(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo ông Nguyễn Văn Tất, Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội (Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao), các đối tượng cho vay nặng lãi đã chuyển sang sử dụng công nghệ cao, cho vay tiền qua website, vay tiền qua ứng dụng, chúng sử dụng các số thuê báo, tài khoản không chính chủ, rất khó quản lý, nên rất khó phát hiện đã làm cản trở công tác đấu tranh với “tín dụng đen”.
Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài tham luận của ông Nguyễn Văn Tất, Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội (Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao) tại Hội thảo "Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn" do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) và Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội tổ chức sáng ngày 2/12/2021 tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Tất, Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội (Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao) phát biểu tham luận tại hội thảo |
Nhận diện hoạt động tín dụng
“Tín dụng đen” là một cụm từ chúng ta quen dùng để chỉ những hoạt động vay mượn/tín dụng không tốt; lãi suất hầu như do cá nhân hoặc tổ chức cho vay tự đặt, thường vượt mức lãi suất căn bản của ngân hàng nhà nước; quyền lợi của người vay không được bảo vệ và thường bị đòi nợ bằng sức ép... Đồng thời kéo theo nhiều hệ lụy xấu, ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội[1]. Theo nhiều tài liệu nghiên cứu[2] các dấu hiệu xác định “tín dụng đen” gồm:
(1) Hoạt động cho vay thường xuyên, với mục đích kinh doanh, có hoặc không có giấy phép kinh doanh về dịch vụ tín dụng hoặc cầm đồ;
(2) Lãi suất trái luật, tức là mức vượt quá cao so với mức pháp luật cho phép;
(3) Hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật, theo đó bên cho vay tự mình hoặc thông qua bên thứ ba đòi nợ bằng cách gây sức ép, đe dọa, cưỡng ép, khủng bố tinh thần, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, sức khoẻ, tính mạng của người vay và thân nhân của họ.
Về đối tượng cho vay “tín dụng đen” thường “núp bóng” các cơ sở cầm đồ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê tài sản, công ty tài chính. Đáng chú ý là những băng nhóm chuyên cho vay lãi nặng được tổ chức chặt chẽ, tập hợp nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự, côn đồ hung hãn, sẵn sàng dùng các thủ đoạn tàn ác, trái pháp luật với con nợ và gia đình họ, để thu hồi các khoản tiền lãi và nợ gốc. Hình thức quảng cáo đa dạng như phát tờ rơi, treo áp phích nơi công cộng, sử dụng mạng xã hội. Cho vay không cần thế chấp hoặc chỉ cần cầm cố giấy tờ xe máy, bằng lái xe, thẻ sinh viên, chứng minh thư nhân dân,… hợp đồng vay chỉ là một giấy biên nhận, không ghi mức lãi suất mà chỉ thỏa thuận bằng lời nói nhưng trên thực tế lãi suất rất cao gấp nhiều lần lãi suất trần theo quy định pháp luật, đến thời hạn trả nợ người vay tiền không trả được tiền lãi thì tiền lãi được nhập vào gốc khoản vay mới bằng giấy biên nhận vay tiền mới, dẫn đến người vay không có khả năng trả nợ.
Đối tượng vay thường là người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu hiểu biết; có đối tượng vay với mục đích sử dụng vào mục đích bất hợp pháp như đánh bạc, buôn lậu... Một số khác vay tiền với lãi suất cao để kinh doanh nhưng bị thua lỗ, thâm hụt vốn, không có khả năng trả nợ cho nên đã bỏ trốn. Việc không hiểu về cách tính lãi suất “lập lờ” của bên cho vay khiến cho con nợ rơi vào vòng xoáy “lãi mẹ đẻ lãi con”, tiền lãi thậm chí gấp hàng trăm lần tiền vay gốc. Hoặc thông qua hợp đồng “giả cách”, theo đó hai bên thiết lập hợp đồng mua bán tài sản, cho thuê tài sản, bán tài sản rồi thuê lại, mua hàng trả góp nhằm tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu người đi vay không trả được nợ, bên cho vay có thể dùng hợp đồng giả cách đó để tố cáo ngược tại cơ quan pháp luật.
Nguyên nhân phát sinh và các hình thức của tín dụng đen
Do nhu cầu và quy định của pháp luật: Việc cho vay và vay vốn ngoài các tổ chức tín dụng là quan hệ pháp luật dân sự pháp luật không cấm, thậm chí còn khuyến khích để tổ chức, cá nhân, hộ gia đình hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giải quyết công việc trong cuộc sống. Ngoài ra pháp luật còn quy định các công ty tài chính, dịch vụ cầm đồ, kinh doanh dịch vụ đòi nợ được phép hoạt động (mặc dù từ ngày 1/1/2021 dịch vụ đòi nợ không còn và bị cấm)… Đây cũng là điều kiện cho những đối tượng lợi dụng kiếm tiền bằng con đường bất chính theo đó cũng xuất hiện các công ty tài chính trá hình hoặc những hoạt động cho vay núp bóng hoạt động cho vay dân sự.
Để che giấu mức lãi suất, các đối tượng cho vay không ghi mức lãi suất mà chỉ thỏa thuận miệng với người vay và thường khấu trừ luôn tiền lãi vào tiền gốc ngay khi giao tiền nên người vay thường không được nhận đủ số tiền vay ghi trong hợp đồng. Thậm chí có nhiều trường hợp cho vay biến tướng sang một dạng hợp đồng khác như hợp đồng cho thuê ô tô, xe máy tự lái, hợp đồng mua bán tài sản… với số tiền lãi phải trả là số tiền thuê tài sản trong ngày để tránh việc bị phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng và khi người vay không trả được nợ thì tố cáo họ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hoặc cho vay nặng lãi dưới hình thức “bốc bát họ” cũng là một dạng tín dụng đen tinh vi che đậy bản chất bóc lột. Hiện nay, tín dụng đen lại có cách thức mới yêu cầu người vay cung cấp ảnh, video nóng, nhạy cảm để thế chấp.
Mặc dù đa số người dân hiểu tín dụng đen là hình thức tín dụng tư nhân nằm ngoài khôn khổ hoạt động của hệ thống ngân hàng. Nhưng vẫn không ít người lựa chọn hình thức vay vốn này bởi đa phần họ nhận thức chưa cao, chưa lường được những rủi ro khi tham gia vào đường dây “tín dụng đen”, cùng với đó là những khó khăn, hạn chế khi tiếp cận với các nguồn tín dụng hợp pháp.
Do đó, khi gặp biến cố khẩn cấp trong cuộc sống “tín dụng đen” sẽ được lựa chọn vì đáp ứng kịp thời nhu cầu vay với thủ tục cho vay đơn giản, không cần tài sản bảo đảm, linh hoạt về giải ngân khoản vay, kỳ hạn, dán tờ rơi, quảng cáo khắp nơi tại nơi công cộng, trong khu dân cư,… Qua đó cho thấy trong hoạt động cho vay của hệ thống tổ chức tín dụng vẫn còn những bất cập, hạn chế trong việc cho vay; trong các quy định của pháp luật còn kẽ hở, chế tài xử lý chưa nghiêm nên tín dụng đen vẫn có đất tồn tại. Cụ thể như: Đối với các tổ chức tín dụng, hồ sơ cho vay thường rất nhiều trang nên nạn nhân thường có tâm lý “ký để được vay” mà không biết cụ thể nghĩa vụ (chỉ hoàn thành về thủ tục, nhưng không bảo đảm việc cho người vay thực sự hiểu về quyền và nghĩa vụ). Do đó phần lớn các giao dịch có giá trị tiền vay không nhỏ, nhưng người vay không hiểu về nghĩa vụ nên dễ dẫn đến vi phạm nghĩa vụ của người vay và gây thất thoát.
Khó khăn trong phát hiện, xử lý hành vi hoạt động tín dụng đen
Trong phát hiện, bởi hành vi cho vay tín dụng đen có tính chất “bóc lột” rất khó phát hiện, chỉ khi nó đã xuất hiện những hành vi vi phạm pháp luật hình sự khác như bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, cướp tài sản, hoặc tố giác của công dân thì vụ việc mới được phát hiện.
Đặc biệt hiện nay, các đối tượng cho vay nặng lãi đã chuyển sang sử dụng công nghệ cao, cho vay tiền qua website, vay tiền qua ứng dụng, chúng sử dụng các số thuê báo, tài khoản không chính chủ, rất khó quản lý, nên rất khó phát hiện đã làm cản trở công tác đấu tranh với “tín dụng đen”.
Còn có những hành vi liên quan đến tín dụng đen diễn ra bên trong các hoạt động của các tổ chức tín dụng, ví như hành vi cho vay để đáo nợ khoản vay đến hạn rất nhiều nhưng chưa bị phát hiện vì có sự tham gia của nhân viên tổ chức tín dụng với tín dụng đen; trong đó giá trị giao dịch thường lớn nên khoản thu lợi bất chính rất cao. Nạn nhân không thể tố cáo vì bản thân cũng có lợi khi không bị ngân hàng siết nợ và cũng rất khó để tố cáo vì các đối tượng dùng thủ đoạn tinh vi xảo quyệt như “đặt cọc để mua BĐS đang bị thế chấp”… Hành vi thỏa thuận với bị hại để dùng bất động sản của bị hại thế chấp cho tổ chức vay tiền vì bị hại không thể vay số tiền như mong muốn; khi vay thì đối tượng đã làm hồ sơ để vay số tiền lớn hơn rất nhiều và khi không trả được nợ thì phải bán tài sản của bị hại. Thủ đoạn này rất tinh vi vì khi làm thủ tục vay và thế chấp tài sản bị hại chỉ ký mà không đọc nội dung về số tiền vay.
Khung hình phạt đối với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự còn nhẹ[3], cũng ảnh hưởng đến việc răn đe, ngăn ngừa, giáo dục chung.
Các biện pháp phối hợp ngăn chặn, phát hiện, xử lý
Thứ nhất, xác định quan hệ vay mượn từ hoạt động tín dụng đen đã trở thành một vấn đề rất nóng và được quan tâm đặc biệt bởi trong đó đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an ninh trật tự, là nguyên nhân làm gia tăng nhiều tội phạm như cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích,… những trường hợp không trả nợ được thông thường sẽ là nạn nhân của các vụ án này.
Thứ hai, thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen là một yêu cầu cấp thiết hiện nay của các cấp, các ngành, nhằm lành mạnh hóa thị trường tín dụng, ổn định cuộc sống của người dân, giữ gìn an ninh, trật tự.
Thứ ba, phối hợp thực hiện tốt các nội dung yêu cầu tại Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 29/4/2019 của thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Thứ tư, để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này, cần có các giải pháp trước mắt và lâu dài. Trước hết cần tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về tín dụng đen, bẫy tín dụng đen, nhất là hệ lụy của nó gây ra. Các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý hoạt động của các tổ chức, cá nhân hoạt động tín dụng núp dưới vỏ bọc “công ty, cửa hàng hỗ trợ tài chính” đang mọc ra phổ biến hiện nay. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng nhân dân cần mở rộng các khoản vay tín dụng tiêu dùng, có thêm nhiều các sản phẩm cho vay nhỏ, ngắn hạn. Về lâu dài, cần sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay theo hướng đơn giản về thủ tục, chặt chẽ hơn về trách nhiệm thực hiện quy trình của cán bộ tín dụng; quy định chế tài xử lý về hình sự, hành chính cần nghiêm khắc hơn so với luật hiện hành.
Thứ năm, tăng cường công tác truyền thông, xử lý nghiêm minh các vụ việc do tín dụng đen gây ra, có chính sách hỗ trợ phù hợp cho người lao động được tiếp cận nguồn vốn vay linh hoạt, nhanh chóng với sự kết hợp xét duyệt điều kiện vay giữa chính quyền địa phương và các tổ chức tín dụng, quỹ về chính sách hỗ trợ người lao động, các quỹ từ ngân hàng chính sách xã hội để từng bước xóa bỏ những loại hình cho vay biến tướng kiểu “tín dụng đen”.
Thứ sáu, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan quản lý quản lý nhà nước trong lĩnh vực tín dụng dân sự, đặc biệt là trên không gian mạng, Internet, mạng viễn thông, nhằm phát hiện xử lý loại tội phạm hoạt động “tín dụng đen” như quảng cáo cho vay tiền qua các app, số điện thoại, vay tiền không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, không cần gặp mặt trực tiếp, giải ngân nhanh vào tài khoản ngân hàng…
Thứ bảy, thường xuyên kiểm tra đối với các cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính để phát hiện xử lý các vi phạm không để các hoạt động này bùng phát, lộng hành; chủ động trong công tác nắm tình hình địa bàn, kịp thời phát hiện những băng nhóm tội phạm hoạt động “tín dụng đen” mới nhen nhóm, manh nha hình thành để có đối sách, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ sát hợp để phòng ngừa, triệt phá hoặc làm tan rã băng nhóm.
Thứ tám, Cơ quan tiến hành tố tụng cần phối hợp chặt chẽ, kịp thời đánh giá để có sự thống nhất trong đánh giá, xử lý các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Phối hợp hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và các tội liên quan đến “tín dụng đen”.
Chú thích:
[1] Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 29/4/2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, trong đó yêu cầu các bộ, ban, ngành... tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ để ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”.
[2] Tội phạm cướp, cưỡng đoạt tài sản phát sinh từ quan hệ vay mượn, tín dụng đen – Chuyên đề nghiệp vụ Viện Kiểm sát tối cao/2021.
[3] Phạt tiền từ 50 triệu đến 1 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù từ 1 đến 5 năm.