Cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị cân nhắc việc bổ sung quy định “Cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột" vào nhóm đối tượng không được đăng ký tham gia đấu giá vì sẽ phát sinh thủ tục hành chính phức tạp cũng như gây tốn kém, lãng phí.
Theo quy định tại điểm b, d khoản 4 Điều 38 Luật Đấu giá tài sản, những người không được tham gia đấu giá gồm:
b) Người làm việc trong tổ chức đấu giá tài sản thực hiện cuộc đấu giá; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá; người trực tiếp giám định, định giá tài sản; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của người trực tiếp giám định, định giá tài sản.
d) Cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của người quy định tại điểm c khoản này.
Và tại điểm b khoản 24 Điều 1 dự thảo cũng quy định:
b) Bổ sung điểm e vào sau điểm đ khoản 4 như sau: “e) Cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; công ty mẹ, công ty con; các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định của doanh nghiệp khi đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản”.
Góp ý trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội, đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng cho rằng, trên thực tế rất khó thực hiện bởi khi tổ chức cuộc đấu giá, tổ chức đấu giá chuyên nghiệp không thể biết hết quan hệ trong gia đình trong số những người tham gia đấu giá là cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh chị em ruột… và không có điều kiện để xác minh các thông tin này.
"Mặt khác, việc sở hữu tài sản chung của vợ chồng đã được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình, cha mẹ với con, anh chị em ruột đều có năng lực hành vi dân sự riêng, độc lập với nhau về tài sản. Do đó, cần cân nhắc việc đưa nội dung này vào dự thảo luật; nếu đưa nội dung này vào dự thảo Luật Đấu giá tài sản cần có cơ chế để thực hiện, đảm bảo tính khả thi trong thực tế, cũng như đảm bảo quyền của cá nhân khi tham gia đấu giá", đại biểu Lã Thanh Tân nói thêm.
Còn theo đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, việc bổ sung nhóm đối tượng không được đăng ký tham gia đấu giá là “cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột" là không nên, vì quy định này không phù hợp cả về mặt pháp lý và thực tế.
Bởi theo đại biểu, nếu quy định không cho cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản là hạn chế quyền sở hữu tài sản của công dân, không phù hợp với hiến pháp và các quy định pháp luật liên quan, không phù hợp đối với trường hợp Nhà nước đấu giá quyền sử dụng đất ở để giao đất cho cá nhân, tổ chức có thu tiền sử dụng đất.
Thực tế, nếu cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột đều có quyền đăng ký tham gia đấu giá nhiều lô đất khác nhau cùng với nhiều khách hàng khác không có quan hệ huyết thống. Quan hệ hôn nhân cũng không ảnh hưởng đến tính khách quan của cuộc đấu giá và không phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thông đồng, dìm giá.
“Đó là chưa kể, nếu quy định cấm như dự thảo nêu nhưng không kiểm soát được, sẽ dẫn đến tình trạng sau khi đấu giá xong mới phát hiện người tham gia đấu giá có quan hệ hôn nhân, huyết thống... thì phải hủy kết quả trúng đấu giá để đấu giá lại. Điều này cũng sẽ tạo ra một hệ lụy rất lớn, gây tốn kém, lãng phí do việc phải tổ chức đấu giá lại; Tổ chức đấu giá tài sản phải đối diện với việc có tranh chấp khiếu kiện phức tạp”, đại biểu Trần Văn Tuấn phân tích.
Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cũng nhận định việc quy định không cho phép người thân trong gia đình cùng tham gia đấu giá nhằm tạo ra tính chặt chẽ, tránh trường hợp “quân xanh, quân đỏ”, tuy nhiên, trên thực tế, nếu đưa ra quy định như vậy sẽ hạn chế quyền công dân; đồng thời gây phức tạp khi thực hiện.
“Do đó, tôi ủng hộ việc cân nhắc lại quy định này. Nếu chưa đủ điều kiện thực tế thì không nên đưa vào Dự thảo Luật Đấu giá lần này”, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị.
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội và cho biết, trên cơ sở đó cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp thu, giải trình, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện báo cáo và dự thảo Luật để bảo đảm chất lượng cao nhất để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.