơn sóng chao đảo như vấn đề lạm phát, sụt giảm tăng trưởng, Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Để đạt được thành công này, các chuyên gia cho rằng, chính sách tiền tệ đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong việc kiểm soát lạm phát và giữ ổn định đồng tiền VND….
Phát biểu tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Ổn định kinh tế vĩ mô và Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, dù trong bối cảnh khó khăn, nhưng kết quả điều hành kinh tế vĩ mô và tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát của nền kinh tế nước ta vẫn đạt được kết quả đáng khích lệ.
“Qua nhận xét của các chuyên gia và cơ quan quản lý Nhà nước về kinh tế vĩ mô, điều quan trọng nhất chúng ta đạt được chính là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới mục tiêu Quốc hội giao, cũng như đảm bảo các cân đối lớn, điều hành giải pháp tiền tệ, tài khoá ở mức hợp lý. Đơn cử như vấn đề tỷ giá, lãi suất, chúng ta có điều chỉnh nhưng ở biên độ phù hợp, không tạo ra các cú sốc lớn với kinh tế vĩ mô”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.
Với các giải pháp điều hành đồng bộ, quyết liệt đã và đang được triển khai, Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định: “Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào các chính sách, điều hành của chúng ta từ năm ngoái cũng như đầu năm này để đạt mục tiêu đã đề ra”.
Từ góc độ nhà nghiên cứu, PGS.TS. Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (trả lời trực tuyến từ Singapore) cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiếu khó khăn thách thức, xung đột địa chính trị Nga – Ukraine khiến tình hình quốc tế bất ổn, lạm phát lên cao, lãi suất lên cao chưa từng thấy… Trong bối cảnh đó, cần phải thông cảm với Chính phủ, các địa phương, các doanh nghiệp đang phải vật lộn để vượt qua khó khăn. Đáng mừng là Việt Nam đang thể hiện bản lĩnh tốt. Bên ngoài nhìn vào Việt Nam hiện như con tàu chòng chành thế nhưng có sự chèo lái vững vàng, hệ số tín nhiệm cải thiện, thu chi ngân sách tốt, lạm phát kiểm soát chặt chẽ so với nhiều nước.
Để đạt được những kết quả tích cực trên, PGS.TS. Vũ Minh Khương cho rằng, Việt Nam rất nhạy bén trong điều hành chính sách, nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp các nhà đầu tư quốc tế yên tâm. “Các nhà đầu tư quốc tế cho biết, họ yên tâm đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam đồng là đồng tiền tốt nhất, trong khi các đồng tiền khác đều mất giá”, PGS.TS. Vũ Minh Khương cho biết.
Cùng chung quan điểm, GS.TS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá: “Chúng ta là nước duy trì được giá đồng tiền ổn định nhất, tốt nhất. Tỉ giá của chúng ta không phải cứng nhắc, có sự điều chỉnh, thay đổi linh hoạt nhưng cũng chỉ biến động quanh khung 23.500 – 24.500 VND/USD và cuối cùng quay lại đúng mức tỷ giá ổn định, từ đó tạo ra giá trị đồng tiền ổn định, giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh”.
Trong năm 2022 và những tháng gần đây, trong khi thế giới dự báo lạm phát có xu hướng chậm lại, các ngân hàng lớn của các nước hầu như chưa có động thái giảm lãi suất nhưng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, nhằm đưa mặt bằng lãi suất thấp xuống, giúp cho doanh nghiệp có nguồn lực. “Đây là hành động quyết liệt trong bối cảnh hiện nay”, GS.TS. Hoàng Văn Cường nhấn mạnh và cho biết: “Chúng tôi đã nghe thấy, lần thứ ba Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ thị nếu các ngân hàng thương mại không giảm thì có thể xem xét tới cấp room tín dụng sau này…”.
Dù đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, trước bối cảnh thế giới còn nhiều biến động hết sức khó lường, đặc biệt một loạt ngân hàng trên thế giới rơi vào tình trạng khủng hoảng, thậm chí có ngân hàng phá sản, phải bán lại sẽ dẫn đến những lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống tài chính. Hơn nữa, bối cảnh về khủng hoảng địa chính trị cũng chưa có hồi kết, tạo ra đứt gãy, xung đột về mặt kinh tế thế giới.
Trong bối cảnh thế giới là hết sức bất định và có nhiều rủi ro. Vậy chính sách trong nước làm sao ứng phó?. Trả lời câu hỏi này, GS.TS. Hoàng Văn Cường cho rằng, về chính sách tiền tệ đã và đang rất quyết liệt. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một trong những ngân hàng đi tiên phong trên thế giới điều hành giảm lãi suất, tạo nguồn lực giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Tuy vậy, khi tình hình thế giới vẫn diễn biến phức tạp và khó lường, GS.TS. Hoàng Văn Cường lưu ý, trong điều hành chính sách tiền tệ vẫn phải tiếp tục theo hướng, linh hoạt nhưng phải thận trọng và kiểm soát được dòng tiền. “Trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp khó khăn, có nhu cầu mà chúng ta không kiểm soát được dòng tiền, để dòng tiền không chảy vào đúng chỗ đang cần sản xuất kinh doanh tạo ra của cải, thanh khoản ngay; mà rơi vào khu vực đang đóng băng, đang thiếu tiền, nợ đọng thì gần như là ném tiền vào hố đen, đem muối bỏ biển, có khi chỉ làm hao hụt nguồn lực của tài chính”, GS.TS. Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Về tài khóa, GS.TS. Hoàng Văn Cường cho biết, Việt Nam đang có dư địa khá tốt để thực hiện chính sách tài khóa. Thời gian qua, Chính phủ đã tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ, như quyết định ngay việc giãn, hoãn các khoản đóng góp, tiền thuế, tiền thuê… và vừa qua đã đề xuất Quốc hội giảm tiếp thuế VAT 2%. Đây là những biện pháp rất kịp thời.
Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, qua đó góp phần đạt được các mục tiêu kinh tế đề ra, cần tiêp tục chủ động các chính sách hỗ trợ, thậm chí một số chính sách về tài khóa hỗ trợ mạnh hơn nữa. “Ngân hàng điều hành giảm lãi suất bằng các công cụ điều hành về tiền tệ nhưng tôi nghĩ rằng, việc chúng ta dùng tài khóa phối hợp với tiền tệ bằng việc hỗ trợ lãi suất hết sức hiệu quả. Nếu chúng ta tăng được phần hỗ trợ lãi suất thì chúng ta cũng sẽ hướng đúng dòng vốn vào những đối tượng đang cần hỗ trợ, như vậy sẽ tăng được cơ hội cho rất nhiều doanh nghiệp”, GS.TS. Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.