Kết nối

Công bố Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2025

Thanh Thanh 07/03/2025 16:43

Ngày 7/3/2025, Công ty Cổ phần (CTCP) Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietNamNet công bố Bảng xếp hạng FAST500 - Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2025.

Chỉ có 4 doanh nghiệp trụ hạng Top 10

Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST500) đã bước sang năm thứ 15 trên chặng đường tìm kiếm, ghi nhận và tôn vinh những thành tích xứng đáng của các doanh nghiệp đạt hiệu quả tốt trong kinh doanh, dựa trên tiêu chí chính là tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) về doanh thu. Bên cạnh đó, các tiêu chí như tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, lợi nhuận trước thuế và uy tín doanh nghiệp trên truyền thông… cũng được sử dụng như yếu tố bổ trợ để xác định quy mô cũng như vị thế của doanh nghiệp trong ngành hoạt động.

Theo đó, Top 10 Bảng xếp hạng FAST500 năm 2025 gồm: CTCP Tập đoàn Đầu tư Ngân Tín; CTCP Dược phẩm FPT Long Châu; CTCP Công nghệ thông tin Nam Á; Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm; CTCP Đầu tư Bất động sản Taseco; CTCP Tập đoàn Nhựa Bình Thuận; CTCP Petro Times; CTCP Sữa Vitadairy Việt Nam; CTCP Kỹ thuật và Xây dựng Searefico; CTCP Sản xuất và Thương mại Nhựa Việt Thành.

top-10-fast-2025.png

Như vậy, so với Top 10 Bảng xếp hạng FAST500 năm 2024, chỉ có 4 doanh nghiệp vẫn trụ hạng là: CTCP Tập đoàn Nhựa Bình Thuận; CTCP Sữa Vitadairy Việt Nam; CTCP Đầu tư Bất động sản Taseco; Và Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm.

6 doanh nghiệp không còn trụ hạng là: CTCP Chứng khoán HD; CTCP Chứng khoán Tiên Phong; CTCP Công nghệ và dịch vụ IMEDIA; CTCP Đầu tư Xây dựng SOL E&C; CTCP Giải pháp Công nghệ CNC; Và CTCP giao nhậ vân tải Con Ong( BEELOGISTICS).

Tổc độ tăng trưởng kép đang chững lại

Theo Vietnam Report, kết quả thống kê tốc độ tăng trưởng kép về doanh thu trung bình của các doanh nghiệp FAST500 giai đoạn 2020-2023 đã có phần chững lại so với những năm trước khi chỉ đạt 22,0%, giảm 3,29% so với năm trước, phản ánh phần nào sức ép suy giảm chung của các doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường kinh doanh ảm đạm.

Xét theo khu vực kinh tế, khu vực tư nhân có CAGR (tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm) trung bình đạt 23,5% là khu vực dẫn đầu nhưng giảm 3,1% so với năm trước. Tiếp đến là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với mức CAGR trung bình đạt 17,5%, giảm 4,5% so với năm trước. Cuối cùng là khu vực Nhà nước đạt 17,5%, giảm 0,2%. Mặc dù có tốc độ tăng trưởng thấp nhất nhưng đây là khu vực duy trì được mức tăng trưởng CAGR trung bình ổn định trong 3 năm trở lại đây.

So với các doanh nghiệp còn lại trong nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp FAST500 đã thể hiện sự bền bỉ ấn tượng trước những biến động từ đại dịch COVID-19 và các yếu tố vĩ mô trong giai đoạn từ năm 2020 trở lại đây.

Thống kê từ dữ liệu xếp hạng của Vietnam Report cập nhật số liệu tài chính năm 2024 cho thấy, các doanh nghiệp FAST500 không chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu ổn định trong giai đoạn 2020-2023 mà tiếp tục có mức tăng trưởng tích cực trong năm 2024 trong khi nhóm doanh nghiệp còn lại có sự phân tán rộng, với nhiều điểm dữ liệu rơi vào vùng suy giảm hoặc giảm đà tăng trưởng. Điều này khẳng định năng lực tăng trưởng vượt trội, khả năng thích ứng, duy trì động lực phát triển bền vững thông qua nền tảng tài chính và chiến lược kinh doanh bài bản của cộng đồng doanh nghiệp FAST500.

Sự khác biệt về phân bố giữa các doanh nghiệp FAST500 và nhóm doanh nghiệp còn lại trong nền kinh tế cũng nhấn mạnh giá trị của bảng xếp hạng FAST500 như một chỉ báo quan trọng về sức khỏe tài chính và khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp. Trong năm 2025, khi nền kinh tế đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, cộng đồng doanh nghiệp FAST500 tiếp tục được kỳ vọng duy trì động lực phát triển ổn định, khẳng định vai trò là những đơn vị thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và định hình xu hướng phát triển khi đất nước tiến vào kỷ nguyên mới.

Tâm lý lạc quan: Vươn mình – Bứt tốc

trien-vong-kinh-te-2025-vnr.png
Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp Top 500 - Vietnam Report, tháng 1-2/2025

Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2025 được đánh giá tích cực với dự báo tăng trưởng GDP dao động từ 6,5% đến 8% nhờ sản xuất, thương mại và dòng vốn FDI khả quan. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) cùng dự báo mức 6,6%, Ngân hàng Standard Chartered dự báo mức 6,7%. Theo Khảo sát doanh nghiệp của VNR tháng 1-2/2025, Quốc hội giao cho Chính phủ mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%. Trong khi đó, Chính phủ đặt mục tiêu hướng tới mức tăng trưởng trên 8% và kỳ vọng đạt mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới, tập trung vào chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, thúc đẩy đầu tư công và kiểm soát lạm phát dưới 4,5%. (Tháng 2/2025, Quốc hội quyết định điều chỉnh chỉ tiêu GDP đạt 8% trở lên - PV).

Kết quả khảo sát của Vietnam Report cũng ghi nhận tâm lý lạc quan về khả năng phục hồi và tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025. Phần lớn doanh nghiệp kỳ vọng Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Kịch bản tăng trưởng GDP ở mức 7,0-7,5% được nhiều doanh nghiệp đánh giá khả thi nhất (23,6%), tiếp theo là mức tăng trưởng 7,5-8,0% (21,4%) và tăng trưởng 6,5-7,0% (19,3%). Đáng chú ý, một tỷ lệ đáng kể (17,1%) số doanh nghiệp dự báo mức tăng trưởng GDP trên 8,0%. Điều này phản ánh sự lạc quan cao độ và niềm tin vào khả năng bứt phá của nền kinh tế Việt Nam.

nhu-cau-vay-von.png
Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp FAST500 - Vietnam Report, tháng 1-2/2025

Sự lạc quan cũng chiếm ưu thế với 86,1% số doanh nghiệp tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng tích cực của bản thân trong năm nay. Không ít doanh nghiệp sẵn sàng chuyển từ trạng thái duy trì ổn định sang mở rộng quy mô. Tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng kinh doanh tăng đáng kể từ 54,3% trong năm 2024 lên 74,3% vào năm 2025, cho thấy niềm tin ngày càng lớn vào điều kiện thị trường thuận lợi hơn. Song song với đó, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế được kỳ vọng cải thiện với 80,6% số doanh nghiệp có nhu cầu vốn dự kiến tăng, phù hợp với xu hướng mở rộng hoạt động. Các doanh nghiệp không chỉ có ý định tăng quy mô kinh doanh mà còn sẵn sàng đầu tư tài chính để thực hiện mục tiêu này. Nhìn chung, tâm lý doanh nghiệp đang dịch chuyển theo hướng tích cực, với trọng tâm là tăng trưởng và mở rộng trong năm 2025.

Tuy nhiên, theo chuyên gia của Vietnam Report, Việt Nam vẫn phải đối mặt với các rủi ro từ sự bất ổn của kinh tế toàn cầu cũng như sức ép cạnh tranh ngày càng lớn. Vì vậy, doanh nghiệp cần có chiến lược linh hoạt, tận dụng cơ hội từ chuyển dịch chuỗi cung ứng và tiêu dùng nội địa để duy trì tăng trưởng bền vững trong năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công bố Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO