Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, hạn chế tín dụng đen

Thanh Hải| 29/11/2021 17:47
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Để ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp trọng tâm với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn tổ chức tín dụng (TCTD).

Sau hơn 2 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019, các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân được nâng cao.

Về phía ngành Ngân hàng, cũng đã quyết liệt vào cuộc, mở rộng mạng lưới, cung ứng kịp thời các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn, kịp thời hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; qua đó đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức, góp phần không nhỏ cùng các cấp, các ngành ngăn chặn, đẩy lùi nạn “tín dụng đen”.

Hình minh họa - Nguồn: Internet

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo các TCTD mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa như cho vay liên vụ, cho vay qua sổ tín dụng, vay vốn thông qua các tổ, nhóm của các tổ chức chính trị - xã hội, cho vay, thu nợ ngay tại địa bàn của người vay, triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dụng...

Có thể kể đến như, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng 5.000 tỷ đồng, theo đó khách hàng có nhu cầu vay vốn chính đáng được giải ngân ngay trong ngày với số tiền cho vay tối đa 30 triệu đồng, không cần tài sản thế chấp; chương trình cho vay thẻ thấu chi tại thị trường nông thôn (sử dụng để thanh toán hàng hóa, dịch vụ); đến cuối tháng 9/2021, đã có hơn 609 nghìn lượt khách hàng vay vốn theo chương trình, doanh số cho vay đạt trên 45,4 nghìn tỷ đồng, dư nợ đạt trên 1.950 tỷ đồng.

Hay Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) cũng có hàng loạt giải pháp nhằm mở rộng tín dụng  phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen như: nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/ hộ vay không phải đảm bảo tiền vay và nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; tăng cường công tác quản lý chất lượng tín dụng, phối hợp với chính quyền cơ sở, các tổ chức hội đoàn thể phối hợp giữa công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư với vốn vay nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng, tăng cường công tác truyền thông, phổ biến chính sách đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác…

Bên cạnh nỗ lực của các ngân hàng, không thể không kể đến những nỗ lực của các công ty tài chính tiêu dùng trong việc phổ cập sản phẩm dịch vụ tài chính chính thống đến mọi người dân, đặc biệt là những đối tượng yếu thế, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp, nông thôn… Đơn cử như FE CREDIT, sau 11 năm hoạt động, công ty đã phát triển được hơn 21.000 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc, hợp tác với hơn 16.000 đối tác chiến  lược và phục vụ hơn 12 triệu khách hàng trên toàn quốc. FE CREDIT cũng là đơn vị đầu tiên mở rộng dịch vụ cho vay tiêu dùng thông qua mạng lưới bưu điện Việt Nam (các bưu cục, bưu điện văn hóa xã) giúp người dân ở vùng sâu vùng xa có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay chính thống một cách hợp pháp…

Bên cạnh việc mở rộng mạng lưới, giảm lãi suất, đa dạng sản phẩm dịch vụ, đào tạo nhân viên, đẩy mạnh truyền thông các sản phẩm dịch vụ tài chính… các TCTD cũng đẩy mạnh hoạt động số hóa, phát triển các nền tảng thanh toán trực tuyến tiện lợi… giúp khách hàng dần hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt trong đời sống hàng ngày.

Có thể nói, những nỗ lực của ngành Ngân hàng, từng bước nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, qua đó góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tín dụng đen.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 10/2021, tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (là nơi dễ phát sinh hoạt động “tín dụng đen”) đạt trên 2,48 triệu tỷ đồng với hơn 14 triệu khách hàng, chiếm trên 25% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng 9,2% so với cuối năm 2020 và tăng 32,8% so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg. Đặc biệt, các TCTD cũng đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, toàn hệ thống có 78 TCTD tham gia cho vay phục vụ đời sống với dư nợ vay đạt gần 1,95 triệu tỷ đồng, chiếm 19,6% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tăng 5% so với cuối năm 2020, tăng 9,55% so với cuối năm 2018 và tăng 5,4% so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg, trong đó dư nợ dài hạn chiếm tỷ trọng lớn 84%.

Ngoài nguồn vốn tín dụng thương mại, NHCSXH đang triển khai 20 chương trình tín dụng ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh và tiêu dùng cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách với dư nợ đến cuối tháng 10/2021 đạt trên 243 nghìn tỷ đồng, tăng 7,51% so với cuối năm 2020, tăng 25,2% so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg với gần 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ…

Những kết quả đạt được cho thấy nỗ lực rất lớn của ngành Ngân hàng trong công tác chung tay ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế rằng, dù ngành Ngân hàng luôn chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp, nhưng quá trình cấp tín dụng vẫn gặp khó khăn do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến tội phạm “tín dụng đen” vẫn có cơ hội để phát triển.

Do vậy, để mọi người dân có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng an toàn, hiệu quả, từng bước đẩy lùi tín dụng đen cần có sự phối hợp từ chính quyền địa phương, các Bộ, ban ngành, các ngân hàng và công ty tài chính. Về lâu dài, cần sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay theo hướng chặt chẽ hơn. Công tác truyền thông cũng cần được tăng cường, qua đó giúp người dân nâng cao nhận thức về sản phẩm dịch vụ tài chính, giúp người dân phân biệt được các công ty tài chính hợp pháp và các tổ chức cho vay bất hợp pháp đang hoạt động trên thị trường. Từ đó, bảo vệ người dân khỏi các bẫy tín dụng đen và giúp người dân tiếp cận được nguồn vốn vay an toàn, hợp pháp.

Được sự đồng ý của  Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, ngày 2/12/2021, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội tổ chức Hội thảo: "Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn". Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Địa điểm: Trụ sở Ngân hàng Nhà nước, 49 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Thời gian: 8h, ngày 2/12/2021 (Thứ Năm).

Kính mời quý độc giả theo dõi hội thảo trực tuyến tại: thitruongtaichinhtiente.vn và Fanpage: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, hạn chế tín dụng đen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO