Vấn đề - Nhận định

Để ra khỏi Danh sách Xám của FATF, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành

Ngô Hải (thực hiện) 08/02/2024 09:30

Trong năm 2023, Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) đã đưa Việt Nam vào Danh sách giám sát tăng cường (Danh sách Xám), đồng thời đưa ra 17 khuyến nghị hành động đối với Việt Nam để giải quyết các thiếu hụt trong cơ chế phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Để sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách này trong kỳ kiểm tra tới, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, cũng như sớm hoàn thiện các chính sách, khuôn khổ pháp lý mới trong đó có quy định về tài sản ảo (VA) và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP).

Phóng viên: Các quốc gia trên thế giới đều đang nỗ lực tìm và đưa ra nhiều giải pháp phòng, chống rửa tiền sử dụng tiền mã hóa, trong đó có Việt Nam. Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) đang đóng vai trò ra sao trong hoạt động phòng, chống rửa tiền, thưa ông?

Ông Phan Đức Trung: Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) là lực lượng quốc tế quan trọng nhất về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. FATF là cơ quan liên chính phủ được thành lập vào tháng 7/1989 tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức tại Paris, với nhiệm vụ thiết lập các tiêu chuẩn, phát triển và thúc đẩy các chính sách quốc gia và quốc tế nhằm chống rửa tiền (AML), chống tài trợ khủng bố (CFT) và chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (CBF). Mặc dù không phải là cơ quan thực thi pháp luật nhưng FATF có ảnh hưởng sâu rộng tới các tổ chức quốc tế như APG - tổ chức chuyên về chống rửa tiền ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thành lập năm 1997. APG hỗ trợ các thành viên khu vực áp dụng và thực thi các tiêu chuẩn của FATF. Việt Nam gia nhập APG vào năm 2007, cam kết thực hiện các chuẩn mực và tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực AML/CFT, đồng thời nâng cao năng lực thông qua hợp tác với các thành viên khác.

phan-duc-trung-blockchain.jpg
Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam

Quá trình đánh giá của APG về mức độ tuân thủ các tiêu chuẩn FATF diễn ra theo chu kỳ, thường là mỗi 2 năm một lần, dựa trên các yêu cầu và thủ tục cụ thể của APG cũng như tình hình chính sách và quản lý rủi ro tài chính toàn cầu. Trong các đánh giá này, APG không chỉ xem xét chính sách và quy định pháp luật hiện hành của các quốc gia thành viên mà còn tập trung vào việc đánh giá hiệu quả thực thi chúng. Mục tiêu chính là xác định mức độ tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và đề xuất các biện pháp cải thiện nếu cần thiết để nâng cao hiệu quả trong công tác chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố trong khu vực.

Phóng viên: FATF có định nghĩa hay tiêu chuẩn thế nào về tài sản số, tài sản ảo, tài sản mã hoá ứng dụng công nghệ Blockchain, thưa ông?

Ông Phan Đức Trung: FATF sử dụng thuật ngữ "tài sản ảo" (Virtual Asset, VA) để chỉ một loại tài sản kỹ thuật số có thể được giao dịch hoặc chuyển giao kỹ thuật số. VA thường được sử dụng cho mục đích thanh toán hoặc đầu tư. Đặc điểm chính của VA là chúng không có hình thái vật lý và thường tồn tại trong một hệ thống dựa trên công nghệ Blockchain hoặc một công nghệ tương tự.

Trong phạm vi của FATF, VA bao gồm nhưng không giới hạn ở tiền mã hoá như Bitcoin và Ethereum, stablecoins (như USDT và USDC) và các loại tài sản kỹ thuật số khác như NFT. Theo định nghĩa của FATF, VA không bao gồm tiền số của ngân hàng trung ương (CBDC). Thuật ngữ VA được sử dụng bởi FATF để giúp thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu cho việc quản lý và giám sát các hoạt động liên quan đến tài sản ảo, nhằm ngăn chặn rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Ngoài ra, chúng ta còn lưu ý thuật ngữ VASP (Virtual Asset Service Provider) là viết tắt của "nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo" được FATF sử dụng để chỉ các tổ chức hoặc cá nhân cung cấp dịch vụ liên quan đến VA, bao gồm: trao đổi VA với tiền tệ pháp định, trao đổi giữa các loại VA, chuyển VA, lưu ký VA,... VASP phải tuân thủ các quy định FATF về AML/CFT.

Phóng viên: Khuyến nghị 15 và 16 của FATF là những khuyến nghị gì? Việc ra khỏi Danh sách giám sát tăng cường (Danh sách Xám) có khả thi không nếu chúng ta không ban hành qui định VA và VASP?

Ông Phan Đức Trung: FATF có 40 Khuyến nghị (Recommendation) để cung cấp một khung toàn diện cho các quốc gia nhằm chống lại rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ cho sự lan rộng của vũ khí hủy diệt hàng loạt AML/CFT/CBF. Các Khuyến nghị này, được thiết lập và cập nhật liên tục, phản ánh sự phát triển của môi trường tài chính và các thách thức mới nảy sinh. Chúng giúp đảm bảo rằng, các quốc gia có các công cụ cần thiết để xác định, ngăn chặn và truy tố các hoạt động tài chính bất hợp pháp, cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc chống lại các hành vi này.

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường VA đang phát triển nhanh chóng và các rủi ro liên quan, vào năm 2018, FATF đã cập nhật các quy định chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố (AML/CFT) cho VA và các nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP). Cùng với việc ban hành hướng dẫn về phương pháp tiếp cận dựa trên rủi ro (RBA) cho VA và VASP, FATF đã mở rộng nghĩa vụ tuân thủ AML/CFT cho VASP vào tháng 10/2021, thông qua Khuyến nghị 15 và 16. Khuyến nghị 15 yêu cầu quản lý và nhận diện VASP, cũng như tuân thủ các biện pháp AML/CFT và hợp tác quốc tế. Khuyến nghị 16, hay Quy tắc trao đổi thông tin trong giao dịch (Travel Rule), được áp dụng từ năm 1996, yêu cầu VASP thu thập thông tin nguồn gốc và người thụ hưởng trong các giao dịch.

Rất tiếc, trong kỳ kiểm tra các tiêu chuẩn APG, có 26 quốc gia đã bị rơi vào Danh sách Xám, trong đó có Việt Nam. Nếu muốn ra khỏi danh sách này thì trong kỳ kiểm tra tới cần sớm ban hành chính sách VA và VASP. Ban hành VA và VASP càng sớm ngày nào, càng tốt cho việc tiến hành triển khai và thực thi. Quá trình kiểm tra sắp tới không chỉ là chính sách mà còn là kết quả của nỗ lực thực thi chính sách AML/CFT.

Phóng viên: Ngày 18/10/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền để triển khai các công việc nhằm đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách Xám của FATF. Việc Việt Nam nằm trong Danh sách Xám có tác động tới kinh tế Việt Nam như thế nào, thưa ông?

Ông Phan Đức Trung: Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), phần lớn các quốc gia khi bị đưa vào Danh sách Xám của FATF, có nguy cơ giảm trung bình 7,6% GDP, dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) giảm trung bình 3% GDP; dòng vốn đầu tư gián tiếp giảm trung bình 2,9% GDP; và dòng vốn đầu tư thông qua các kênh khác giảm trung bình 2,4% GDP.

Việc nằm trong Danh sách Xám của FATF còn mang đến những bất lợi trong đánh giá của quốc tế nói chung, đặc biệt là liên quan đến hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác quốc tế của Việt Nam; làm tăng chi phí và điều kiện đối với các khoản vay, cho vay, tăng chi phí hoạt động đầu tư, thương mại, dẫn đến giảm dòng vốn FDI.

Các tác động kinh tế và tài chính khi bị liệt vào Danh sách Xám có thể kể đến, gồm:

Thứ nhất, hạn chế quan hệ tài chính quốc tế: Ngân hàng và tổ chức tài chính quốc tế có thể yêu cầu tuân thủ các quy định nghiêm ngặt hơn khi làm việc với các thực thể tại quốc gia bị liệt vào Danh sách Xám, gây khó khăn cho quốc gia đó trong việc tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu và thực hiện các hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế.

Thứ hai, tăng chi phí tài chính: Doanh nghiệp và cá nhân tại quốc gia bị liệt vào Danh sách Xám có nguy cơ đối mặt với chi phí tài chính tăng cao do sự phức tạp hóa trong quy trình giao dịch và kiểm soát tài chính, nhằm kiểm soát các giao dịch bất thường.

Thứ ba, mất cơ hội đầu tư: Sự không chắc chắn về môi trường kinh doanh và tài chính có thể khiến các nhà đầu tư quốc tế tránh xa quốc gia bị liệt vào Danh sách Xám, đánh mất cơ hội đầu tư và phát triển kinh tế trong quốc gia đó.

Thứ tư, tác động đến hình ảnh và uy tín: vào Danh sách Xám có thể ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của quốc gia đó trên trường quốc tế, gây mất lòng tin từ phía các đối tác thương mại và đầu tư, đánh mất điều kiện thuận lợi cho hợp tác quốc tế và phát triển kinh tế.

Việc tuân thủ các Khuyến nghị của FATF là một trong những mục tiêu quan trọng và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm thoát khỏi Danh sách Xám và tránh xảy ra các hệ lụy về kinh tế. Về việc này, Chính phủ đã có cam kết gửi Chủ tịch FATF về việc thực hiện kế hoạch hành động do FATF khuyến nghị, với thời gian thực hiện là trong 2 năm.

Đặc biệt lưu ý, các Khuyến nghị của FATF hiện nay về AML/CFT đã bao gồm cả VA và VASP, trong khi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các VASP do cơ chế thị trường mở, không bị đánh thuế và không ràng buộc pháp lý. Từ đó có thể khẳng định, với thời gian chỉ 2 năm, nếu Việt Nam không ban hành khung pháp lý nhanh chóng nhằm quản lý VA và VASP, việc thoát khỏi Danh sách Xám là rất khó khăn.

rua-tien20231018154934.jpg
Việc ra khỏi Danh sách Xám dù khó khăn nhưng chắc chắn làm được

Phóng viên: Ông và Hiệp hội Blockchain (VBA) có nhận định như thế nào về tính khả thi của Việt Nam ra khỏi Danh sách Xám. Để ra khỏi danh sách này, theo ông, các cơ quan quản lý cần làm những gì?

Ông Phan Đức Trung: Việc ra khỏi Danh sách Xám dù khó khăn nhưng chắc chắn làm được nếu có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị.

Đầu tiên, VBA cho rằng, các cơ quan quản lý của Việt Nam cần nhanh chóng nhận diện VA và các VASP. Đây là bước khởi đầu và bắt buộc để có thể áp dụng các Khuyến nghị của FATF trong quản lý thị trường VA.

Nhận diện VA ở đây có thể hiểu là công nhận các VA như tiền mã hoá là một loại tài sản có giá trị, theo Bộ Luật Dân sự đã có từ năm 2015. Từ đó, tiến tới quản lý theo các quy định pháp luật hiện hành, trong khi tiếp tục nghiên cứu và chờ đợi ban hành các quy định mới.

Thứ hai, Việt Nam có thể tham khảo các nước đi trước trong việc quản lý thị trường VA như Mỹ. Nước này xác định VA như tiền mã hoá là “một đại diện kỹ thuật số của giá trị, có chức năng như một phương tiện trao đổi, một đơn vị tài khoản và/hoặc một kho lưu trữ giá trị” và áp đặt thuế thu nhập lãi vốn trên các giao dịch từ năm 2014. Cơ quan Chống tội phạm tài chính (FinCEN) của Mỹ cũng dựa trên Đạo luật Bảo mật Ngân hàng (BSA) để áp dụng Quy tắc trao đổi thông tin trong giao dịch hay Khuyến nghị 16 đối với các giao dịch VA có giá trị trên 3.000 USD.

Một quốc gia cũng nằm trong Danh sách Xám của FATF giống Việt Nam là Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), vào ngày 6/11/2023 đã công bố hướng dẫn chung dành cho các VASP, bao gồm các hình phạt dân sự, thậm chí là hình sự đối với VASP hoạt động không phép. Đây được xem là nỗ lực mới nhất của UAE nhằm ra khỏi Danh sách Xám.

Nhìn chung, việc thả lỏng để các VASP hoạt động công khai như hiện nay là rủi ro lớn đối với thị trường tài chính trong nước. Các đối tượng rửa tiền xuyên biên giới có thể chọn Việt Nam là địa điểm lý tưởng để rửa tiền thông qua các VASP này, đặc biệt là các sàn giao dịch tiền mã hoá. Việc các sàn không có trụ sở chính thức, không có pháp nhân và hoạt động không có bất kỳ ràng buộc pháp lý nào khiến việc yêu cầu hợp tác cung cấp thông tin với họ trở nên rất khó khăn, thậm chí không phản hồi. Trong khi đó, để thẩm định người dùng và xác minh các giao dịch VA bất thường sẽ cần sự hợp tác của chính các VASP.

Do đó, chiếu theo các Khuyến nghị của FATF, vấn đề này được xem là rủi ro cao đối với hoạt động rửa tiền xuyên biên giới, đồng thời cho thấy sự cấp bách trong việc xác định hình thái tài sản ảo, từ đó ban hành những quy tắc ban đầu để quản lý thị trường VA và hoạt động của các VASP.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để ra khỏi Danh sách Xám của FATF, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO