Vấn đề - Nhận định

Đại biểu Quốc hội: Nếu thủ tục rút gọn được thực hiện trong thực tế sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho công tác xử lý nợ xấu

Đoàn Hằng 12/06/2023 - 15:21

Nếu như thủ tục rút gọn được thực hiện trong thực tế sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho công tác xử lý nợ xấu, như giảm thiểu chi phí, tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức, tăng tốc độ xử lý nợ xấu. Do đó, các đại biểu Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định này, trong đó có mở rộng phạm vi và thay đổi các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn theo hướng đơn giản và khả thi hơn.

Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), dự thảo Luật đã luật hóa một số quy định tại Nghị quyết số 42 như bán nợ xấu và tài sản bảo đảm; mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; Kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án.

Dự thảo Luật cũng luật hóa và sửa đổi, bổ sung tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được mua khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng; sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu để đảm bảo công khai chặt chẽ, bảo đảm quyền và lợi ích các bên; sửa đổi, bổ sung quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán, trong đó quy định các tổ chức tín dụng phải thực hiện việc nộp thuế, án phí đối với các khoản thuế, án phí trực tiếp liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

1437_no-xau-nhom-5.jpg
Hình minh họa. Nguồn: Internet

Cần giải quyết căn cơ các vấn đề còn tồn tại

Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trong phiên họp cuối tuần qua, đại biểu Trần Nhật Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, Nghị quyết số 42/2017/QH14 là nghị quyết thí điểm được ban hành trong bối cảnh nợ xấu của các tổ chức tín dụng cao, phức tạp và tập trung trong một thời gian nhất định. Vì vậy, việc luật hóa các quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 cần được đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng, đặt trong bối cảnh các quy định pháp luật hiện nay đã được hoàn thiện rõ ràng, đầy đủ hơn.

"Cần đánh giá tổng thể khách quan bối cảnh hiện nay, yêu cầu đặt ra đối với công tác xử lý nợ xấu, từ đó hoàn thiện các quy định bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, tránh hành chính hóa quan hệ dân sự, kinh tế, bảo đảm hài hòa, công bằng giữa các chủ thể tham gia quan hệ dân sự, kinh tế trên nguyên tắc chỉ luật hóa những nội dung phù hợp trong điều kiện bình thường", đại biểu Trần Nhật Minh nhấn mạnh.

Theo đại biểu Trần Nhật Minh những nội dung được luật hóa trong dự thảo Luật chưa giải quyết được căn cơ, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 42 của Quốc hội.

Minh chứng cho nhận định trên, đại biểu Trần Nhật Minh đưa ra  dẫn chứng cụ thể tại điểm d khoản 2 Điều 184 dự thảo Luật quy định: "Tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại tòa án có thẩm quyền, không đang bị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật". Tuy nhiên, theo Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội, hiện nay Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự không có hệ thống dữ liệu cho phép các tổ chức tín dụng, công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam trích xuất, tra cứu thông tin tài sản liên quan đến vụ việc đang được thụ lý giải quyết để xác định tài sản bảo đảm có đủ điều kiện để thu giữ hay không. Hiện nay cũng chưa có hướng dẫn về cơ chế xác định tài sản nào đang tranh chấp, tài sản nào đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dẫn đến cách hiểu khác nhau đến về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp, gây khó khăn khi áp dụng quy định về việc thu giữ tài sản theo Nghị quyết 42.

Do đó, đại biểu cho rằng việc luật hóa quy định này mới chỉ dừng lại ở mức sao chép lại nội dung quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 42 mà chưa có các cơ chế nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên để bảo đảm tính khả thi của pháp luật.

"Nếu tiếp tục luật hóa quy định này, đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu quy định trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng và thi hành án dân sự trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng khi có yêu cầu xác định tình trạng tài sản bảo đảm để thu giữ tài sản bảo đảm", đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị.

Quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp và cơ quan công an trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng trong việc thu giữ tài sản bảo đảm

Góp ý về cơ chế hỗ trợ thu giữ tài sản bảo đảm với sự tham gia của cơ quan công an và Ủy ban nhân dân các cấp nhằm thúc đẩy nhanh hơn xử lý các khoản nợ xấu lớn, tồn đọng và là điểm nghẽn của nền kinh tế, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, trong điều kiện bình thường và việc áp dụng phải được ổn định, lâu dài thì quy định như trên là không còn phù hợp.

Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định của khoản 1 Điều 184 dự thảo Luật theo hướng đánh giá, làm rõ về bản chất, mục tiêu, điều kiện, phạm vi thực hiện, vai trò của cơ quan nhà nước, sự phù hợp với Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân gia đình và tránh lạm dụng, gây tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người đi vay, xâm phạm đến quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân, hành chính hóa các quan hệ dân sự, kinh tế.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ ra rằng, khoản 5 Điều 184 dự thảo Luật quy định: "Chính quyền địa phương các cấp và cơ quan công an nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm theo đề nghị của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua, bán, xử lý nợ xấu" còn chung chung, chưa rõ.

Trên thực tế, khi triển khai Nghị quyết 42 do cũng không có quy định rõ ràng, trách nhiệm chính quyền địa phương các cấp và cơ quan công an nên chính quyền địa phương và cơ quan công an vào cuộc không quyết liệt, chưa kịp thời, đồng bộ và nhất quán. Từ phân tích trên, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp và cơ quan công an trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng trong việc thu giữ tài sản bảo đảm.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cũng cho rằng thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm quy định trong dự thảo Luật chưa có những cơ chế pháp lý khác nhau đối với các loại tài sản bảo đảm. Việc thu giữ tài sản bảo đảm là bất động sản, trên thực tế sẽ khác biệt với các tài sản bảo đảm khác như vốn góp, cổ phần chứng khoán.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định hành vi thu giữ phù hợp với từng dạng tài sản bảo đảm cụ thể nhằm cân đối các lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên, tuân thủ theo các quy định pháp luật hiện hành, bảo đảm được tính ổn định của các giao dịch trên thị trường có liên quan đến tài sản bảo đảm.

"Nếu như thủ tục rút gọn được thực hiện trong thực tế sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho công tác xử lý nợ xấu, như giảm thiểu chi phí, tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức, tăng tốc độ xử lý nợ xấu. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định này, trong đó có mở rộng phạm vi và thay đổi các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn theo hướng đơn giản và khả thi hơn", đại biểu Nguyễn Tâm Hùng nêu quan điểm và đề nghị.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị nên xem xét mở rộng đối tượng tham gia xử lý nợ xấu, bao gồm cả doanh nghiệp mua, bán, xử lý nợ xấu tư nhân cả trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, cân nhắc nên xem xét cho phép các doanh nghiệp khi mua nợ xấu cũng được hưởng cơ chế xử lý nợ xấu như các tổ chức tín dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp này với các nhà đầu tư, doanh nghiệp mua, bán, xử lý nợ xấu nước ngoài hoặc vốn đầu tư nước ngoài. Việc nhận và xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản có thể được thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc ủy quyền thông qua 1 tổ chức hoạt động tại Việt Nam.

Báo cáo giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Nghị quyết 42 ra đời tạo cơ sở pháp lý để giải quyết nợ xấu khi nợ xấu ở mức cao vào năm 2017. Thực tiễn triển khai cho thấy nợ xấu đã giảm rất nhanh và thông qua Nghị quyết 42 đã tăng cường trách nhiệm trả nợ của người đi vay, làm tăng tính kỷ luật trong hoạt động đi vay và cho vay. Đã là đi vay thì phải trả nợ, Thống đốc Ngân hàng nhà nước nêu rõ.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong quá trình xử lý nợ xấu, vấn đề thu giữ tài sản đảm bảo rất quan trọng. Dự thảo luật đã quy định là việc thu giữ tài sản đảm bảo phải gắn với việc giữa tổ chức tín dụng và khách hàng có thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm. Khi khách hàng không trả được nợ thì tổ chức tín dụng mới thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.

Các quy định về thu giữ tài sản đảm bảo cũng phải được thực hiện theo các quy định của pháp luật. Nếu như không có quy định này thì có thể sẽ tác động đến việc các tổ chức tín dụng sẽ rất e ngại khi quyết định cấp tín dụng cho các doanh nghiệp. Bởi vì, kể cả có tài sản đảm bảo nhưng các tổ chức tín dụng cũng không chắc chắn có xử lý được hay không, có thể cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân.

"So với Nghị quyết 42, dự thảo Luật này đã điều chỉnh hài hòa lợi ích của các bên trong quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán. Đồng thời cho biết sẽ tiếp tục rà soát, lắng nghe ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện và quy định cho rõ ràng hơn các nội dung liên quan", Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội: Nếu thủ tục rút gọn được thực hiện trong thực tế sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho công tác xử lý nợ xấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO