(thitruongtaichinhtiente.vn) - Các nhà đầu tư ngày càng ưa chuộng xu hướng đầu tư dựa trên đánh giá các tiêu chí ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị), đặc biệt là sau sự xuất hiện của sự kiện “thiên nga đen” - COVID-19.
Vốn đầu tư toàn cầu đổ vào doanh nghiệp ESG tăng kỷ lục trong năm 2020
Sự phát triển nhận thức về các vấn đề mang tính hệ thống như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng… đã thúc đẩy xu hướng đầu tư theo tiêu chí ESG hay đầu tư bền vững trong những năm gần đây.
Số lượng quỹ đầu tư ESG tại Mỹ tăng gấp 4 lần trong 1 thập kỷ - Nguồn: Morningstar |
Đại dịch COVID-19 thậm chí còn đẩy nhanh hơn xu hướng này, khiến chiến lược đầu tư chuyển dịch sang ESG thay vì các chỉ tiêu tài chính truyền thống. Theo Morningstar, năm ngoái các quỹ ESG thu hút dòng tiền kỷ lục, gấp đôi so với một năm trước đó. Tiền ròng từ các nhà đầu tư đổ vào quỹ đầu tư bền vững đạt 51 tỷ USD, tăng lên mức cao kỷ lục năm thứ 5 liên tiếp.
Riêng các quỹ ESG chiếm khoảng 1/4 lượng tiền chảy vào tất cả các quỹ tương hỗ, trái phiếu và cổ phiếu của Mỹ, đây là bước nhảy vọt lớn so với chỉ 1% vào năm 2014. Cũng trong năm 2020, tại Mỹ ghi nhận gần 400 quỹ đầu tư ESG, tăng 30%, đồng thời đã gấp 4 lần trong một thập kỷ. Nhà đầu tư tỏ ra hào hứng với khái niệm đầu tư ESG. Giờ đây, những lo ngại về sự phát triển bền vững có thể được giải quyết thông qua các khoản đầu tư có chọn lọc.
Số lượng các quỹ ESG mở mới đạt kỷ lục và vượt xa các năm trước đó - Nguồn: Morningstar |
Chia sẻ tại CNBC Evolve Global Summit giữa tháng 6 vừa qua, ông Piyush Gupta, Giám đốc Ngân hàng DBS của Singapore chỉ ra rằng, đầu tư bền vững luôn là một chiến lược hiệu quả, dù nhìn nó là xu hướng hay chiến lược dài hạn, lợi nhuận cũng đều sẽ rất tốt.
“Bạn sẽ không thể thua khi nắm trong tay một rổ các tài sản là cổ phiếu của các công ty phát triển theo hướng bền vững (ESG). Sẽ có thêm cả nghìn tỷ USD đổ vào loại tài sản này. Nếu không có gì bất thường, giá của chúng sẽ tăng lên”, ông Gupta chia sẻ.
Viện Tài chính Quốc tế (IIF) dự báo tốc độ gia tăng tài sản tại các quỹ ESG sẽ nhanh hơn trong năm 2021, nhất là khi Tổng thống đắc cử của Mỹ, Joe Biden, thực hiện chương trình nghị sự bảo vệ môi trường.
IIF cũng chỉ ra rằng 80% các chỉ số chứng khoán của các quỹ tuân thủ các tiêu chí ESG vượt các chỉ số của các quỹ không tuân thủ ESG trong các đợt bán tháo do đại dịch.
Tập đoàn đầu tư nổi tiếng BlackRock dự báo dòng đầu tư sẽ liên tục chảy vào các tài sản bền vững trong quá trình chuyển đổi dài hạn hướng tới một thế giới ít ô nhiễm hơn.
Nguồn: J.P.Morgan |
Nhiều quỹ đầu tư tại Việt Nam tiên phong áp dụng ESG
Tại Việt Nam, đầu tư ESG tuy chưa quá phổ biến nhưng cũng không phải mới. IFC thậm chí đã bắt đầu truyền thông rộng rãi khái niệm này từ cách đây 10 năm.
Tundra Frontier, quỹ chuyên đầu tư vào các thị trường cận biên cũng tập trung vào đầu tư ESG ngay từ khi thành lập. Mới đây nhất, Quỹ AFC Vietnam Fund thông tin sẽ bắt đầu áp dụng 8 tiêu chí ESG để đánh giá cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp kể từ năm 2021. Các nhà quản lý quỹ giàu truyền thống như Vietnam Holdings hay Dragon Capital cũng đã sớm tham gia vào sáng kiến “Các nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm – PRI” của Liên Hiệp Quốc.
Xu hướng đầu tư ESG đã phát triển sớm tại Việt Nam và đang nhận được sự quan tâm từ các quỹ đầu tư - Nguồn: Iberdrola |
Từ năm 2015, Dragon Capital đã cải tiến chính sách ESG và phát triển khung đánh giá ESG mới dành cho các công ty niêm yết. Quỹ thành lập bộ phận chuyên môn về ESG, các chuyên viên phân tích thường xuyên theo dõi các công ty trong danh mục đầu tư, cập nhật danh sách kiểm tra và xếp hạng ESG.
“Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, các doanh nghiệp phần lớn vẫn đang chú trọng đến việc tăng trưởng mà chưa có sự tập trung đầu tư đúng mức về nguồn lực để tích hợp các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị công ty (ESG) vào trong hoạt động sản xuất và kinh doanh”, đại diện Dragon Capital cho biết.
Ngoài ra, việc thiếu thông tin, dữ liệu cũng là rào cản cho quỹ đầu tư khi đánh giá rủi ro ESG ở các khoản đầu tư tiềm năng. Còn quỹ Mobius Partners thì nói rằng, doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn còn cần nỗ lực hơn trong việc cải thiện sự minh bạch và năng lực quản trị.
Với kỳ vọng tạo ra một thước đo mới cho thị trường chứng khoán, chỉ số phát triển bền vững Việt Nam (Substainability Index – VNSI) được Sở giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) chính thức giới thiệu vào tháng 7/2017 nhằm chọn ra 20 doanh nghiệp có thực thành ESG tốt nhất. Đồng thời, chỉ số này cho thấy hiệu quả đầu tư của các mã cổ phiếu bền vững, thu hút quỹ đầu tư tổ chức quốc tế hoạt động theo nguyên tắc đầu tư ESG.
Theo kết quả công bố của HoSE, năm 2020, Vinamilk là công ty hiện đạt tổng điểm ESG 90%, cao hơn 58% so với điểm trung bình ngành, đồng thời cao gấp rưỡi các doanh nghiệp thuộc VN100. Việc thực hành ESG tại Vinamilk cũng được các quỹ đầu tư Dragon Capital và Mobius Partners ghi nhận.
Từ năm 2012, doanh nghiệp này đã phát hành báo cáo phát triển bền vững (PTBV) tách riêng với báo cáo thường niên. Báo cáo PTBV của Vinamilk được lập theo Chuẩn mực Sáng kiến Báo cáo toàn cầu về lập báo cáo (GRI standards) cùng một số chỉ tiêu được công bố bổ sung theo hướng dẫn của GRI dành riêng cho lĩnh vực thực phẩm (GRI Food Processing). Bên cạnh những chỉ tiêu tài chính tốt, Vinamilk cũng dành nhiều nguồn lực cho hoạt động về phát triển cộng đồng, sử dụng năng lượng mặt trời giảm thiểu phát thải CO2, vận dụng hệ thống biogas cũng như kinh tế tuần hoàn (3REs: Reduce, Recycle, Reuse) nhằm hạn chế lượng rác thải. Đến năm 2020, tổng năng lượng xanh tiêu thụ chiếm tới 89,17% toàn bộ năng lượng sử dụng trong hoạt động kinh doanh, sản xuất của công ty.
Nghiên cứu đã chỉ ra các công ty quan tâm đến ESG thường tạo ra kết quả vượt trội so với đối thủ cạnh tranh trong dài hạn. Những lợi ích của việc thực hiện tốt ESG bao gồm giảm chi phí vốn, giảm thiểu rủi ro kinh doanh, tăng cường vị thế cổ đông, cơ hội tiếp cận nguồn vốn dài hạn, nâng cao hiệu quả hoạt động và danh tiếng doanh nghiệp…
ESG tập trung vào ba yếu tố chính gồm: Môi trường (E), Xã hội (S), Quản trị công ty (G), cụ thể: Tiêu chí Môi trường: Xem xét các khía cạnh về năng lượng, chất thải, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, phúc lợi động vật… Tiêu chí Xã hội: Xem xét công ty trong các mối quan hệ kinh doanh và nhu cầu, mong đợi của các bên liên quan như: quan hệ với cộng đồng, quan hệ với đối tác, nhà cung cấp, khách hàng… cùng các khía cạnh về điều kiện làm việc và an toàn sức khỏe nghề nghiệp của nhân viên Tiêu chí Quản trị: Đánh giá về phương pháp kế toán, tính minh bạch và quyền lợi biểu quyết của cổ đông trong các vấn đề quan trọng, quản lý xung đột lợi ích… |