Đề xuất khoanh nợ đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Bảo Đăng – Bùi Trang| 17/10/2021 21:00
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ngoài các giải pháp sử dụng chính sách tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp đang thực hiện như hiện nay thì đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định cho phép các ngân hàng được khoanh nợ với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhằm tạo cơ sở cho vay mới, tiếp thêm nguồn lực cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Ngân hàng vào cuộc sớm, đầy trách nhiệm

Trong chương trình đối thoại chuyên gia về vấn đề giải pháp vốn phục hồi doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 do kênh truyền hình VITV tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định, dịch COVID-19 xảy ra chưa từng có trong lịch sử, hệ quả hết sức nặng nề. Ngay từ khi xảy ra dịch bệnh, ngành ngân hàng vào cuộc rất sớm  bằng việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 01 (ngày 20/3/2020)  nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thông qua  việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, không phải chuyển nhóm nợ, miền giảm lãi, phí để doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh và tiếp tục được vay vốn (sau này là Thông tư 03/2021 và Thông tư 14/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020). Đồng thời đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, yêu cầu CIC, NAPAS giảm phí tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD)  giảm lãi suất cho vay, giảm phí cho doanh nghiệp. Kết quả đến nay đã giảm lãi cho vay được trên 30.000 tỷ đồng và giảm phí trên 1.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp. Ngoài ra, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, NHNN đã thực hiện tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội với lãi suất 0% để cho doanh nghiệp vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc và cho vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng cho 3 TCTD  để các TCTD cho vay đối với Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines…

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Cần sự đồng hành của chính sách tài khóa và chính sách khác mạnh mẽ hơn

Như vậy, dưới góc độ chính sách tiền tệ, có thể thấy ngành ngân hàng đã tham gia hỗ trợ các doanh nghiệp bằng cả các biện pháp trực tiếp (thông qua các TCTD) và các biện pháp gián tiếp (cho vay tái cấp vốn, hạ lãi suất điều hành, ban hành quy định về cơ cấu nợ, điều chỉnh thời hạn trả nợ, miễn giảm phí dịch vụ…). Trong khi đó, chính sách tài khóa chúng ta đã áp dụng như hoãn, giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp không có nhiều ý nghĩa trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, ngừng hoạt động, không có thu nhập. Ông Hùng cũng cho biết, thực tiễn tại các quốc gia trên thế giới hiện nay cho thấy, hiếm có quốc gia nào sử dụng chính sách tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp trong COVID-19, mà họ thường sử dụng chính sách tài khóa phối hợp với chính sách tiền tệ môt cách linh hoạt và thực tế. Vì vậy,  cần có sự đồng hành mạnh mẽ hơn từ các gói chính sách tài khóa khác trong thời gian tới.

Theo ông Hùng, khi dịch bệnh được kiểm soát, các doanh nghiệp cần vốn rất lớn nhằm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để bù đắp lại thời gian ngừng hoạt động, đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên hiện các doanh nghiệp lại đang “vướng” các điều kiện để tiếp cận vốn bởi doanh thu sụt giảm, thậm chí thua lỗ, thiếu tài sản bảo đảm nên không đủ điều kiện cho vay mới. Chưa kể trường hợp các khoản nợ điều chỉnh, cơ cấu theo Thông tư 01, 03, 14, bản chất là nợ dưới chuẩn, nếu ngân hàng tiếp tục cho vay mới trên nền tảng của những khoản nợ đã cơ cấu nợ này là rất rủi ro và cần hết sức thận trọng. “Kể cả các TCTD được xem xét cho vay không tài sản bảo đảm đối với dự án có tính khả thi song lại cho vay mới trên nền tảng nợ tiềm ẩn rủi ro là vấn đề rất khó khăn với các TCTD”, ông Hùng khẳng định.

Để giải quyết vấn đề này, ông Hùng cho rằng cần có cơ chế tạo điều kiện để TCTD tiếp cận được với khách hàng trên nền tảng nợ xấu nhưng không hạ chuẩn cho vay.

Thực tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều định số 55/2015/NĐ-CP đã cho phép các TCTD được khoanh nợ với các khoản nợ do thiên tai dịch bệnh và các TCTD được phép cho vay mới đối với hộ sản xuất kinh doanh bị thiên tai dịch bệnh. Trong bối cảnh dịch COVID-19 gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng tại một số tỉnh, thành phố dẫn đến các doanh nghiệp vô cùng khó khăn. Vì vậy, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp... phối hợp với NHNN trình Chính phủ ban hành Nghị định cho phép các TCTD được khoanh nợ từ 1-2 năm. Có như vậy, các TCTD mới mạnh dạn cho vay mới đối với các phương án khả thi.

Về việc giảm lãi suất cho vay đã từng đề cập nhiều lần ở nhiều tọa đàm, hội thảo nhưng theo ông Hùng, nếu giảm lãi suất huy động nữa sẽ khó huy động nguồn vốn ở dân cư và người dân sẽ rút tiền để đầu tư vào lĩnh vực khác. Thực tế cho thấy, tốc độ huy động vốn hiện nay đã thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng. Tình hình kinh tế khó khăn nhưng thị trường chứng khoán vẫn tăng, số lượng người mở mới tài khoản, tham gia vào thị trường này tăng mạnh hay vàng tăng gần 60 triệu đồng mỗi lượng… cho thấy tiền đang có dấu hiện “chảy” vào chứng khoán, vàng. Vì vậy phải cân đối lãi suất “đầu vào, ra” hợp lý trên tổng thể nền kinh tế.

“Đối với việc các TCTD có tiếp tục giảm NIM được nữa không cần phân tích đánh giá một cách khách quan, nếu có thể giảm được nữa thì NHNN và Hiệp hội Ngân hàng sẽ kêu gọi các TCTD tiếp tục giảm lãi suất. Song theo tôi dư địa không còn nhiều trong bối cảnh các TCTD vừa qua đã giảm lãi tới gần 31.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Hùng đặt vấn đề.

Chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Hiệp hội Ngân hàng sẽ tiếp tục kêu gọi TCTD tiết giảm chi phí, thực hiện nghiêm chỉ đạo của NHNN, tạo điều kiện hỗ trợ, chia sẻ với doanh nghiệp, đồng hành với doanh nghiệp. Tuy nhiên, Hiệp hội Ngân hàng cũng có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi hội viên, nhắc nhở hội viên bên cạnh việc tạo điều kiện chia sẻ với doanh nghiệp thì cũng phải rất thận trọng với nợ xấu sẽ phát sinh trong tương lai. Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng tiếp tục đề nghị Chính phủ cho khoanh nợ đối với doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đối với doanh nghiệp có nhu cầu vay mới, ông Hùng cam kết sẽ kêu gọi TCTD xem xét, tạo điều kiện tiếp cận vốn với lãi suất hợp lý và có thể thực hiện dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất khoanh nợ đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO