(thitruongtaichinhtiente.vn) - Báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới công bố ngày 27/5/2020 nhận định: Mô hình phát triển dựa vào năng suất – kết hợp đổi mới, sáng tạo với phát triển cân bằng và phân bổ hiệu quả vốn tư nhân và nhà nước, vốn nhân lực và vốn tự nhiên – sẽ là yếu tố then chốt để Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.
Báo cáo với tên gọi "Việt Nam Năng động: Tạo nền tảng cho nền kinh tế thu nhập cao" được công bố đúng vào thời điểm Chính phủ Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Báo cáo đưa ra các khuyến nghị chính sách giúp Việt Nam duy trì tăng trưởng có chất lượng cao thông qua các doanh nghiệp năng động hơn, cơ sở hạ tầng hiệu quả, lao động có tay nghề và hướng tới một nền kinh tế xanh hơn.
“Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển, nhưng hiện nay đất nước đang ở một ngã ba đường khi các động lực tăng trưởng truyền thống đang dần suy yếu,” ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết. “Để đạt mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045, tăng trưởng năng suất phải giữ vị trí then chốt trong mô hình phát triển kinh tế thập kỷ tới. Nói cách khác, Việt Nam cần có quyết sách để không chỉ phát triển nhanh hơn mà còn chất lượng hơn.” Ông Ousmane Dione cho rằng: Trên cơ sở các đánh giá trong Báo cáo Việt Nam 2035, kinh nghiệm phát triển của chính Việt Nam và những bài học từ các quốc gia khác, Việt Nam cần cân bằng giữa tích lũy và phân bổ có hiệu lực và hiệu quả bốn loại vốn, bao gồm vốn tư nhân, vốn nhà nước, vốn con người và vốn tự nhiên. Sự cân bằng này phụ thuộc nhiều vào năng lực đổi mới sáng tạo và năng lực thực thi cải cách thể chế và thị trường của đất nước.
“Cam kết cải cách kinh tế quyết liệt là một nhân tố quan trọng đưa đến những thành tựu phát triển nổi bật của Việt Nam,” bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết. “Australia tự hào đã hỗ trợ báo cáo này – báo cáo cung cấp các khuyến nghị chi tiết về việc làm thế nào để Việt Nam có thể nâng cao năng suất và qua đó cải thiện chất lượng và sự công bằng trong phát triển kinh tế”.
Việt Nam cần tiếp tục điều chỉnh mô hình phát triển
Mặc dù đạt được khá nhiều thành công trong những năm qua khi Việt Nam là quốc gia tăng trưởng nhanh thứ hai thế giới từ năm 2010 (chỉ sau Trung Quốc), tỷ lệ nghèo đói giảm mạnh, việc làm đang chuyển dịch sang các ngành năng suất cao, tuy nhiên với GDP bình quân đầu người là 2.566 USD vào năm 2018, Việt Nam mới chỉ xếp thứ 141 trên thế giới. Mặt khác, với xu hướng gần đây, Việt Nam sẽ cần 11 và 28 năm để bắt kịp Trung Quốc và Hàn Quốc (vào năm 2017).
Một số động lực tăng trưởng chính của Việt Nam hiện đang chậm lại. Lợi thế từ dân số vàng đang giảm đi và thương mại toàn cầu cũng đang suy giảm. Ngoài ra, Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức ngày một gia tăng khác như ô nhiễm và xu thế tự động hóa. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng COVID-19 có thể đẩy nhanh những xu hướng này.
Báo cáo cũng chia sẻ, trong hành trình từ thu nhập trung bình lên thu nhập cao, phần lớn các nền kinh tế đều tìm ra giải pháp để nâng cao hiệu quả hoặc tăng năng suất. Điển hình là Hàn Quốc đã tránh được bẫy thu nhập trung bình bằng cách tăng tỷ lệ đóng góp của năng suất vào tăng trưởng kinh tế từ 16% trong thập niên 1970 lên 43% vào những năm 1980 và 56% vào những năm 2000. Trong bối cảnh tăng trưởng đang có xu hướng chậm lại, nếu không nâng cao hiệu quả, tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ giảm từ 5,4% trong giai đoạn 2010-2018 xuống khoảng 4% trong giai đoạn 2030-2040.
Báo cáo cho rằng để tiếp tục tăng trưởng trong một môi trường có nhiều biến động như vậy, Việt Nam cần tập trung củng cố các tài sản sản xuất, trong đó ưu tiên 4 lĩnh vực:
Doanh nghiệp năng động: Khuyến khích cạnh tranh và tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng gia nhập và rời thị trường để đảm bảo nguồn lực được đưa đến những công ty sáng tạo và hiệu quả nhất. Điều này chỉ có thể xảy ra trong một môi trường kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp được đảm bảo khả năng tiếp cận tài chính, quy định pháp lý minh bạch và được pháp luật bảo vệ.
Cơ sở hạ tầng hiệu quả: Việt Nam đã xây dựng rất nhiều công trình cơ sở hạ tầng. Nhưng hiện nay Chính phủ cần nâng cao hiệu quả và tính bền vững của dịch vụ hạ tầng, đặc biệt trong việc huy động tài chính, vận hành và bảo trì.
Lao động có tay nghề cao và cơ hội cho tất cả mọi người: Việt Nam có thứ hạng cao về giáo dục phổ thông, nhưng một mô hình tăng trưởng dựa vào năng suất cần nâng cao chất lượng giáo dục đại học và các chương trình đào tạo kỹ thuật và dạy nghề. Cần trao nhiều cơ hội hơn nữa cho những người đang đối mặt với các rào cản gia nhập thị trường lao động, trong đó có người dân tộc thiểu số, để thúc đẩy công bằng xã hội và tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dân số già hoá và lực lượng lao động giảm.
Kinh tế xanh: Để phát triển bền vững, cần quản lý hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên tái tạo như đất, rừng và nước; kiểm soát ô nhiễm chặt chẽ hơn, đặc biệt ở các trung tâm đô thị lớn; giảm thiểu và thích ứng với các tác động không thể tránh khỏi của biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng.