Từ khi CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam vào năm 2018, xuất khẩu từ Việt Nam sang Canada đã tăng chóng mặt.
Canada thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1973, mở đại sứ quán tại Hà Nội năm 1994 và tổng lãnh sự quán tại TP. Hồ Chí Minh năm 1995. Hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/8/2023.
Tháng 11/2022, Canada và Việt Nam kỷ niệm 5 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Canada – Việt Nam. Quan hệ đối tác toàn diện là khuôn khổ chung để củng cố quan hệ trên nhiều lĩnh vực bao gồm chính trị - ngoại giao, thương mại – đầu tư, quốc phòng – an ninh, phát triển, giao lưu văn hóa và học thuật cũng như khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nhân dịp Việt Nam và Canada kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao, đại sứ Canada tại Việt Nam – ông Shawn Steil đã có cuộc trao đổi với báo chí Việt Nam về những vấn đề hai bên cùng quan tâm về quan hệ kinh tế, thương mại và tiềm năng phát triển giữa hai nước trong thời gian tới.
Hiện tại, theo các số liệu thống kê, Canada hiện đang là nhà đầu tư nước ngoài đứng thứ 14 trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Tổng các dự án đầu tư của Canada tại Việt Nam là 253 dự án với tổng số vốn ước tính khoảng 5 tỷ USD. Trong năm 2022, đầu tư trực tiếp của Canada vào Việt Nam đạt 1,8 tỷ USD, tăng 5,3% so với năm 2021.
Theo quan điểm của đại sứ Canada, Canada là một nhà đầu tư có nhiều tiềm năng tại Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư như trên là một con số ấn tượng, bởi phải xét đến việc nhà đầu tư Canada tương đối dè dặt. Hai doanh nghiệp Canada đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam tính đến hiện tại là doanh nghiệp bảo hiểm và tài chính, vốn có quan điểm thận trọng.
Thực tế đã chứng minh cho điều này khi trải qua rất nhiều rối ren trên thị trường tài chính và ngân hàng cũng như bảo hiểm hay chứng khoán thế giới, Canada vẫn vững vàng hơn nhiều nước khác bởi doanh nghiệp Canada có kỷ luật tài khóa rất cao và cách tiếp cận tài chính có nguyên tắc chặt chẽ.
Nhìn chung, nhà đầu tư Canada khá dè dặt, điều đó đồng nghĩa với việc khi họ tìm kiếm cơ hội ở nước nào đó, họ sẽ cân nhắc rất kỹ lưỡng đến những rủi ro và liệu họ sẽ cân đối giữa lợi ích và rủi ro theo hướng nào. Doanh nghiệp Canada đặc biệt quan tâm đến các yếu tố quy định, môi trường, sự ổn định, sự minh bạch, mức độ đáng tin cậy và nhiều yếu tố khác.
Trong thời gian tới khi nhiều yếu tố của môi trường đầu tư Việt Nam cải thiện, đại sứ Canada tin tưởng đầu tư của Canada sẽ vào Việt Nam nhiều hơn.
Đại sứ nhấn mạnh Canada là nơi tập trung một số những quỹ đầu tư lớn nhất thế giới. Khi đầu tư, họ cũng cần quan tâm đến việc liệu khoản đầu tư có được ổn định hay không và rủi ro được chia sẻ giữa các chính phủ và doanh nghiệp trong lĩnh vực tư nhân. Phía Canada đang làm việc với Việt Nam để tăng cường hợp tác công tư và cơ sở hạ tầng giúp cân đối giảm thiểu rủi ro và tăng hấp dẫn nhà đầu tư.
Khi các hoạt động cải tổ và phát triển đang được tiến hành, đại sứ Canada tin sẽ có thêm đầu tư đa dạng hơn từ Canada vào Việt Nam.
Nói về quá trình dịch chuyển sang năng lượng xanh và sạch tại Việt Nam, đại sứ Canada nhận xét: "Nếu nhìn từ góc độ biến đổi khí hậu và năng lượng sạch, Việt Nam là một trong những nước dễ chịu tổn thương nhất thế giới từ biến đổi khí hậu".
Phía Canada đã dịch chuyển một số chương trình hỗ trợ dành cho Việt Nam từ việc đáp ứng những nhu cầu căn bản của con người sang dịch chuyển năng lượng sạch. Đại sứ Canada nhấn mạnh Canada là đối tác đầy tự hào của Việt Nam trong quá trình dịch chuyển năng lượng sạch và hiện đang đóng góp kiến thức chuyên môn nhằm hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.
Đại sứ Canada cho biết, Canada đã hỗ trợ Việt Nam thông qua chương trình đã triển khai. Canada cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các cộng đồng ven biển, mang đến giải pháp làm sao hỗ trợ cho các khu vực cao nguyên để gia tăng lợi ích kinh tế, cùng lúc đó duy trì bảo vệ rừng.
Canada đồng thời là thành viên sáng lập của chương trình hành động giảm nhựa trên toàn cầu. Canada hỗ trợ kiến thức chuyên môn cho kế hoạch giảm sử dụng nhựa tại Việt Nam. Tất cả các sản phẩm nhựa khi thải loại ra môi trường cũng sẽ đều bị vứt xuống biển, trong khi đó, Việt Nam là quốc gia ven biển, Việt Nam cần đại dương sạch cho các loài cá, khai thác du lịch cũng như phát triển điện gió ngoài khơi. Canada là đối tác quan trọng của Việt Nam và đang hỗ trợ giải pháp, kỹ thuật và chính sách để giảm sử dụng nhựa.
Đại sứ cho biết Canada là thành viên của Quan hệ Đối tác Dịch chuyển Năng lượng Công bằng (JETP). Thông qua chương trình, Canada tăng cường hỗ trợ Việt Nam sản xuất năng lượng tái sinh. Đồng thời, cố gắng giúp Việt Nam tăng cường khả năng lưu trữ năng lượng, nhưng nếu muốn phát triển các nguồn năng lượng tái sinh, sẽ cần đến lưới điện thông minh để có thể hấp thụ lượng điện lớn ở những thời điểm nhất định.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Canada tăng chóng mặt sau CPTPP
Theo đại sứ Canada, từ khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực tại Việt Nam vào năm 2018, xuất khẩu từ Việt Nam sang Canada đã tăng chóng mặt. Trên thực tế, trong tổng kim ngạch thương mại hai chiều, ước tính khoảng 93% trong đó là xuất khẩu của Việt Nam sang Canada.
Các sản phẩm của Việt Nam như hải sản, trái cây, nội thất, giày dép, quần áo, hàng điện tử… đang tiếp cận với thị trường Canada rộng lớn, người Canada yêu quý sản phẩm của Việt Nam.
Đại sứ Canada khẳng định dù phần lớn các nền kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn bởi đương đầu với vấn đề lạm phát và bất ổn cao, người Canada vẫn tiếp tục tiêu dùng. Người Canada chi tiêu mạnh tay nhất trong nhóm các nước công nghiệp phát triển G7.
Người Canada mua rất nhiều hàng Việt Nam và đang chờ đợi để có cơ hội ăn tôm, hạt điều và mặc quần áo sản xuất tại Việt Nam. Phía Canada tin xuất khẩu Việt Nam sang Canada sẽ vẫn tăng trưởng và sản phẩm Việt Nam sẽ ngày một phổ biến hơn nữa tại Canada.