(thitruongtaichinhtiente.vn) - Lực lượng lao động và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều đóng góp quan trọng cho ngân sách địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, xây dựng quê hương đất nước, đặc biệt là Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Quy mô ngày càng tăng…
Thông tin tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 16-CT/TW ngày 08/5/2012 của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động (NLĐ) và chuyên gia (CG) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (ĐLVONN) ngày 25/8, ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế TW, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết, 10 năm thực hiện Chỉ thị 16-CT/TW quy mô tổ chức, DN làm dịch vụ đưa NLĐ ĐLVONN tăng nhanh qua các năm. Đến năm 2022 có 451 tổ chức, DN, cao hơn hơn 2 lần so với thời điểm ban hành Chỉ thị.
Toàn cảnh hội nghị |
Thị trường tiếp nhận lao động nước ngoài ngày càng mở rộng và phát triển, từ 9 thị trường năm 2013 đến nay đã lên tới 25 thị trường; đưa được hơn 1 triệu lượt NLĐ và CG ĐLVONN, tăng gần 40% so với bình quân giai đoạn trước khi ban hành Chỉ thị, tạo việc làm cho khoảng từ 7-10% lực lượng lao động tăng thêm hàng năm.
Thu nhập NLĐ làm việc ở nước ngoài tương đối ổn định, bình quân 200 triệu đồng người/năm cao hơn nhiều so với làm việc trong nước cùng ngành nghề; bình quân mỗi năm NLĐ và CG gửi về nước khoảng 10 tỷ USD, tăng 5 lần so với giai đoạn trước khi ban hành Chỉ thị, không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo mà còn có tích lũy, đầu tư vào phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm; đóng góp vào nguồn ngoại tệ của đất nước; góp phần xây dựng quê hương, đất nước, đặc biệt là vào Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Cũng theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, hệ thống luật pháp, chính sách về đưa người Việt Nam ĐLVONN được sửa đổi, bổ sung, cơ bản phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế và chủ trương hội nhập quốc tế của nước ta; các chương trình, kế hoạch được ban hành phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể hàng năm và từng giai đoạn góp phần đẩy mạnh công tác đưa NLĐ ĐLVONN.
Công tác đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ, giáo dục pháp luật, phong tục, tập quán của nước tiếp nhận, định hướng cho NLĐ và CG ngày càng được chú trọng; Chất lượng lao động và CG của Việt Nam được nâng cao; công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ và CG ĐLVONN cơ bản được triển khai hiệu quả; Công tác phát triển thị trường lao động ở các nước phát triển được coi trọng, bên cạnh duy trì các thị trường hiện có thị trường tiếp nhận lao động nước ngoài ngày càng mở rộng và phát triển; Công tác quản lý và bảo hộ công dân Việt Nam di cư tự do sang làm ăn, buôn bán tại các nước láng giềng được Chính phủ và các địa phương tích cực triển khai. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ NLĐ dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, quân nhân xuất ngũ, thân nhân người có công với cách mạng, hộ gia đình bị thu hồi đất ĐLVONN được bổ sung, hoàn thiện phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể…
Vẫn bộc lộ những hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Công tác phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 16-CT/TW tại nhiều cấp ủy còn mang tính hình thức, chưa được chú trọng; công tác truyền thông về đưa NLĐĐLVONN có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, chưa rộng rãi, kịp thời đến NLĐ có nhu cầu. Việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật còn chậm; chưa xây dựng được quy hoạch, chiến lược nên hiệu quả công tác đưa NLĐ và CG ĐLVONN còn thấp.
Công tác đánh giá chất lượng đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho NLĐ chưa chặt chẽ, chưa có sự gắn kết giữa hệ thống các cơ sở đào tạo nghề với tạo nguồn ĐLVONN nên chất lượng lao động tuy đã được tăng lên nhưng chưa cao và đồng đều, tỷ lệ lao động có tay nghề còn thấp, số lượng NLĐ. CG ĐLVONN chưa nhiều . Đắc biệt, chưa khai thác, phát huy và sử dụng có hiệu quả kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và nguồn nguồn lực tài chính của NLĐ và CG có được trong quá trình ĐLVONN …
Tại Hội nghị, ông Đào Ngọc Dung- Ủy viên Ban Chấp hành TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo đã nhấn mạnh: Trong điều kiện tình hình trong nước và thế giới có nhiều thay đổi, việc tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Đảng, trong đó đối với những vấn đề liên quan đến lao động ngoài nước cần quán triệt. Đó là “Đổi mới phương pháp tiếp cận trong xây dựng và thực hiện pháp luật, chính sách lao động, việc làm bám sát với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và xu hướng của thời đại; gắn trực tiếp các mục tiêu, chỉ tiêu về lao động, việc làm với mục tiêu phát triển kinh tế… Nâng cao chất lượng của lao động đưa ĐLVONN”.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, tập trung vào các vấn đề: Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đưa NLĐ và CG ĐLVONN; quản lý, bảo hộ công dân di cư tự do sang nước láng giềng làm ăn buôn bán; phát huy vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; giảm thiểu lao động ĐLVONN không theo hợp đồng; chính sách hỗ trợ NLĐ ĐLVONN theo hợp đồng; giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác NLĐ ĐLVONN trong tình hình mới…
“Ban Chỉ đạo thống nhất cao công tác đưa NLĐ và CG Việt Nam ĐLVONN là chủ trương đúng đắn, Chỉ thị 16-CT/TW của Ban Bí thư đã thực sự đem lại kết quả tốt. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận khách quan cái được và cái chưa được trong quá trình thực hiện Chỉ thị 16-CT/TW, trên sơ sở đó rút kinh nghiệm, điều chỉnh trong thời gian tới…”, ông Đào Ngọc Dung lưu ý.
Đồng thời nhấn mạnh, về chủ trương, việc đưa NLĐ đi làm việc tại nước ngoài là xu hướng tất yếu. Từ đó, đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức về công việc này, coi đây là xu hướng tất yếu; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước, đặc biệt chú ý đàm phán với các quốc gia; nâng cao năng lực hiệu quả quản lý nhà nước; chú ý đến cung - cầu lao động, hướng tới gắn kết giữa lao động trong nước, lao động ngoài nước; quan tâm đến việc làm cho lao động ngoài nước về; xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại và bền vững…
Theo ông Đào Ngọc Dung - Ủy viên Ban Chấp hành TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo, xét vai trò và tầm quan trọng, Ban Bí thư TW Đảng đã đưa nội dung Tổng kết Chỉ thị 16-CT/TW 16 vào Chương trình làm việc năm 2022. Sau hội nghị này, Ban Chỉ đạo, trực tiếp là Ban Kinh tế TW và Bộ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục hoàn thiện Đề án, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét ban hành những chủ trương, chính sách về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa NLĐ và CG Việt Nam ĐLVONN phù hợp tình hình mới. |