Thực trạng nạn tín dụng đen trên địa bàn TP Hà Nội và các giải pháp ngăn chặn

05/12/2021 07:30
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong tham luận gửi tới Hội thảo "Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn" tổ chức ngày 2/12, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết, hoạt động “tín dụng đen” đang diễn biến rất phức tạp, có xu hướng chuyển về các vùng nông thôn.

Tạp chí thị trường Tài chính Tiền tệ xin giới thiệu toàn văn bài tham luận của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng

 Quang cảnh Hội thảo "Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn" 

Thực trạng hoạt động tín dụng đen trên địa bàn TP Hà Nội

Trong thời gian qua, trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước xuất hiện tình trạng các cơ sở do cá nhân, doanh nghiệp hoạt động tín dụng đen núp bóng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, kinh doanh, hỗ trợ tài chính có đăng ký kinh doanh hoặc không đăng ký kinh doanh, tổ chức rải tờ rơi, dán quảng cáo tại các điểm công cộng, đăng thông tin trên các trang mạng xã hội, xây dựng APP vay tiền trên điện thoại thông minh... thu hút người dân vay tiền; huy động góp tiền chơi “họ”, “hụi”, “phường” của người dân tại nhiều địa bàn.

Trong quá trình hoạt động này diễn ra, đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn giữa người cho vay và người đi vay, giữa các ổ nhóm cho vay trên cùng một địa bàn, kéo theo đó là tranh giành địa bàn, đòi nợ thuê dẫn đến các hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, Huỷ hoại tài sản, vu khống, làm nhục người khác... thậm chí nhiều vụ giết người đã xảy ra mà nguyên nhân xuất phát từ hoạt động “tín dụng đen” vỡ “hụi, họ” ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

“Tín dụng đen” là việc vay mượn, chuyển giao tiền mặt (vốn), vật tư theo thỏa thuận một cách “lén lút”, không công khai, che dấu hành vi và có tính chất phi pháp. Hay nói cách khác, “tín dụng đen” là đòi nợ (chui), cho vay không đúng; sử dụng nhóm “xã hội đen”  - là nhóm tội phạm có tổ chức - để thu lời bất chính số tiền mà trong giao dịch Luật Dân sự không quy định.

Hoạt động “tín dụng đen” xuất hiện trên tất cả các địa bàn từ quận đến huyện, từ thành thị đến nông thôn, đa dạng về người đi vay, người cho vay và người tham gia vào hoạt động này. Nếu như những năm trước, hoạt động “tín dụng đen” dẫn đến các vụ trọng án, án nghiêm trọng thường xảy ra ở các khu vực các quận nội thành thì trong thời gian vừa qua có xu hướng chuyển dịch về các huyện ngoại thành, nhiều vụ các đối tượng đòi nợ hoặc mâu thuẫn tranh giành địa bàn hoạt động “tín dụng đen” dẫn đến các vụ trọng án diễn biến phức tạp.

Đã xuất hiện tình trạng các đối tượng sinh sống tại Hà Nội móc nối, liên kết với các đối tượng lưu manh các tỉnh và các tỉnh với Hà Nội, khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, xô xát các đối tượng tập trung mang theo hung khí để gây thanh thế và sẵn sàng giải quyết bằng bạo lực khi đàm phán không giải quyết được mâu thuẫn. Điều đó đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô, gây bức xúc trong nhân dân, bất an trong xã hội.

Các cơ sở hoạt động “tín dụng đen” hoạt động công khai dựa trên các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc không phải ngành nghề kinh doanh có điều kiện được nhà nước cho phép hoạt động như các cửa hàng cầm đồ, kinh doanh, tư vấn tài chính, cho thuê xe tự lái... ở các địa điểm này này có đội ngũ nhân viên chuyên trách và không chuyên, phân công vai trò rõ ràng từ đội ngũ kế toán, tìm người vay, xác minh người vay, đòi nợ, thu nợ hàng ngày...

Các dạng cho vay “tín dụng đen” như: bốc họ, rải họ; cho vay có thế chấp (quan hệ dân sự); cho vay ngang hàng, cho vay đáo hạn, cho vay qua app (khi công nghệ thông tin phát triển, các nhóm tội phạm chuyển sang cho vay qua app để tránh bị pháp luật xử lý).

Mới đây nhất còn xuất hiện tình trạng người vay tiền muốn vay được phải thế chấp bằng hình ảnh và video clip khỏa thân, nhạy cảm… Các hình thức cho vay này đều vượt quá trần lãi suất quy định của ngân hàng. Đặc biệt là hình thức “lãi mẹ đẻ lãi con”: Cộng lãi vào gốc, cụ thể là khi người vay không trả được lãi thì chủ nợ sẽ cộng lãi vào gốc rồi tính lãi tiếp trên tổng số tiền đó. Nếu người vay không có khả năng trả nợ sẽ bị nhóm “xã hội đen” săn lùng, đe dọa xử lý bằng mọi hình thức, gây nên những hệ lụy rất lớn, làm hình thành nên những nhóm tội phạm có tổ chức. Lãi suất thường là 2.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày nhưng các đối tượng biết con nợ đa số cần tiền cấp bách nên thường lấy lãi là 5.000 đồng/1triệu đồng/1 ngày (182,5%/01 năm), nhiều trường hợp là 7.000 đồng, đến 10.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày (250 đến hơn 300%/năm) tất cả các khoản lãi suất không được ghi trên giấy tờ mà chỉ thỏa thuận miệng. Các đối tượng che giấu hoạt động tín dụng đen bằng việc yêu cầu người vay viết giấy nhận tiền để xin việc hoặc lập hợp đồng thuê ô tô xe máy…

Hoạt động chơi hụi, họ, biêu, phường... bất hợp pháp vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, nhiều người dân vì nghe lời các đối tượng hứa trả lãi suất cao theo ngày nên đã huy động của người thân, bạn bè số tiền lớn để cho các đối tượng vay. Khi gom được số tiền lớn, các đối tượng bỏ trốn dẫn đến tình trạng vỡ “hụi”, “họ”, làm nhiều người dân rơi vào cảnh vỡ nợ, gây rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.

Hiện nay hoạt động vay tiền qua ứng dụng trên mạng Internet có diễn biến phức tạp. Các công ty cung cấp ứng dụng kết nối giữa người có tiền cho vay và người có nhu cầu vay tiền, lãi suất đúng như quy định của nhà nước nhưng lại biến tướng bằng hình thức thu “phí dịch vụ”, số tiền lãi thực tế thường trên 100% so với quy định của ngân hàng Nhà nước. Mặc dù là ứng dụng trên mạng Internet nhưng việc đòi nợ các đối tượng thực hiện như các giao dịch vay “tín dụng đen” thông thường, sẽ có đội ngũ đòi nợ sử dụng số điện thoại gọi đến người vay tiền hoặc trực tiếp đến nhà, trụ sở công ty, nơi làm việc gây áp lực để đòi nợ.

Hoạt động “tín dụng đen” đang diễn biến rất phức tạp, có xu hướng chuyển về các vùng nông thôn (theo thống kê năm 2021 trên địa bàn nông thôn xảy ra 14 vụ liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, chiếm 18% tổng số vụ án liên quan đến “tín dụng đen” của toàn thành phố trong năm 2021). Các đối tượng thường hướng vào người lao động nghèo, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, có trình độ hiểu biết thấp, đôi khi là những người khó khăn đột xuất để cho vay nặng lãi. Thủ đoạn của các đối tượng là rải tờ rơi cho vay tiền, có in số điện thoại của đối tượng cho vay tràn lan trong các tuyến đường, khu đông dân cư, các trường học, hoặc dán trên các cây xanh, bờ tường, cột điện dưới các hình thức quảng cáo.

Trước tình hình hoạt động phức tạp của hoạt động tín dụng đen thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, Công anh TP Hà Nội đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành kế hoạch số 148, ngày 03/7/2019 để triển khai chỉ thị số 12 của Thủ tướng chính phủ, huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị vào cuộc để đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “Tín dụng đen”. Ngoài ra Công an TP Hà Nội đã chủ động báo cáo Bộ Công an thực hiện quy chế phối hợp số 01 ngày 1/12/2019, giữa Công an TP Hà Nội với 10 tỉnh Trong trao đổi thông tin, phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tội phạm có tổ chức và tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” và thực hiện Chương trình phối hợp số 16 ngày 01/12/2019 giữa Công an TP Hà Nội với NHNN Việt Nam chi nhánh Hà Nội về Về đảm bảo anninh trật tự trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng

Do đó, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” đã có sự chuyển biến tích cực; nhiều ổ nhóm tội phạm đã được phát hiện, bóc gỡ, tội phạm không còn hoạt động ngang nhiên, lộng hành.

Hoạt động kinh doanh tài chính trên địa bàn Thành phố đã dần được kiểm soát, đi vào khuôn khổ, hoạt động vay, cho vay tại các cửa hàng kinh doanh tài chính, cá nhân hoạt động “bốc họ”, “rải họ” đã được các cơ quan chức năng và các đơn vị thường xuyên kiểm tra (định kỳ, đột xuất), không để hình thành những tụ điểm, điểm phức tạp về hoạt động cầm đồ, kinh doanh tài chính; các vụ án, vụ việc đổ chất bẩn, chất thải và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh tài chính đã giảm đáng kể.

Trong 5 năm triển khai thực hiện Kế hoạch và chuyên đề , các đơn vị đã phát hiện 1.390 vụ việc có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, gồm: 389 vụ phạm pháp hình sự, 926 đối tượng có liên quan và 1.001 vụ việc đổ chất bẩn, chất thải xác định có mâu thuẫn bắt nguồn từ hoạt động vay, cho vay tài chính, cầm đồ. Đã tổ chức tổng kiểm tra 7.098 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ đòi nợ, phát hiện xử lý 585 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính tổng số tiền 1.114.700.000 đồng.

Điển hình: Ngày 23/12/2020 Phòng PC02 điều tra khám phá ổ nhóm tội phạm có tổ chức Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự do đối tượng Lương Thị Hà (SN: 1977; nơi cư trú: Ngõ 46A Phạm Ngọc Thạch, Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội) cầm đầu ổ nhóm chuyên hoạt động tổ chức cho vay lãi nặng với lãi suất 3.000 đồng đến 3.500 đồng/triệu/ngày trên địa bàn TP Hà Nội. Hà cùng khoảng 5-6 đối tượng khác câu kết chặt chẽ với nhau để tổ chức hoạt động phạm tội. Khi các con nợ chưa có tiền trả lãi thì Hà lại giới thiệu các con nợ đến vay tiền của Nguyễn Việt Dũng, Nguyễn Quốc Việt, Hoàng Anh Tuấn, Vũ Anh Tiến, Lê Mạnh Hà cùng trong ổ nhóm để trả lãi cho chúng, thực chất đều là tiền của Lương Thị Hà cho vay, cứ như vậy các con nợ mất khả năng trả nợ thì các đối tượng đe dọa, gây sức ép, khủng bố tinh thần buộc các con nợ phải tìm mọi cách để trả nợ.

Giải pháp ngăn chặn hoạt động tín dụng đen

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống đối với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, Công an TP Hà Nội đã và đang tiến hành một số giải pháp như sau:

Một là, thực hiện nghiêm túc chỉ thị số 12/CT-TTg 2019 ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, Kế hoạch số 148 ngày 03/7/2019 của UBND thành phố, Quy chế phối hợp số 01 và chương trình phối hợp số 16 giữa Công an TP Hà Nội với công an 10 tỉnh thành phố và NHNN Việt Nam chi nhánh Hà Nội. Huy động toàn bộ hệ thống chính trị, tổ chức xã hội cùng vào cuộc đấu tranh, lên án, đẩy lùi tội phạm hoạt động “tín dụng đen”.

Hai là, tăng cường chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chuyên đề, kế hoạch công tác về phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đối với các cơ sở, cá nhân kinh doanh dưới hình thức kinh doanh tài chính trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thường xuyên mở các đợt cao điểm đấu tranh trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội, trong đó chú trọng đến tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh tài chính.

Ba là, tham mưu với cấp uỷ, chính quyền các cấp, ban ngành đoàn thể, tổ chức xã hội phối hợp với lực lượng Công an đẩy mạnh công tác tuyên truyền về biểu hiện hoạt động, thủ đoạn của loại hình cầm đồ và kinh doanh tài chính, các biểu hiện của hoạt động “tín dụng đen”, những mối nguy tiềm tàng ảnh hưởng đến mỗi gia đình khi tham gia những hoạt động này, nâng cao nhận thức của người dân  cũng như thấy được hậu quả xảy ra khi tham gia “tín dụng đen”, đặc biệt là vỡ “hụi, họ”. Chủ động phát hiện các hành vi mới, thủ đoạn mới của các đối tượng cho vay tín dụng, kinh doanh tài chính kịp thời đề xuất giải pháp, đối sách sát hợp, hiệu quả với loại hình cầm đồ và kinh doanh tài chính các loại hình kinh doanh này.                   

Khuyến cáo người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, thận trọng khi tham gia các hoạt động cho vay tín dụng trực tuyến, “tín dụng đen”, như: (1) Hạn chế tối đa việc giao dịch, vay tiền từ cá nhân, cơ sở cho vay tín dụng trực tuyến. Khi có nhu cầu vay tiền, người dân có thể liên hệ với ngân hàng, các tổ chức tài chính, công ty được Nhà nước cấp phép hoạt động; (2) không liên lạc, cung cấp thông tin cá nhân, giao dịch vay tiền với các fanpage Facebook, website quảng cáo dịch vụ cho vay tín dụng trực tuyến không có thông tin về đăng ký kinh doanh, địa chỉ rõ ràng; (3) khi thực hiện việc vay tiền từ các cơ sở, cá nhân cho vay tín dụng trực tuyến nêu trên; người dân cần đề cao cảnh giác, chú ý về lãi suất, thời hạn vay, các khoản chi phí phát sinh để tránh trở thành nạn nhân của hoạt động cho vay nặng lãi.

Bốn là, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tiến hành xét xử án điểm các vụ án liên quan đến Tín dụng đen để tuyên truyền và phòng ngừa chung trong toàn xã hội.

Năm là, tiếp tục triển khai công tác rà soát bổ sung thông tin, tài liệu về các ổ nhóm, cá nhân kinh doanh tài chính trên địa bàn quản lý, từ đó đề xuất các biện pháp hiệu quả trong công tác quản lý, phát hiện xử lý vi phạm, nhất là các cá nhân hoạt động rải họ, không có địa điểm cố định, không có giấy phép hoạt động do đối tượng “anh chị” đứng sau chỉ đạo hoạt động. Chủ động trong công tác nắm tình hình địa bàn, kịp thời phát hiện những băng nhóm tội phạm hoạt động “tín dụng đen” mới nhen nhóm, manh nha hình thành để có đối sách, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phù hợp để phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này.

Sáu là, quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, các cửa hàng cầm đồ, cho vay tín dụng nghi vấn liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Đối với các cơ sở và cá nhân hoạt động kinh doanh tài chính không phép, các lực lượng có liên quan (Cảnh sát khu vực, Cảnh sát Quản lý hành chính, Cảnh sát kinh tế…) phối hợp chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện những vi phạm để có biện pháp xử lý kịp thời.

Bảy là, đề xuất, kiến nghị với HĐND, UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành của Thành phố xem xét về việc tạm dừng cấp phép cho các cơ sở kinh doanh cầm đồ, kinh doanh tài chính, hoặc không cấp phép ở những địa bàn tập trung quá nhiều cơ sở kinh doanh cầm đồ, kinh doanh tài chính để góp phần làm giảm phạm pháp hình sự, trọng án xảy ra trên địa bàn Thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực trạng nạn tín dụng đen trên địa bàn TP Hà Nội và các giải pháp ngăn chặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO