Để lao động phi chính trở thành lao động chính thức

Tri Nhân| 29/11/2022 14:45
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Năm 2021, 68,5% lao động có việc làm của Việt Nam làm việc trong khu vực phi chính thức (33,6 triệu lao động). 17,8% lao động phi chính thức làm việc ở khu vực chính thức và 15,9 % lao động phi chính thức có trình độ đại học trở lên.  

Nhiều người vẫn phải làm công việc phi chính thức như là một lựa chọn không thể khác để đảm bảo cuộc sống mưu sinh - Nguồn: Internet

Có 6 triệu lao động phi chính thức trong khu vực chính thức

Phần đông người lao động của Việt Nam vẫn còn phải đang chấp nhận làm các công việc dễ tổn thương, không được đóng bảo hiểm xã hội, không có hợp đồng lao động. Đó là việc làm phi chính thức.

Mặc dù tình trạng phi chính thức có tác động khá tiêu cực đến thu nhập, an toàn và sức khỏe của người lao động nhưng đôi khi họ vẫn buộc phải làm công việc phi chính thức như là một lựa chọn không thể khác để đảm bảo cuộc sống mưu sinh trong bối cảnh các điều kiện phúc lợi xã hội còn hạn chế hoặc thu nhập từ công việc chính thức không đảm bảo.

Thống kê thu nhập của lao động chính thức và phi chính thức - Nguồn: Tổng cục Thống kê (GSO)

Theo báo cáo “Tổng quan về lao động có việc làm phi chính thức ở Việt Nam” của Tổng cục Thống kê (GSO) cho biết, năm 2021, Việt Nam có 33,6 triệu lao động có việc làm phi chính thức, tương đương 68,5% tổng số lao động có việc làm.

“Đây là tỷ lệ vẫn cao so với nhiều nước trên thế giới”, bà Ingrid Christensen, Giám đốc ILO Việt Nam nhận định và chia sẻ thêm: "điều quan trọng quyết định được việc giảm nghèo ở Việt Nam là đã đảm bảo được chất lượng của việc làm, đặc biệt là việc làm bền vững".

Khi làm việc làm phi chính thức, người lao động không có sự bảo vệ về mặt pháp lý hoặc bảo vệ xã hội nên dễ tổn thương với các rủi ro kinh tế. Và lao động phi chính thức cho dù làm trong khu vực chính thức cũng không được điều chỉnh bởi các quy định về lao động, thuế, an sinh xã hội hoặc các chế độ việc làm khác.

Báo cáo của GSO cho biết, trong tổng số 33,6 triệu lao động có việc làm phi chính thức, thì hầu hết lao động phi chính thức đang làm việc ở khu vực phi chính thức (chiếm 81,8%). Trong khu vực chính thức có 6 triệu lao động phi chính thức (chiếm 17,8% tổng số lao động phi chính thức cả nước). Chỉ có khoảng 0,4% lao động phi chính thức làm việc ở khu vực hộ gia đình.

Khu vực nông thôn đang chịu nhiều yếu thế hơn so với khu vực thành thị với gần 3/4 lao động phi chính thức của Việt Nam cư trú tại đây. Báo cáo của GSO cho biết, ở khu vực nông thôn, cứ 100 người lao động đang làm việc thì có khoảng 78 người là lao động phi chính thức, trong khi đó, con số này ở khu vực thành thị chỉ là 52 người.

Theo số liệu thống kê, 24,4 triệu lao động phi chính thức làm việc ở khu vực nông thôn, chiếm 72,5% tổng lao động phi chính thức.

Đặc trưng của lao động phi chính thức là có trình độ chuyên môn thấp. 87,3% lao động phi chính thức không được đào tạo chuyên môn. Khoảng 35,3% lao động phi chính thức làm nghề giản đơn.

Nhưng có điểm đáng chú ý trong báo cáo của GSO, đó là: có tới 15,9 % lao động phi chính thức có trình độ đại học trở lên.  

Một phát hiện nữa được báo cáo chỉ ra, đó là có mối liên hệ thuận chiều giữa tỷ lệ lao động phi chính thức với tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông lâm thủy sản và tỷ lệ hộ nghèo của các tỉnh. Những tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao với tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản cao thường sẽ có tỷ lệ lao động phi chính thức cao.

Thu nhập từ công việc chính của lao động phi chính thức trong năm 2021 là 4,4 triệu đồng, chỉ bằng một nửa thu nhập của lao động chính thức (8,2 triệu đồng). Gần một nửa (47,1%) số người lao động phi chính thức có mức thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Tỷ lệ thiếu việc làm theo giờ của lao động phi chính thức cao hơn rất nhiều so với lao động chính thức, GSO cho hay.

Giải bài toán cho lao động phi chính thức

Muốn có một nền kinh tế phát triển và bền vững không thể dựa vào thị trường lao động với tỷ lệ phi chính thức cao, các chuyên gia nhấn mạnh.

Lao động phi chính thức là mối quan tâm đối với các nhà nghiên cứu và những người làm chính sách

“Trong nhiều năm, Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực để phát triển kinh tế, giải bài toán chính thức hóa lao động có việc làm phi chính thức nhằm đảm bảo việc làm tử tế cho người lao động”, ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng GSO phát biểu.

Tuy nhiên, để giảm thiểu được việc làm phi chính thức vẫn là vấn đề đau đầu với các nhà lập chính sách.

Vấn đề đặt ra là phải tạo điều kiện chuyển dịch lao động có việc làm phi chính thức sang lao động có việc làm chính thức, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho bộ phận lao động phi chính thức còn yếu thế và góp phần thực hiện khát vọng trở thành một quốc gia hùng cường với thu nhập trung bình cao.

"Việc tạo điều kiện chuyển dịch từ khu vực phi chính thức sang chính thức không chỉ là thách thức với Việt Nam mà còn là thách thức chung của cả thế giới với 50% lao động việc làm phi chính thức, đây cũng là mối quan tâm chung của khu vực ASEAN", bà Ingrid Christensen cho biết.

Để tỷ lệ chính thức tăng lên, khu vực phi chính thức giảm đi, bà Ingrid Christensen, cho rằng, phải bắt đầu với việc nhận diện được các vấn đề, cần phải hiểu được lao động khi chính thức là gì, thách thức khi chuyển đổi sang khu vực chính thức và xây dựng các công cụ giải quyết thách thức này. 

Còn theo chuyên gia kinh tế TS. Lê Duy Bình, phương pháp tiếp cận đối với việc làm phi chính thức cũng cần được thay đổi.

Thay đổi đầu tiên là bằng cách tập trung vào các biện pháp thu hút lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) hơn là tập trung vào việc họ có hợp đồng lao động.

Đồng thời, cần có các biện pháp và hành động chính sách ưu tiên, để lao động phi chính thức có thể trở thành lao động chính thức trong khu vực phi chính thức.

Trong nhiều khuyến nghị đưa ra, TS. Lê Duy Bình đề cập nhiều đến BHXH. Theo ông cần đẩy mạnh cải thiện, đổi mới hệ thống BHXH. Thay đổi tư duy, đổi mới và cải tiến sản phẩm/dịch vụ BHXH, cung cấp dịch vụ, chế độ BHXH.

GSO cho biết, chỉ có một tỷ lệ nhỏ (2,1%) người lao động phi chính thức cho biết họ có tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. 97,8% lao động phi chính thức không tham gia vào bất kì một loại hình bảo hiểm nào. Với đa phần lao động phi chính thức không tham gia bất cứ một hình thức bảo hiểm xã hội nào điều này sẽ tạo ra những hệ lụy về an sinh xã hội trong tương lai.

Trong ngắn hạn, cần chính thức hóa lao động phi chính thức bằng biện pháp tham gia BHXH và bảo vệ quyền của người lao động mà không cần phải chuyển người lao động vào khu vực kinh tế chính thức hay phải có điều kiện mang tính tiên quyết là phải có quan hệ lao động lao động để được coi là lao động phi chính thức.

Bên cạnh giải pháp này, trong trung và dài hạn, các chính sách và quy định cần được sửa đổi để khuyến khích và tạo điều kiện cho khu vực phi chính thức tuân theo các tiêu chuẩn trong khu vực chính thức và trở thành chính thức.

Đồng thời nâng cao quyền của người lao động, đặc biệt chú trọng hơn nữa tới quyền của người lao động trong khu vực phi chính thức.

Cũng theo TS. Lê Duy Bình, việc mở rộng lao động chính thức, mở rộng BHXH còn đòi hỏi sự vào cuộc của các luật khác như Luật Thuế, Luật Doanh nghiệp và một số luật chuyên ngành khác. Cách thức tiếp cận để mở rộng lao động chính thức do vậy cần theo nguyên tắc có tính hệ thống và cần có sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành cũng như các văn bản pháp luật của nhiều ngành khác. Điều này không chỉ được giải quyết thông qua các luật và quy định chuyên ngành như Bộ luật Lao động hoặc Luật Bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, các luật khác cũng có vai trò trong việc thúc đẩy môi trường kinh tế thuận lợi để thúc đẩy các doanh nghiệp khu vực chính thức (hiện đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động của họ) phát triển và ngày càng có nhiều các doanh nghiệp mới được thành lập, đăng ký kinh doanh hơn. Đồng thời, cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào nâng cấp công nghệ để thúc đẩy chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để lao động phi chính trở thành lao động chính thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO