Để khoa học công nghệ trở thành động lực mới cho sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững

Nguyễn Nhâm| 20/05/2021 14:37
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, mục Dự báo tình hình thế giới và đất nước những năm sắp tới, Đảng ta nhận định: “Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0), nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc”1.

Theo đó, quan điểm chỉ đạo của Đảng ta là: “Ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc CMCN4.0, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”2. Trên cơ sở phân tích thực tiễn Đại hội đã đưa ra định hướng, mục tiêu và những giải pháp chiến lược rất quan trọng để khai thác nguồn lực và tạo động lực mới cho sự phát triển đất nước.

1. Nhận rõ quan điểm và định hướng phát triển

Trên cơ sở Tổng kết đánh giá thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Đảng ta nhận định: “Phát triển kinh tế số bước đầu được chú trọng”3, và đã “khẩn trương triển khai xây dựng chính quyền điện tử”4. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta cũng còn nhiều hạn chế, khuyết điểm như: “Năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế còn thấp”5; “công nghiệp vẫn chủ yếu gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, tỉ lệ nội địa hoá thấp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu hiệu quả còn hạn chế; tốc độ tăng trưởng nông nghiệp chậm lại; chất lượng nhiều dịch vụ thấp”... Trong đó vẫn còn “nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài công nghệ trung bình, gia công, lắp ráp, thiếu gắn kết, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển”6. Về “đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội”7.

Trong Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021–2030, Đảng ta chỉ rõ: Phải “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ”; “Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc CMCN4.0 vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”8.

Được biết, để chuẩn bị cho Đại hội XIII, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết Số 52-QĐ/TW 27/9/2019, nêu rõ 4 quan điểm và 8 định hướng. Theo đó, (1) Phải chủ động, tích cực tham gia cuộc CMCN4.0; (2) Phải nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội để nâng cao năng suất lao động và năng lực quản lý; (3) Phải đổi mới tư duy về quản lý, xây dựng và hoàn thiện thể chế; (4) Phát huy tối đa các nguồn lực để chủ động tham gia cuộc CMCN4.0 9.

Về mô hình tăng trưởng kinh tế, Văn kiện Đại hội XIII nêu rõ cần phải: “Chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao…; “Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học công nghệ, nhất là cuộc CMCN4.0”10.

Về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cần phải “Nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực của đất nước, tạo cơ sở đẩy mạnh, phát triển kinh tế số”. Và “Cơ cấu lại công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghệ số”11

Về nghiên cứu, ứng dụng, cần “Tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, điều tra tài nguyên, môi trường biển; Xây dựng cơ sở dữ liệu số về biển, đảo, nâng cao năng lực giám sát môi trường biển, dự báo thiên tai, biến đổi khí hậu vùng biển, ven biển; Và  “đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại”.

Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Đảng ta chỉ rõ phải: “Phát triển thị trường hàng hoá, dịch vụ theo các phương thức tổ chức, giao dịch văn minh, hiện đại, thương mại điện tử”; “Phát triển đồng bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm... trên nền tảng công nghệ số với kết cấu hạ tầng, công nghệ và phương thức giao dịch hiện đại. Phát triển mạnh thị trường khoa học và công nghệ”12.

Về đổi mới sáng tạo phải “Tiếp tục quán triệt, thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại”; cần “có chiến lược phát triển khoa học và công nghệ phù hợp với xu thế chung của thế giới và điều kiện đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, thích ứng với cuộc CMCN4.0”13.

Trong mục, Định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021–2025, Đảng ta xác định rõ chỉ tiêu cụ thể là, “kinh tế số đạt khoảng 20% (GDP)”14. Trước đó, trong NQ-52/BCT, về chủ trương chính sách, Đảng ta cũng nêu ra 8 điểm, với 4 nội dung được nhấn mạnh là: về tư duy, nhận thức, lãnh đạo và quản lý; Về xây dựng thể chế và phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu; Về nâng cao năng lực sáng tạo và nguồn nhân lực; Về công nghệ ưu tiên và hội nhập quốc tế.

2. Những giải pháp chiến lược quan trọng

Về hệ thống tổ chức: Văn kiện nêu 4 yêu cầu: Một là, “Rà soát, sắp xếp lại hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ gắn với đổi mới toàn diện chính sách nhân lực khoa học và công nghệ. Tăng cường đầu tư phát triển khoa học và công nghệ theo cơ chế thị trường trên cơ sở huy động hợp lý nguồn lực từ Nhà nước, doanh nghiệp và các cá nhân; Hai là, hỗ trợ, khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; Ba là, chuyển đổi cơ chế đầu tư, quản lý tài chính khoa học và công nghệ theo nguyên tắc đặt hàng, dựa vào kết quả, hiệu quả cuối cùng; Bốn là, các ngành, các cấp có trách nhiệm trong việc thúc đẩy phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào lĩnh vực mình phụ trách.

Về phát triển: Văn kiện nêu rõ: (1) Phát triển một số ngành khoa học và công nghệ mũi nhọn, trực tiếp góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách, phù hợp với điều kiện, nguồn lực của đất nước; (2) Ưu tiên chuyển giao, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh trọng yếu; (3) Phát triển hạ tầng số và bảo đảm an ninh mạng, tạo điều kiện cho người dân và các doanh nghiệp thuận lợi, an toàn tiếp cận nguồn tài nguyên số, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn” (Big Data)15.

Về nghiên cứu và ứng dụng: Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc CMCN4.0, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững”16.

Về đột phá chiến lược: Trong 3 khâu (hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng). Văn kiện nhấn mạnh: “Nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” và “Chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”17.

Trước Đại hội XIII, Đảng và Nhà nước ta cũng đã có những bước đi chủ động, tích cực ra các nghị quyết và chương trình hành động như: Thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử (28/08/2018). Cho đến trước Đại hội XIII, ở cấp độ vĩ mô Đảng và Nhà nước ta đã có những Nghị quyết, chủ trương, chính sách lớn nhằm định hướng và từng bước triển khai để tiếp cận có hiệu quả với cuộc CMCN 4.0 như: Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019, về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0; Nghị quyết Số 50/NĐ-CP, về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 52/BCT; Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020, ban hành Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 đến năm 2030. Ngoài ra còn có các Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về Tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0; Quyết định 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019 Về mô hình kinh tế chia sẻ… và các Nghị quyết chuyên ngành khác...; Cho đến nay, việc ứng dụng công nghệ số hóa đã phát triển bước đầu và trên nhiều lĩnh vực có hiệu quả, kể cả việc phòng chống đại dịch COVID-19.

3. Một vài kiến nghị

(1) Về môi trường pháp lý: Cần sớm xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật, thể chế, chính sách, theo hướng khuyến khích các loại hình hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ số. Để chuẩn bị cho Bộ Chính trị ra Nghị quyết 52-QĐ/TW và Văn kiện Đại hội XIII, ngày 25/6/2019, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học cấp quốc gia về CMCN4.0 và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị về nâng cao năng lực tiếp cận CMCN 4.0 và phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và triển khai thử nghiệm một số chính sách nhằm thúc đẩy phát triển một số ngành công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông...

Tuy nhiên, ngay trong Nghị quyết 52-NQ/TW, Bộ Chính trị đã nhận định: “Thể chế cho các hoạt động kinh tế số, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo chưa được hình thành đồng bộ; chưa có hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai áp dụng các sản phẩm, mô hình kinh doanh dịch vụ mới của CMCN 4.0; chưa xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia cho ứng dụng và phát triển các công nghệ nền tảng của CMCN 4.0 trong sản xuất và đời sống; còn thiếu các quy định về bảo vệ cơ sở dữ liệu, thông tin dữ liệu cá nhân”18.

Được biết, Bộ Tài chính đã “đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành xây dựng tài chính điện tử. Theo đó, ngành sẽ thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, công khai dựa trên dữ liệu mở và hệ sinh thái tài chính số”19. Trong bối cảnh hiện nay nhiều ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đã triển khai thí điểm đồng tiền kỹ thuật số bước đầu có kết quả để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. 

Vì thế, Nhà nước cần sớm khắc phục tình trạng môi trường pháp lý chưa hoàn thiện chưa theo kịp tốc độ ứng dụng công nghệ mới hạn chế sự phát triển của các loại hình kinh tế số, các khu đô thị thông minh, tiền điện tử kỹ thuật số (TĐTKTS)..., tránh tạo nguy cơ rủi ro pháp lý trong phòng chống rửa tiền, xác minh danh tính của các thành viên, bảo mật dữ liệu, tài khoản và giới hạn giao dịch, thương mại điện tử…

(2) Về cơ chế chính sách: Để quán triệt định hướng của Văn kiện Đại hội XIII20, Nhà nước cần xây dựng chính sách ưu đãi đối với các chủ thể hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ, nhất là công nghệ lõi và sản phẩm đặc trưng của cuộc CMCN 4.0. Công nghệ AI hiện là công nghệ cốt lõi của cuộc CMCN 4.0; công nghệ thực tế ảo cũng được xếp trong TOP 10/30 sản phẩm đặc trưng của thời đại CMCN 4.0. Công nghệ AI và thực tế ảo đã được áp dụng trong các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, dịch vụ; nghiên cứu khoa học, giảng dạy; khám bệnh, phẫu thuật; hoạt động quân sự, quốc phòng, an ninh... Khiến xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh doanh dịch vụ mới xuyên quốc gia dựa trên nền tảng công nghệ số và Internet đang tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trong đó, ảo hóa đang phát triển như là một xu hướng tất yếu.

Là một lĩnh vực mới mẻ nên các nhà khoa học, đầu tư, giới kinh doanh trong khi lựa chọn chiến lược, dự báo thị trường, xây dựng kế hoạch, sản phẩm, tìm kiếm giải pháp... vẫn có thể gặp sai lầm, khiến hệ số rủi ro cao. Mặt khác, việc ứng phó với các sự cố trong chuỗi hoạt động trên công nghệ, thuật toán... chẳng hạn như Blockchain trong ngân hàng ảo vẫn có “lỗ hổng công nghệ” dẫn tới khả năng bị lợi dụng để giao dịch trái phép, trộm cắp tiền trong hệ thống... là điều có thể xảy ra, cần chủ động để hóa giải bằng chính công nghệ mới về bảo mật.

Cho đến nay, ngành Tài chính (một trong những ngành đi tiên phong số hóa) đã trải qua nhiều năm xây dựng hệ thống CNTT, việc ứng dụng đã có độ sâu và rộng khắp ở các hoạt động nghiệp vụ tài chính. Áp dụng công nghệ ảo hóa máy chủ; triển khai công nghệ phân tích Big Data; bước đầu ứng dụng công nghệ mạng xã hội, công nghệ di động trong việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến. Bộ Tài chính hiện đã cung cấp 167 dịch vụ công trực truyến ở cấp độ 3 và 274 dịch vụ cấp độ 4. Hệ thống khai thuế điện tử được triển khai toàn diện, 99,96% doanh nghiệp toàn quốc đã sử dụng khai thuế điện tử. Hệ thống hải quan điện tử, thông quan tự động được triển khai tại 100% chi cục với 99,65% doanh nghiệp tham gia. Bộ Tài chính đã tham gia hệ thống 1 cửa điện tử ASEAN với 4 quốc gia là Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan21. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2019-2021 với 7 lĩnh vực trọng tâm, trong đó có việc nghiên cứu chính sách phát triển thị trường, dịch vụ tài chính... theo đó, chính sách cần phải thể hiện sự ưu tiên thỏa đáng cho các pháp nhân và thể nhân nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng các siêu phẩm CMCN 4.0 - công nghệ ảo hóa lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tiền tệ.

(3) Về phát triển nguồn nhân lực: Từ nhận định của Văn kiện Đại hội XIII22 và Nghị quyết 52/BCT cho thấy: “Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển KT-XH, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả; quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, chưa chủ động, nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ số còn thấp; kinh tế số có quy mô còn nhỏ; việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng còn nhiều thách thức phức tạp”23.

Đối với ngành tài chính – ngân hàng (một trong những ngành trọng điểm số hóa), nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong tương lai là rất lớn, nhất là nhân lực có thể làm chủ công nghệ 4.0. Đó là thách thức không nhỏ mà giới chuyên gia ngành tài chính quan tâm. Cơ quan dự báo nhân lực cho biết, đến năm 2020-2025, nhu cầu nhân lực cấp cao ngành tài chính, ngân hàng sẽ tăng khoảng 20%/năm. Chỉ riêng TP Hồ Chí Minh, nhu cầu nhân lực nhóm ngành này cũng chiếm tỉ trọng 5% tổng số chỗ làm việc cần tuyển hàng năm (15.000 lao động) trong đó trình độ đại học, cao đẳng chiếm tỉ lệ 80,4% nhu cầu tuyển dụng. Đây vừa là cơ hội lớn nhưng cũng là thách thức nếu các cơ sở đào tạo không chịu thay đổi phương pháp giảng dạy và “dịch chuyển” tư duy trong kỷ nguyên 4.024.

Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay, các hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ số, chẳng hạn như, ngân hàng ảo vẫn còn chi phí rất lớn do phải đầu tư cho nghiên cứu và phát triển công nghệ. Đồng thời, các công ty công nghệ cũng cần tiêu tốn nhiều thời gian khi bắt đầu triển khai mô hình số để chuẩn hóa các hoạt động, công nghệ và nguồn nhân lực, nên các ưu thế của công nghệ ảo vẫn chưa thể bộc lộ hết. Vì thế, vẫn cần có chính sách ưu tiên thỏa đáng, nhất là việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Vì thế, cần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực CNTT; hình thành trung tâm đổi mới và vườn ươm sáng tạo, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp. Theo đó, cần thay đổi phương thức hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, phát triển cả kỹ năng mềm và tự học suốt đời. Tăng cường đầu tư, hiện đại hóa các cơ sở đào tạo, đáp ứng cao nhất yêu cầu đổi mới công nghệ, gắn kết giữa đào tạo với doanh nghiệp theo cơ chế hợp tác cùng có lợi, đưa nhanh các tiến bộ khoa học vào sản xuất và kinh doanh, khuyến khích tạo lập các quỹ đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 (4) Về an ninh công nghệ: Ngay từ Nghị định số 72/2013/NĐ-CP (15/7/2013) của Chính phủ; Thông tư số 9/2014/BTTTT (19/8/2014); và Bộ luật Hình sự (2015), Điều 288 về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội, những hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng mạng xã hội đã được đề cập. Theo đó, Điều 5, Nghị định 72 quy định cấm lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích chống lại Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định; đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm; giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân25.

Việc quản lý chặt chẽ thông tin trên Internet, mạng xã hội trên cơ sở luật pháp và các điều ước quốc tế đã được nhà nước ta triển khai rất sớm. Tuy nhiên, để hoàn thiện hệ thống pháp luật về sử dụng Internet và mạng xã hội, đảm bảo môi trường pháp lý bình đẳng và minh bạch, tạo ra khung pháp lý nhằm răn đe, xử lý cá nhân, tổ chức đưa tin xấu độc trên Internet và mạng xã hội. Hình thành các cơ quan kiểm soát và chống tin giả trên mạng và hợp tác với các nước có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Cần phải tìm phương thức buộc các trang mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý đối với các bài viết bất hợp pháp, các thông tin đăng tải. Phối hợp với đại diện cấp cao của các mạng xã hội trên thế giới xử lý, gỡ bỏ những thông tin có nội dung xấu độc tồn tại trên các mạng xã hội. Đối với những trang web, mạng xã hội có lượng truy cập lớn hoặc những trang web đặt máy chủ tại Việt Nam phải cung cấp đầu mối liên hệ cho Bộ Thông tin và Truyền thông và thực hiện việc phối hợp ngăn chặn xử lý thông tin xấu độc khi có yêu cầu. Xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dân chủ, đưa tin bịa đặt, sai sự thật nhằm kích động gây bất ổn xã hội theo pháp luật.

Vì thế, Nhà nước sớm ban hành “Bộ quy tắc ứng xử cho mạng xã hội Việt Nam”, kết hợp việc tăng cường thực thi quản lý Nhà nước với những quy định cụ thể và những biện pháp “mềm” mang tính đạo đức, tham khảo Bộ quy tắc ứng xử của EU đối với Facebook, Microsoft, Twitter và YouTube để hướng tới xây dựng môi trường an toàn và công bằng hơn cho người sử dụng. Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục ban hành các quy định mới phù hợp với diễn biến thực tại của mạng xã hội, tiến hành đối thoại, kêu gọi sự hợp tác và trách nhiệm hơn từ các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội. Nghiên cứu, phát triển các mạng xã hội nội địa để cạnh tranh và kiềm chế hoạt động gần như độc quyền của các mạng của nước ngoài. Có các giải pháp lâu dài và bền vững cho cộng đồng sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam. Mặt khác, cần đặc biệt coi trọng ứng dụng công nghệ mới có hiệu quả trong bảo đảm an ninh không gian mạng, tức là quản lý và bảo đảm an ninh bằng khoa học công nghệ.

Về cơ sở hạ tầng viễn thông – CNTT của nước ta hiện đã được xây dựng khá đồng bộ, vùng phủ sóng di động đạt 99,7% dân số trên cả nước. Trong đó, 3G, 4G đã đạt trên 98%; mạng 5G đã hoàn thành thử nghiệm và đưa vào thương mại hóa ở một số khu vực trọng điểm. Kinh tế số Việt Nam cũng đã được xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, cần thực hiện chuẩn hóa hệ thống dữ liệu quốc gia để có thể kết nối và chia sẻ; đồng thời bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

(5) Về quan hệ đối ngoại

Để “Tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ”26 như Văn kiện Đại hội XIII nêu ra, cần tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường hợp tác quốc tế về kết nối số, chia sẻ dữ liệu, nâng cao hiệu quả các hình thức kết nối, hỗ trợ thương mại điện tử, chính phủ điện tử; hình thành mạng lưới giáo dục ASEAN; hợp tác bảo đảm an ninh mạng giữa các nước trong khu vực và thế giới. Thực hiện sáng kiến của Việt Nam về “một ASEAN phẳng”, thành lập Đại học Công nghệ Thông tin-Truyền thông (ICT) và Trung tâm chia sẻ thông tin về an ninh mạng ASEAN.

Trong quan hệ đối ngoại, nhất là việc ký kết và thực thi các FTA thế hệ mới Việt Nam cần quan tâm thỏa đáng đến việc khai thác tiềm năng công nghệ số từ các nước lớn, các nước phát triển như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Israel… Đức là quốc gia đầu tiên trong EU (2011) đã xây dựng Dự án tương lai cho Công nghiệp 4.0, trong Chương trình Chiến lược công nghệ cao tới năm 2020.

EU đã triển khai thử nghiệm trên quy mô lớn với tàu điện, tàu thủy, máy bay không người lái; tự động hóa sản xuất, sửa chữa từ xa; xe tự lái và robot giao hàng. Nghiên cứu và gia công sản phẩm trên máy in 3D. Công nghệ mũi nhọn 5G, EU cũng nằm trong TOP 2 thế giới đứng đầu là Đức, Anh và Pháp. Mạng 5G của EU đã thương mại hóa ở 54 thành phố châu Âu từ năm 2019. Những vấn đề về hoạch định chính sách, xác định ưu tiên, đào tạo nhân lực… Việt Nam cũng có thể tham khảo. Vì thế, giới nghiên cứu cho rằng, các doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam cần chủ động, tích cực để khai thác có hiệu quả thị trường mới và rộng lớn này.

Về công nghệ tài chính, cho đến nay điều quan ngại lớn nhất của ngành tài chính, ngân hàng của Việt Nam và quốc tế là, mất quyền kiểm soát việc phát hành và điều chính tỷ giá nếu sử dụng TĐTKTS thì nay nhờ những tiến bộ công nghệ đã có thể dần hóa giải điều đó. Vì thế, đã có nhiều quốc gia thử nghiệm TĐTKTS của riêng với các cấp độ khác nhau. Pháp được coi là quốc gia dẫn đầu thế giới về thử nghiệm thành công đồng Euro kỹ thuật số. Tiếp sau là Trung Quốc cũng thử nghiệm đồng NDT kỹ thuật số tại Ngân hàng Nông Nghiệp (ABC). Nhật Bản là nước thứ 3 trong TOP đầu các nước thử nghiệm ĐTKTS số với 3 giai đoạn. Trước đó, Nhật Bản đã ra Đạo luật dịch vụ thanh toán năm 2009 (sửa đổi, bổ sung năm 2016). Theo đó, TĐTKTS được hiểu là loại phương tiện thanh toán hợp pháp nhưng không phải là một loại tiền tệ. Mỹ cũng đang “xem xét kỹ lưỡng” về đồng USD điện tử do lo ngại đồng NDT kỹ thuật số của Trung Quốc có thể soán ngôi đồng USD Mỹ.

Qua khảo sát của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cho thấy 80% ngân hàng trung ương các nước đang nghiên cứu thực hiện một số hoạt động liên quan tới tiền kỹ thuật số. Trong đó, 40% ngân hàng đã chuyển sang giai đoạn thử nghiệm. Ngay từ năm ngoái (11/9/2020), hãng Mastercard-công ty đa quốc gia chuyên cung cấp dịch vụ và công nghệ thanh toán vừa cho ra mắt một môi trường thử nghiệm ảo, mang tính độc quyền dành cho các ngân hàng trung ương để đánh giá các tình huống sử dụng tiền kỹ thuật số của mỗi ngân hàng trung ương27. Vì thế, Việt Nam cũng cần sớm triển khai chương trình thí nghiệm để có thể ra VNĐ kỹ thuật số mà không bị bỏ lại phía sau.

Như vậy, trên cơ sở đánh giá thực trạng, dự báo xu hướng phát triển của cuộc CMCN4.0 trong các thập niên tới, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng ta đưa ra quyết sách khơi dậy tinh thần yêu nước…, khát vọng phát triển…, và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị… trong đó, coi CMCN4.0 là động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững, đồng thời với các định hướng, mục tiêu và giải pháp chiến lược đúng đắng, sáng tạo. Vì thế, đây là một trong những nội dung rất quan trọng cần được quán triệt sâu sắc để sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào đời sống thực tiễn, nhất là đẩy nhanh số hóa ngành Tài chính Ngân hàng.

Chú thích:

1 Văn kiện Đại hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII – Tập I, NXB CTQGST, tr106

2 Tài liệu đã dẫn, tr110

3 Tài liệu đã dẫn, tr62

4 Tài liệu đã dẫn, tr73

5 Tài liệu đã dẫn, tr80

6 Tài liệu đã dẫn, tr81

7 Tài liệu đã dẫn, tr82-83

8 Tài liệu đã dẫn, tr115

9 Toàn văn Nghị quyết của Bộ Chính trị về Cách mạng Công nghiệp 4.0, https://vietnamnet.vn

10 Văn kiện Đại hội XIII, tr120-121

11 Tài liệu VKĐH XIII, tr123

12 Tài liệu đã dẫn, tr133

13 Tài liệu đã dẫn, tr140

14 Tài liệu đã dẫn, tr113

15 Tài liệu đã dẫn, tr141-142

16 Tài liệu đã dẫn tr200-201

17 Tài liệu đã dẫn tr 203-204

18 Toàn văn Nghị quyết của Bộ Chính trị về Cách mạng Công nghiệp 4.0, https://vietnamnet.vn

19 Tài liệu Hội thảo khoa học: Báo cáo tổng quan về nghiên cứu khoa học tài chính giai đoạn 2015-2019 và định hướng, của Viện Chiến lược & Chính sách tài chính. 1/11/2019

20 Tài liệu Văn kiện Đại hộ XIII đã dẫn, tr140-141

21 Hồng Vân: Ngành Tài chính: 30 năm dẫn đầu xu hướng ứng dụng công nghệ vào hoạt động. https://haiquanonline.com.vn, 21/2/2019

22 Tài liệu VKĐH XIII đã dẫn, tr82-83

23 Toàn văn Nghị quyết của Bộ Chính trị về Cách mạng Công nghiệp 4.0, https://vietnamnet.vn

24 https://giaoducthoidai.vn: Thiếu hụt nhân lực Tài chính- Ngân hàng có thể làm chủ công nghệ. 7/8/2019

25 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

26 Tài liệu Văn kiện Đâị hội XIII đã dẫn, tr142

27 T Anh - Mastercard ra mắt nền tảng thử nghiệm tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương. http://doanhthuong.vn, 16/9/2020

Tài liệu tham khảo:

1. Văn kiện Đại hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII – Tập I, NXB CTQGST, tr106 và các trang tài liệu đã dẫn như trong bị chú…

2. Toàn văn Nghị quyết của Bộ Chính trị về Cách mạng Công nghiệp 4.0, https://vietnamnet.vn

3. Tài liệu Hội thảo khoa học: Báo cáo tổng quan về nghiên cứu khoa học tài chính giai đoạn 2015-2019 và định hướng, của Viện Chiến lược & Chính sách tài chính. 1/11/2019

4. Tú Anh: Thiếu hụt nhân lực Tài chính - Ngân hàng có thể làm chủ công nghệ. https://giaoducthoidai.vn, 7/8/2019

5. Hồng Vân: Ngành Tài chính: 30 năm dẫn đầu xu hướng ứng dụng công nghệ vào hoạt động. https://haiquanonline.com.vn, 21/2/2019

6. T Anh: Mastercard ra mắt nền tảng thử nghiệm tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương. http://doanhthuong.vn,16/9/2020

7. Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để khoa học công nghệ trở thành động lực mới cho sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO