(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bài viết phân tích và đánh giá những quy định mới nhất về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) tại Việt Nam
Tóm tắt: Mặc dù hành lang pháp lý cho sự vận hành của bảo hiểm tiền gửi (BHTG) Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện, vẫn còn một số quy định làm hạn chế tính hiệu quả của hệ thống này tại Việt Nam trong việc ngăn ngừa rủi ro đạo đức. Trên cơ sở kinh nghiệm từ hệ thống BHTG của Mỹ, bài viết này sẽ phân tích và đánh giá những quy định mới nhất về BHTG tại Việt Nam. Qua đó, mong muốn có thêm cơ sở để Việt Nam điều chỉnh và thực thi chế độ BHTG hiệu quả hơn.
DEPOSIT INSURANCE ACTIVITY IN VIETNAM - ASSESSMENT FROM LEGAL PERSPECTIVE
Abstract: Although legal framework for the operation of Vietnam Deposit Insurance is increasingly improved, there are still a number of regulations limiting the effectiveness of this system in Vietnam, including moral hazard prevention. Based on experience from the US deposit insurance system, this article will analyze and evaluate the latest deposit insurance regulations in Vietnam with an aim to provide more bases for Vietnam to adjust and implement the deposit insurance regime more effectively.
1. Giới thiệu
Với vai trò là một trung gian tài chính, các ngân hàng thường rất nhạy cảm với rủi ro mất khả năng thanh toán. Chỉ cần một tin đồn cũng có thể làm cho công chúng lo ngại về sức khỏe tài chính của ngân hàng và có thể dẫn đến hiện tượng rút tiền hàng loạt ra khỏi ngân hàng. Hệ thống bảo hiểm tiền gửi (BHTG) được thiết kế nhằm củng cố niềm tin của công chúng vào sự an toàn của các khoản tiền gửi ngân hàng. Vì vậy, BHTG có đóng góp tích cực vào sự ổn định của hệ thống tài chính (Ketcha, 2007).
Tuy nhiên, rủi ro đạo đức lại là một vấn đề thách thức thường đi kèm với BHTG. Khi có BHTG, các ngân hàng có xu hướng chấp nhận rủi ro cao hơn còn người gửi tiền lại có xu hướng giảm bớt việc giám sát hoạt động của ngân hàng nhận gửi tiền. Hiện tượng rủi ro đạo đức này, hay còn gọi là sự xói mòn của kỷ luật thị trường, đã được xác nhận ở nhiều nghiên cứu trên thế giới như Demirgüç-Kunt and Detragiache (2002); Ioannidou and Penas (2010); Lambert, Noth, and Schüwer (2017). Hiện tượng này cũng có thể làm giảm tính cạnh tranh lành mạnh trong hệ thống tài chính và làm giảm hiệu quả trong việc phân phối nguồn lực tài chính. Khủng hoảng tín dụng tại Mỹ trong thập niên 80 của thế kỷ trước là một ví dụ điển hình của rủi ro đạo đức trong BHTG (Keeley, 1990).
Thiết kế một hệ thống BHTG “tốt” có thể ngăn ngừa rủi ro đạo đức và góp phần giữ vững sự ổn định hệ thống tài chính quốc gia. Rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, Hiệp hội quốc tế các nhà BHTG (International Association of Deposit Insurers - IADI) đã phối hợp với Ủy ban Basel về Giám sát Ngân hàng (Basel Committee on Banking Supervision - BCBS) phát hành phiên bản chỉnh sửa của ấn phẩm “Các nguyên tắc nền tảng của hệ thống BHTG hiệu quả” (Core Principles for Effective Deposit Insurance Systems). Theo đó, khuyến nghị được đưa ra là rủi ro đạo đức cần được giải quyết ở tất cả các nguyên tắc chứ không chỉ giới hạn ở một nguyên tắc nào như phiên bản trước đây vào năm 2009 (IADI, 2014). Điều này cho thấy tầm quan trọng của rủi ro đạo đức và nó cần phải được xem xét một cách toàn diện khi thiết kế và vận hành hệ thống BHTG ở bất kỳ quốc gia nào, dù là đã phát triển (như Mỹ) hay đang phát triển (như Việt Nam).
2. Bài học kinh nghiệm từ BHTG Mỹ
Là một quốc gia phát triển và đã trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử phát triển kinh tế, Mỹ có hệ thống BHTG rất đặc trưng trong việc ngăn ngừa rủi ro đạo đức và là một ví dụ điển hình để các quốc gia khác, bao gồm Việt Nam, có thể học hỏi. BHTG của Mỹ đã được thiết lập từ năm 1933 với sự ra đời của Công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang (Federal Deposit Insurance Corporation hay FDIC). Sau khi khủng hoảng ngành ngân hàng xảy ra vào những năm 1980, Mỹ đã nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề rủi ro đạo đức nên đã có một loạt thay đổi trong quy định pháp luật như: Đạo luật thực thi và khôi phục cải cách các tổ chức tài chính (Financial Institutions Reform Recovery and Enforcement Act) vào năm 1989; Đạo luật công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang sửa đổi (Federal Deposit Insurance Corporation Improvement Act) vào năm 1991; Đạo luật Hiện đại hóa dịch vụ tài chính (Financial Services Modernization Act) vào năm 1999; Đạo luật Công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang (The Federal Deposit Insurance Corporation Act) vào năm 2003. Đến khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, Đạo luật Dodd-Frank về bảo vệ người tiêu dùng và cải cách phố Wall (Dodd–Frank Wall Street Reform and Consumer Protection Act hay Đạo luật Dodd-Frank) đã được Tổng thống Barack Obama ký ban hành vào năm 2010. Những thay đổi này có ảnh hưởng quan trọng tới việc kiểm soát rủi ro đạo đức trong BHTG. Các biện pháp kiểm soát hữu hiệu có thể kể đến như:
Xác định phạm vi BHTG phù hợp: Tất cả các tổ chức tài chính tại Mỹ có huy động vốn từ tiền gửi đều phải tham gia BHTG và tất cả các loại tiền gửi đều được bảo hiểm. Riêng các loại chứng khoán, các loại hình đầu tư tương tự chứng khoán thì không nhận được bảo hiểm vì chủ thể của những hoạt động đầu tư này có động lực giám sát hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Hạn mức trả tiền bảo hiểm là 250.000USD (bao gồm cả tiền gốc và lãi). Việc quy định hạn mức này khiến cho những người gửi tiền mà tài khoản của họ trên 250.000USD cũng không dám bỏ vai trò giám sát, từ đó làm cho kỷ luật thị trường đạt được một trình độ nhất định, hạn chế việc ngân hàng kinh doanh rủi ro cao.
Cơ chế bảo đảm chéo: Khi một ngân hàng thành viên trong một tập đoàn nào đó bị phá sản, thì tài sản của ngân hàng thành viên khác dù đang kinh doanh tốt cũng sẽ bị FDIC sử dụng để chi trả cho các khoản tổn thất cho ngân hàng thành viên bị phá sản. Chính điều này làm tăng sự giám sát lẫn nhau giữa các ngân hàng thành viên, giảm rủi ro đạo đức trong kinh doanh của một ngân hàng cá biệt.
FDIC có quyền áp dụng hành động chấn chỉnh kịp thời: Các ngân hàng được phân loại theo các tỷ lệ an toàn vốn của mình và tùy vào phân loại này mà FDIC áp dụng hành động chấn chỉnh kịp thời. Ví dụ, khi một ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn dưới 8% thì sẽ được xếp là “không đủ vốn” và phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế gồm (i) ngưng chia cổ tức và tăng chi phí quản lý, (ii) lập kế hoạch tăng vốn, (iii) hạn chế tăng tài sản, (iv) hợp nhất hay thành lập chi nhánh và một số nghiệp vụ mới khác phải được FDIC phê duyệt, (v) không được nhận tiền gửi ủy thác. Ngoài ra, tất cả các thông tin về phân loại ngân hàng, các biện pháp mà FDIC áp dụng đều được đưa lên website FDIC. Những thông tin này sẽ ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng, khiến cho ngân hàng phải chấn chỉnh hoạt động. Đây là một biện pháp dựa trên nguyên tắc thị trường cạnh tranh hoàn hảo.
Xây dựng biểu phí bảo hiểm trên cơ sở mức độ rủi ro: Thay vì áp dụng một tỷ lệ phí cố định theo số dư tiền gửi, FDIC căn cứ vào 2 chỉ tiêu (tài sản rủi ro của ngân hàng và xếp loại ngân hàng của cơ quan giám sát) để tiến hành xếp loại ngân hàng theo mức độ rủi ro, sau đó áp dụng mức phí bảo hiểm căn cứ vào kết quả xếp loại này. Việc thu phí trên cơ sở rủi ro sẽ góp phần phản ánh năng lực hoạt động của từng ngân hàng, thúc đẩy các ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn để được hưởng mức phí thấp, từ đó sẽ giảm rủi ro đạo đức.
Nâng cao quyền lực cho FDIC, tăng cường giám sát rủi ro tài chính: Do FDIC phải tiến hành bồi thường cho người gửi tiền khi ngân hàng nhận tiền gửi gặp vấn đề nên FDIC được trao một số quyền để có thể thực thi nhiệm vụ giám sát ngân hàng (GSNH), như: phê chuẩn hay từ chối đơn xin tham gia BHTG; thẩm duyệt kế hoạch thành lập chi nhánh ngân hàng hay hợp nhất ngân hàng; yêu cầu ngân hàng định kỳ cung cấp báo cáo tài chính và các loại báo cáo thống kê khác, tái thẩm định các báo cáo kiểm tra của các cơ quan giám sát như Cục quản lý tiền tệ và dự trữ liên bang; kiểm tra định kỳ thường xuyên và không thường xuyên các ngân hàng; hủy tư cách tổ chức tham gia BHTG.
3. Phân tích quy định pháp luật của Việt Nam về BHTG
Khác với hệ thống BHTG có bề dày lịch sử gần 90 năm của Mỹ, hệ thống BHTG Việt Nam chỉ mới ra đời từ năm 2000. Từ năm 2000 đến 2012, các văn bản điều chỉnh hoạt động BHTG Việt Nam chỉ là các văn bản dưới luật do Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành. Chỉ đến năm 2012, Quốc hội mới chính thức thông qua Luật BHTG. Việc ban hành Luật BHTG năm 2012 là một bước tiến quan trọng nhằm tạo khuôn khổ pháp lý giúp cho hoạt động BHTG hiệu quả hơn, tiếp tục là chỗ dựa vững chắc cho người gửi tiền và góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng.
Luật BHTG năm 2012 có những nội dung chính như sau:
(i) NHNN Việt Nam là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước và chức năng thanh tra về bảo hiểm tiền gửi;
(ii) Tổ chức BHTG (DIV) có chức năng giám sát từ xa trên cơ sở các thông tin nhận được từ NHNN và tổ chức tham gia BHTG nhằm phát hiện và báo cáo NHNN xử lý kịp thời những rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng, những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng;
(iii) Quy định loại tiền gửi nào được bảo hiểm và loại tiền gửi không được bảo hiểm, theo đó, chỉ BHTG cho người gửi tiền là cá nhân và loại tiền gửi bằng VND.
(iv) DIV là tổ chức tài chính nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ; là pháp nhân, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo đảm an toàn vốn và tự bù đắp chi phí, chịu sự quản lý trực tiếp của NHNN.
(v) DIV không được mở tài khoản và gửi tiền tại tổ chức tín dụng mà chỉ được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để mua trái phiếu Chính phủ, tín phiếu NHNN Việt Nam và gửi tiền tại NHNN Việt Nam.
(vi) Thủ tướng quy định khung phí BHTG và hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của NHNN. Đặc biệt, Luật giao cho NHNN quy định mức phí BHTG cụ thể đối với tổ chức tham gia BHTG dựa trên cơ sở kết quả đánh giá và phân loại các tổ chức này.
(vii) Nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm NHNN có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng phá sản.
Về cơ bản, những quy định của Luật BHTG đã thể hiện tinh thần đổi mới, tuân thủ nguyên tắc cơ bản của IADI về phát triển hệ thống BHTG hiệu quả, học tập kinh nghiệm của các nước có nền tài chính phát triển. Bên cạnh Luật BHTG, một số văn bản dưới luật cũng đã được ban hành để hướng dẫn hoạt động BHTG trong nước như:
- Nghị định 68/2013/NĐ-CP ngày 28/6/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHTG;
- Thông tư 24/2014/TT- NHNN ngày 6/9/2014 hướng dẫn một số nội dung về hoạt động BHTG;
- Thông tư 312/2016/TT-BTC ngày 24/11/2016 về chế độ tài chính đối với Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam;
- Thông tư 34/2016/TT-NHNN ngày 28/12/2016 về quy định việc cung cấp thông tin giữa NHNN Việt Nam và Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam;
- Quyết định số 1394/QĐ-TTg ngày 13/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập DIV và quy định chức năng, nhiệm vụ của DIV;
- Quyết định số 527/QĐ-TTg ngày 1/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 1395/QĐ-TTg ngày 13/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ về tổ chức và hoạt động của DIV và Quyết định số 1394/QĐ-TTg ngày 13/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập DIV và quy định chức năng, nhiệm vụ của DIV;
- Quyết định 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm.
Có thể nói, sự ra đời của những văn bản pháp luật này đã kịp thời hướng dẫn Luật BHTG và thay thế các văn bản đã ban hành trước đó phù hợp với nguyên tắc cơ bản của IADI và Việt Nam. Đặc biệt, quy định về hạn mức trả bảo hiểm đã có sự tiến bộ đáng kể. Trước thời điểm có Quyết định 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm, hạn mức trả tiền bảo hiểm tối đa cho tất cả các khoản tiền gửi bao gồm cả gốc và lãi của một người gửi tiền tối đa là 50 triệu đồng. Đến khi Quyết định 21/2017/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 05/8/2017, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật BHTG (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia BHTG đã lên tối đa là 75 triệu đồng. Điều này phù hợp với khuyến nghị của IMF đối với các quốc gia về hạn mức trả tiền bảo hiểm cho mỗi người gửi tiền là khoảng một đến hai lần GDP bình quân đầu người (Anginer & Demirguc-Kunt, 2018). Như vậy, với GDP bình quân đầu người năm 2019 của Việt Nam gần 3.000 USD thì hạn mức chi trả tối đa 75 triệu đồng là tương đối phù hợp.
Tuy nhiên, các văn bản pháp luật về BHTG vẫn chưa giải quyết triệt để một số nội dung quan trọng khác, ảnh hưởng lớn đến tính hiệu quả của BHTG. Cụ thể như sau:
Xác định phí bảo hiểm trên cơ sở rủi ro vẫn chưa được đảm bảo
Theo khoản 2 điều 20 Luật BHTG, “NHNN quy định mức phí bảo hiểm tiền gửi cụ thể đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi trên cơ sở kết quả đánh giá và phân loại các tổ chức này”. Nguyên tắc này được ngầm hiểu là phí BHTG được xác định dựa trên cơ sở rủi ro: nếu rủi ro cao thì phí BHTG cao, và ngược lại. Cách tính phí BHTG như vậy sẽ giúp phản ánh rõ hơn năng lực hoạt động của từng ngân hàng, thúc đẩy các ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn để được hưởng mức phí thấp, từ đó sẽ giảm rủi ro đạo đức.
Tuy nhiên, theo khoản 3 điều 21 Nghị định 68/2013/NĐ-CP và điều 7 Thông tư 24/2014/TT- NHNN, về bản chất, cách tính phí BHTG vẫn trên nguyên tắc cào bằng. Cụ thể là mức 0,15%/năm (tính trên số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG) được áp dụng chung cho tất các tổ chức tham gia BHTG. DIV không được tự quyết định mức phí này dựa trên đánh giá, xếp loại rủi ro của tổ chức tham gia BHTG. Sự điều chỉnh mức phí bảo hiểm phải do Thủ tướng quyết định trên cơ sở đề nghị của DIV và phải có ý kiến của NHNN Việt Nam và Bộ Tài chính. Có thể thấy, quy định này là hoàn toàn khác với quy định về mức phí BHTG của Mỹ cũng như thẩm quyền của FDIC trong việc xác định mức phí BHTG tại Mỹ.
Sự khác biệt trong quy định pháp luật về cách tính phí của Việt Nam so với Mỹ có thể được lý giải bởi sự khác biệt về thực tiễn giữa hai quốc gia. Ở Việt Nam, NHNN là cơ quan đánh giá và xếp loại rủi ro các tổ chức nhận tiền gửi còn DIV là cơ quan chịu trách nhiệm tính phí BH và chi trả bảo hiểm khi có phát sinh. Bên cạnh đó, thông tin về đánh giá xếp hạng ngân hàng cũng như mức phí BHTG của từng ngân hàng lại là thông tin rất nhạy cảm, ảnh hưởng đến lòng tin của dân chúng đối với ngân hàng và ảnh hưởng đến kỷ luật thị trường ngành ngân hàng. Trong những năm trước, việc xếp hạng các ngân hàng cũng đã từng được thực hiện như Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) thuộc NHNN đã làm năm 2011 hay Công ty xếp hạng tín nhiệm Việt Nam (CRV) đã làm năm 2012. Tuy nhiên, kết quả xếp hạng của CIC chỉ để NHNN dùng để phân bổ tỷ lệ tăng trưởng tín dụng và không được công bố ra ngoài, còn kết quả xếp hạng của CRV lại chỉ mang tính tham khảo và gây nhiều tranh cãi (Ngân Hà, 29/12/2011; Nguyễn Quang, 12/9/2012). Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có đơn vị chức năng nào thực hiện xếp hạng rủi ro và công bố thông tin xếp hạng của toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam để có thể làm cơ sở cho việc tính phí bảo hiểm dựa vào mức độ rủi ro.
Chức năng giám sát các tổ chức nhận tiền gửi tham gia BHTG của DIV vẫn còn hạn chế
Điều 13 Luật BHTG về quyền và nghĩa vụ của DIV chỉ quy định tổ chức này có chức năng giám sát từ xa việc tuân thủ pháp luật về BHTG của các tổ chức tham gia BHTG, tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin về tổ chức tham gia BHTG nhằm phát hiện và báo cáo NHNN để xử lý. Đối với mọi vấn đề khác, DIV cũng đều phải tham chiếu và báo cáo với NHNN. Những quy định này cho thấy DIV không có đủ quyền lực như FDIC trong lĩnh vực giám sát ngân hàng mà nguyên nhân chính là do địa vị pháp lý của BHTG Việt Nam không như FDIC.
Sự tồn tại song hành cơ chế BHTG hiện và BHTG ẩn làm hệ thống BHTG chưa thể vận hành hiệu quả trong việc ngăn ngừa rủi ro đạo đức
Sự ra đời của Luật BHTG năm 2012 và các văn bản dưới luật cho thấy Việt Nam đã có một hệ thống BHTG chính thức hay “BHTG hiện”. Tuy nhiên, đặc điểm về cơ chế quản lý và giám sát hệ thống ngân hàng Việt Nam mà trong đó các thông tin về chất lượng hoạt động nói chung hay về xếp hạng rủi ro của các ngân hàng nói riêng vẫn còn là những thông “mật”, thông tin nhạy cảm và không được công bố rộng rãi trên thị trường. Quy định về trách nhiệm và quyền hạn của Chính phủ và NHNN liên quan đến BHTG và phá sản ngân hàng đã tạo ra một cơ chế “BHTG ẩn”. Người gửi tiền có xu hướng không biết cũng như không quan tâm tới chế độ BHTG hiện đang tồn tại và sẽ bảo vệ họ nếu có tổn thất xảy ra mà chỉ tin vào BHTG ẩn (nghĩa là Chính phủ sẽ đảm bảo các khoản tiền gửi của dân chúng ở ngân hàng). Chính chế độ BHTG ẩn này đã làm cho kỷ luật ngành ngân hàng tại Việt Nam yếu đi, xuất hiện rủi ro đạo đức (Nguyễn Chí Đức & Hoàng Trọng, 2013).
4. Kết luận
Trên cơ sở phân tích chế độ BHTG của Mỹ và các quy định pháp lý của BHTG Việt Nam, bài viết cho thấy Luật BHTG cùng các văn bản dưới luật đã có những quy định phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam về phạm vi BHTG, mô hình tổ chức BHTG Việt Nam và hạn mức chi trả bảo hiểm. Tuy nhiên, các quy định hiện hành vẫn chưa giải quyết được ba vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tính hiệu quả của chế độ BHTG trong việc ngăn ngừa rủi ro đạo đức, đó là (i) chưa tính được phí bảo hiểm trên cơ sở rủi ro, (ii) hạn chế của DIV trong việc thực hiện chức năng giám sát và xử lý các tổ chức nhận tiền gửi tham gia BHTG và (iii) sự tồn tại đồng thời cơ chế BHTG hiện và BHTG ẩn.
Kết quả phân tích cũng gợi ý rằng, cùng với sự phát triển không ngừng của ngành ngân hàng nói riêng và hệ thống tài chính Việt Nam nói chung, Chính phủ cần xây dựng chế độ BHTG phù hợp với nguyên tắc thị trường thay thế chế độ BHTG ẩn. Bên cạnh đó, nâng cao vị thế của DIV theo hướng cho phép tổ chức này hoạt động độc lập hơn và trao cho DIV nhiều quyền hạn hơn trong việc giám sát và đưa ra biện pháp xử lý các tổ chức nhận tiền gửi có tham gia BHTG sẽ làm cho hệ thống BHTG hoạt động hiệu quả hơn. Ngoài ra, việc xếp hạng tín nhiệm ngân hàng để phục vụ cho việc tính phí bảo hiểm trên cơ sở rủi ro ngân hàng cũng cần đi vào thực chất và DIV, với vai trò là tổ chức có trách nhiệm chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền được bảo hiểm, cũng phải là đóng vai trò quan trọng của việc xếp hạng này. Những cải cách pháp lý trong hệ thống BHTG Việt Nam theo hướng giảm thiểu rủi ro đạo đức sẽ là bước đi quan trọng góp phần tạo ra một hệ thống tài chính lành mạnh và phát triển bền vững.
Tài liệu tham khảo:
1 - Anginer, D., & Demirguc-Kunt, A. (2018). Bank Runs and Moral Hazard: A Review of Deposit Insurance. World Bank Policy Research Working Paper(8589).
2 - Demirgüç-Kunt, A., & Detragiache, E. (2002). Does deposit insurance increase banking system stability? An empirical investigation. Journal of Monetary Economics, 49(7), 1373-1406.
3 - IADI. (2014). IADI Core Principles for Effective Deposit Insurance Systems. Retrieved 25/02/2020, from International Association of Deposit Insurers (IADI) https://www.iadi.org/en/assets/File/Core%20Principles/cprevised2014nov.pdf
4 - Ioannidou, V. P., & Penas, M. F. (2010). Deposit insurance and bank risk-taking: Evidence from internal loan ratings. Journal of Financial Intermediation, 19(1), 95-115. doi:https://doi.org/10.1016/j.jfi.2009.01.002
5 - Keeley, M. C. (1990). Deposit Insurance, Risk, and Market Power in Banking. The American Economic Review, 80(5), 1183-1200.
6 - Ketcha, N. (2007). Deposit insurance system design and considerations. Bank for International Settlement. Policy Papers.
7 - Lambert, C., Noth, F., & Schüwer, U. (2017). How do insured deposits affect bank risk? Evidence from the 2008 Emergency Economic Stabilization Act. Journal of Financial Intermediation, 29, 81-102.
8 - Ngân Hà. (29/12/2011). Nhà băng Việt: Quota, kẽ hở và sự minh bạch. Báo Diễn đàn Doanh nghiệp. Retrieved from https://enternews.vn/nha-bang-viet-quota-ke-ho-va-su-minh-bach-48166.html
9 - Nguyễn Chí Đức, & Hoàng Trọng. (2013). Nghiên cứu thực chứng hiệu ứng kỷ luật thị trường ngành Ngân hàng VN. Tạp chí Phát triển và Hội nhập(10), 26-31.
10 - Nguyễn Quang. (12/9/2012). Xếp hạng ngân hàng: Vừa làm xong đã... nhận lỗi. Báo Đầu tư Chứng khoán. Retrieved from https://tinnhanhchungkhoan.vn/tien-te/xep-hang-ngan-hang-vua-lam-xong-da-nhan-loi-24719.html
Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 7 năm 2020