Tin tức

CPI 9 tháng tăng 3,16% so với cùng kỳ, "yên tâm" có thể kiểm soát lạm phát theo mục tiêu

Hoàng Hà 29/09/2023 - 11:28

CPI tháng 9/2023 tăng 1,08% so với tháng trước, tăng 3,66% so với cùng kỳ chủ yếu do giá gạo, giá xăng dầu, giá gas, giá thuê nhà ở tăng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố sáng ngày 29/9, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2023 tăng 1,08% so với tháng trước.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; riêng nhóm bưu chính, viễn thông giá giảm 0,23%.

cpi.png

Cụ thể, chỉ số nhóm giao thông tăng 1,21% (tác động CPI chung tăng 0,12 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của 3 đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước làm cho giá xăng tăng 3,54%; giá dầu diezen tăng 5,96%; phí học bằng lái xe tăng 1,81%; giá dịch vụ trông giữ xe tăng 1,57%; giá bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,63%.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,12% (tác động CPI chung tăng 0,21 điểm phần trăm) chủ yếu do từ ngày 1/9/2023, giá gas trong nước điều chỉnh tăng; giá nhà ở thuê tăng 0,61%; giá nước sinh hoạt tăng 2,83%, giá điện sinh hoạt tăng 0,34% do nhu cầu tiêu thụ tăng; giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,33%;...

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng tăng 0,73% (tác động CPI chung tăng 0,24 điểm phần trăm), trong đó, giá lương thực tăng 3,19% (tác động CPI chung tăng 0,12 điểm phần trăm) do giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường tiêu thụ lớn.

Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,19% do giá nguyên phụ liệu sản xuất, chi phí nhân công và nhu cầu mua sắm chuẩn bị bước vào năm học mới tăng.

Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,17%. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,12%. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,11%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,07%. Và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,06%.

Như vậy, CPI bình quân quý III/2023 tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 9 tháng năm 2023 tăng 3,16% so với bình quân cùng kỳ năm 2022.

Lạm phát cơ bản tháng 9/2023 tăng 0,26% so với tháng trước, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,49% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,16%).

Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 9 tháng năm 2023 giảm 15,26% so với cùng kỳ năm trước, giá dầu hỏa giảm 11,26%, giá gas giảm 10,21% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

cpi1.png
Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 9 và 9 tháng các năm giai đoạn 2019-2023 (đơn vị: %).

Lý giải về các nguyên nhân chính giúp Việt Nam kiểm soát được lạm phát trong 9 tháng đầu năm 2023, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, trong 9 tháng, chỉ số giá nhóm xăng dầu giảm 15,26% so với cùng kỳ năm trước theo biến động của giá thế giới, tác động làm CPI chung giảm 0,55 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm gas trong nước giảm 10,21% theo giá thế giới, tác động làm CPI chung giảm 0,15 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm, nhóm hàng có tác động lớn tới CPI, chiếm tỷ trọng khoảng 1/4 trong tổng chi tiêu dùng của dân cư, thường xuyên được các bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn giá do đó đã giúp cho kiềm chế tốc độ tăng của CPI.

Ngoài ra, những dịch vụ do Nhà nước quản lý như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế đã được Chính phủ điều hành thận trọng trong thời gian qua. Giá điện sinh hoạt đã được EVN điều chỉnh từ ngày 4/5 sau nhiều năm không tăng giá nhưng chỉ điều chỉnh tăng 3% cho nên tác động không nhiều tới chỉ số giá tiêu dùng.

Với CPI bình quân 9 tháng năm 2023 tăng 3,16% so với bình quân cùng kỳ năm 2022, bà Oanh cho rằng, có thể "yên tâm" với khả năng có thể kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra.

Về các yếu tố có thể ảnh hưởng đến lạm phát các tháng còn lại của năm 2023, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho biết, việc lương cơ bản tăng 20% từ ngày 1/7/2023 đã và sẽ tác động đến giá các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng.

Cùng với đó, dịch vụ du lịch tiếp đà phục hồi trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát cũng như giá các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, may mặc tăng theo quy luật vào thời điểm đầu năm và cuối năm do nhu cầu mua sắm... cũng sẽ tác động làm tăng CPI

Giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng tăng trở lại hay giá gạo trong nước có xu hướng tăng theo giá gạo xuất khẩu... cũng có thể là nguyên nhân.

Tuy nhiên, theo bà Oanh, ở chiều ngược lại, cũng có một số yếu tố thuận lợi cho kiểm soát lạm phát trong nước là lạm phát toàn cầu hạ nhiệt trong năm 2023 giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát, đồng thời giúp cải thiện yếu tố tâm lý, kỳ vọng, hỗ trợ kiểm soát lạm phát năm 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
CPI 9 tháng tăng 3,16% so với cùng kỳ, "yên tâm" có thể kiểm soát lạm phát theo mục tiêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO