Ngày 1/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội nghị “Tập huấn Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng”. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tham dự hội nghị có: Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà; cùng đại diện lãnh đạo: Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Pháp chế, Vụ Quản lý ngoại hối, Vụ Truyền thông và các đơn vị có liên quan.
Ngoài ra, hội nghị, còn có sự tham dự của: Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng; đại diện lãnh đạo Hiệp hội Quỹ Tín dụng nhân dân; cùng đại diện các tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, qua thực tiễn 7 năm triển khai, về cơ bản các quy định hướng dẫn về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng đã tương đối đầy đủ. Tiếp nối tinh thần của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (Thông tư 39) và để phù hợp với tình hình thực tế triển khai của các TCTD trong bối cảnh hiện nay, quy định của pháp luật hiện hành, chủ trương chuyển đổi số của ngành Ngân hàng và yêu cầu quản lý nhà nước, ngày 28/6/2023, NHNN đã ban hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN (Thông tư 06) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39 quy định về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2023.
Phó Thống đốc cho biết, việc ban hành Thông tư 06 nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng phù hợp với quy định tại Luật các TCTD năm 2010, Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Đầu tư năm 2020 và các quy định hiện hành khác của pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay cũng như chủ trương chuyển đổi số của ngành Ngân hàng.
“Các quy định tại Thông tư 06 đã cụ thể hóa được nhiều nội dung quan trọng nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập của các TCTD trong thực tiễn triển khai thời gian qua; đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động cho vay, bảo vệ quyền lợi của người vay, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; nâng cao tính tự chủ trong hoạt động cho vay của TCTD, nâng cao yêu cầu minh bạch hóa, bảo đảm an toàn cho hoạt động cho vay”, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nhấn mạnh.
Trình bày nội dung Thông tư 06 tại hội nghị, bà Bùi Thuý Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết một số nội dung chính được sửa đổi tại Thông tư 06 như: (i) Bổ sung các quy định về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động cho vay TCTD đối với khách hàng trên môi trường số; (ii) Bổ sung một số quy định để phù hợp với thực tiễn hoạt động cho vay của TCTD; tạo điều kiện cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; (iii) Bổ sung quy định về một số nhu cầu vốn TCTD không được cho vay mà những nhu cầu vốn cho vay này trong thời gian qua, NHNN cũng đã có các văn bản cảnh báo TCTD...
Phát biểu tại hội nghị, đại diện các TCTD đã đánh giá cao việc NHNN ban hành Thông tư 06 đã tháo gỡ rất nhiều nội dung nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, góp phần cung ứng thêm vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, để hạn chế rủi ro phát sinh trong hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng, kiểm soát việc khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích, nâng cao chất lượng tín dụng, Thông tư 06 đưa ra khung pháp lý chặt chẽ hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, đại diện các TCTD cũng cho biết, một số quy định tại Thông tư đang dẫn đến những cách hiểu khác nhau/gây khó khăn cho hoạt động cho vay của TCTD, như: Quy định TCTD không được cho vay để gửi tiền (Khoản 7 Điều 8); Quy định TCTD không được cho vay bù đắp tài chính (Khoản 10 Điều 8); Quy định TCTD không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh (Khoản 9 Điều 8); Hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử (Điều 32)…. Trên cơ sở đó, đại diện các TCTD đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh phù hợp hoặc có giải đáp chính thức bằng văn bản để thống nhất cách hiểu và áp dụng trên thực tế, tránh rủi ro cho TCTD khi bị thanh tra, kiểm tra sau này.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện Vietcombank cho biết, ngân hàng mong muốn NHNN quy định rõ hơn các trường hợp không được cho vay, ví dụ như các công ty chứng khoán có hoạt động kinh doanh hợp pháp, thực hiện đầu tư giấy tờ có giá như mua chứng chỉ tiền gửi sơ cấp và thứ cấp; ngân hàng cho vay bù đắp tài chính và giải ngân vào tài khoản cá nhân của khách hàng, số tiền khách hàng vay chưa dùng hết có phải trả lãi không…
Còn đại diện Agribank cho biết, Thông tư 06 không tác động nhiều đến hoạt động của Agribank, tuy nhiên một số nội dung tại Thông tư cần làm rõ để tránh cách hiểu khác nhau trong nội bộ TCTD, cũng như đối với các cơ quan quản lý, đó là: Quy định về cho vay không được gửi tiền; cho vay bù đắp tài chính; cho vay thực hiện hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác liên doanh, các dự án đủ điều kiện hợp tác kinh doanh…
Đại diện VietinBank chia sẻ, trong quá trình thu thập hồ sơ, khách hàng cần một khoảng thời gian để chuẩn bị, trong khi nhu cầu vốn đang rất cần thiết nên khách hàng phải xoay xở từ bên ngoài để chi trả trước, sau đó mới lấy tiền được ngân hàng giải ngân để trả. Do đó, ngân hàng mong muốn cần thống nhất thời điểm giải ngân để phù hợp với thực tiễn trong hoạt động cho vay của ngân hàng…
Đánh giá cao việc NHNN ban hành Thông tư 06, đại diện TPBank cho rằng, Thông tư 06 là hướng đi đúng của cơ quan quản lý, mở ra điều kiện kinh doanh cạnh tranh qua đó giúp các TCTD phục vụ khách hàng tốt hơn. Việc bổ sung thêm quy định “Cho vay bằng phương tiện điện tử” là cần thiết cho hoạt động ngân hàng… Đại diện TPBank cũng cho biết, đa phần các vướng mắc của ngân hàng nằm ở câu chữ trong Thông tư 06, ví như: Cho vay để gửi tiền, cho vay bù đắp tài chính… Do đó, ngân hàng cần được giải thích rõ ràng hơn.
Đại diện cho khối công ty tài chính tiêu dùng, đại diện Công ty Tài chính TNHH MTV Cộng Đồng (FCCom) cho biết, các công ty tài chính chỉ giải ngân khoản vay tín chấp tối đa 100 triệu đồng/khách hàng, hầu hết khách hàng sử dụng vốn vay để phục vụ tiêu dùng, chi tiêu trong gia đình, thanh toán các khoản nhỏ lẻ. Việc chuyển khoản cho bên thứ 3 để chuyển cho bên thụ hưởng với hạn mức nhỏ sẽ rất khó cho khách hàng trong thanh toán và đáp ứng được nhu cầu trong đời sống. Hơn nữa, theo chia sẻ của một số TCTD, có đến 80-90% khách hàng đã chuyển sang sử dụng ngân hàng trên môi trường điện tử nên cần làm rõ khi nào giải ngân trực tiếp, khi nào giải ngân trực tuyến.
Trước những vướng mắc TCTD, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ và Vụ Pháp chế đã có những giải đáp ngay tại hội nghị. Ví như liên quan đến quy định Dư nợ cho vay tại Điều 32c: “Dư nợ cho vay đối với một khách hàng là cá nhân vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống và được nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng theo quy định tại Điều 32b Thông tư này không vượt quá 100 triệu đồng tại một TCTD”, bà Bùi Thuý Hằng cho biết, quy định này chỉ áp dụng với khách hàng thực hiện eKYC 100% bằng phương thức điện tử. Còn khách hàng cá nhân giao dịch tại quầy, sau đó thực hiện các bước bằng phương tiện điện tử không bị hạn chế này.
Với những vướng mắc được các TCTD nêu tại hội nghị, bà Bùi Thuý Hằng cho biết, tổng hợp lại và hiện thực hoá bằng công văn hướng dẫn của NHNN sắp tới, để đảm bảo việc thực thi Thông tư 06 được thông suốt. Trên cơ sở đó để các đơn vị trong toàn ngành Ngân hàng thống nhất triển khai thực hiện một cách hiệu quả, đảm bảo tuân thủ các quy định tại Thông tư 39, Thông tư 06 và các quy định pháp luật có liên quan.
Tại hội nghị Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cũng nhấn mạnh, đây là Thông tư mới, có tác động lớn đối với hoạt động của các TCTD cũng như với vai trò quản lý hoạt động tiền tệ và tín dụng của NHNN. Vì vậy, Phó Thống đốc yêu cầu các TCTD cần quán triệt nội dung Thông tư này để hoàn thiện quy trình nội bộ theo quy định mới, thực hiện hướng dẫn nghiệp vụ trong nội bộ ngân hàng cho phù hợp, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo hoạt động cho vay được thông suốt và thuận lợi, qua đó tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.