Các Hiệp hội ngành, nghề

Để “cùng thắng” ở thị trường Trung Quốc, quan trọng là chữ "tín"

Nguyễn Huyền 17/01/2024 - 09:35

Để xuất khẩu gạo thành công ở thị trường Trung Quốc và nhất là có thể đưa gạo Việt đi thẳng vào hệ thống siêu thị Trung Quốc doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý các điểm như đóng gạo trong các túi 5kg; bảo đảm chất lượng gạo ổn định, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng…

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Gạo nếp chiếm 46,0% trong tổng lượng gạo nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2023

Tại hội thảo “Thường niên thị trường Lúa gạo Việt Nam 2024”, do AgroMonitor vừa tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, đại diện AgroMonitor cho biết, chủng loại gạo xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2023 có sự thay đổi lớn so với năm 2022.

Nếu năm 2022 xuất khẩu sang Trung Quốc có 4 chủng loại chiếm tỷ lệ áp đảo gồm: DT8/OM18 chiếm 35,3%, gạo nếp là 21,5%, tấm nếp đạt 21,4% và gạo ST chiếm 19,7%… thì năm 2023 đã có sự thay đổi lớn, gạo nếp tăng mạnh chiếm tỷ lệ tới 46,0%, gạo ST các loại tăng lên 31,4%, tấm nếp đạt 15,6%, DT8/OM18 giảm xuống còn 1,1%.

Ông Yang Ying Hui – Yang Eric, CEO Công ty TNHH Shenzhen Lianyi Miye cho biết, khoảng 5 năm trước, Trung Quốc nhập khẩu chủ yếu gạo OM5451 nhưng từ khi Việt Nam có giống lúa DT8/OM18 người tiêu dùng Trung Quốc rất chuộng loại gạo này và giảm nhập khẩu gạo OM5451. Từ năm 2022 và 2023, Trung Quốc trồng các giống lúa cho chất lượng gạo tương đương DT8/OM18, và năm nay giá nội địa cũng rất rẻ nên hầu như họ không mua gạo này từ Việt Nam.

Hiện nay người tiêu dùng Trung Quốc chủ yếu tiêu thụ các loại gạo ST21, ST24, ST25 và gạo nếp, giá gạo ST tại Trung Quốc hiện khoảng trên 19.000 đồng/kg nhưng mấy ngày trước tại Việt Nam giá gạo ST đã lên đến 25.000 đồng/kg và đang giảm xuống còn 21.000 - 22.000 đồng/kg. Giá gạo tại thị trường nội địa đang rẻ hơn ở Việt Nam nên gạo Việt sẽ khó xuất khẩu sang thị trường này.

Mỗi năm Chính phủ Trung Quốc cấp quota nhập khẩu khoảng 5 triệu tấn gạo, nhưng không phân bổ hạn ngạch cụ thể cho từng thị trường. Các thương nhân sẽ là người quyết định và giá gạo của nước xuất khẩu sẽ là yếu tố để họ quyết định mua của nước nào, số lượng bao nhiêu.

Theo ông Yang Ying Hui, một áp lực nữa ở thị trường Trung Quốc là quota, đến nay quota còn khoảng hơn một triệu tấn gạo mà thương nhân chưa biết mua hàng gì, vì bây giờ mua hàng gì về cũng lỗ, mua gạo Thái Lan, mua gạo Pakistan hay mua gạo Việt Nam đều bị lỗ.

Hiện nay không chỉ giá gạo tẻ mà giá gạo nếp của Việt Nam cũng đang cao hơn gạo nếp ở Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam chào giá 605 USD/tấn và dù đang mùa cao điểm làm bột bánh Tết ở nước này nhưng họ cũng không mua vào, vì giá gạo nếp ở Trung Quốc chỉ 570 – 580 USD/tấn, thấp hơn 35 USD/tấn so với gạo nếp Việt Nam.

“Năm qua, kinh tế Trung Quốc không tốt, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu dẫn đến sức mua giảm và chỉ có thể chấp nhận giá gạo ST ở mức 19.000 đồng/kg (tại Việt Nam đang có giá 24.000 đồng/kg), gạo nếp giá 13.200 đồng/kg, … nên thương nhân Trung Quốc không thể nhập khẩu gạo và nếp Việt Nam về bán được mặc dù Tết Nguyên đán sắp đến thị trường đang có nhu cầu cao dòng gạo ST và gạo nếp”, ông Yang Ying Hui chia sẻ.

Chữ tín rất quan trọng, có tiền cũng không mua được

Theo ông Yang Ying Hui, hình thức kinh doanh bán trước mua sau như ở Việt Nam hiện nay rất khó làm, gần đến Tết tại Trung Quốc lúa gạo cũng nhiều nên nhu cầu tiêu thụ gạo giảm, tiêu thụ gạo nếp cũng đang giảm từ 20 đến 30%.

Năm 2024, Việt Nam có 41 doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, như vậy lượng gạo xuất khẩu có thể tăng, tuy nhiên có 2 yếu tố cần chú ý: Một là bao bì và chất lượng gạo, người tiêu dùng Trung Quốc thích sử dụng gạo đóng trong các túi nhỏ 5kg, chất lượng cao và bảo đảm an toàn thực phẩm.

“Để bán gạo vào thị trường Trung Quốc hay bán thẳng vào hệ thống siêu thị ở Trung Quốc doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý đóng gạo trong các túi nhỏ loại 5kg, bao bì đẹp, bảo đảm an toàn thực phẩm, không dư lượng hóa chất và kim loại nặng”.

Hai là, chữ tín trong kinh doanh. Hiện nay kinh doanh gạo tại Trung Quốc tương đối khó khăn, để có thể “cùng thắng”, rất cần sự hợp tác của thương nhân hai nước. Để có thể làm ăn lâu dài với nhau quan trọng nhất vẫn là uy tín, vì có tiền cũng không mua được uy tín”, ông Yang Ying Hui nhấn mạnh.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2023, xuất khẩu gạo đạt 8,13 triệu tấn gạo, trị giá 4,67 tỷ USD tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về trị giá so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc đạt 918 nghìn tấn, trị giá 530,61 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 7,79% về lượng và tăng 22,73% về kim ngạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để “cùng thắng” ở thị trường Trung Quốc, quan trọng là chữ "tín"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO