Doanh nghiệp “chuyển” khó vì dịch Covid-19 sang khách hàng, có nên?

Bài & ảnh: Trịnh Hiếu| 05/04/2020 09:43
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, Bamboo Airways nhiều lần thay đổi chuyến bay rồi tạm dừng hẳn chặng Hà Nội - Quy Nhơn, áp đặt “giam” tiền vé, sau 6 tháng khách không bay thì... mất(!)

Anh Ng.A.T (xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ - tỉnh Thái Nguyên) kể cùng bạn mua vé khứ hồi Hà Nội - Quy Nhơn của Bamboo, khởi hành gần cuối tháng 3 vì giờ bay đẹp, chưa bị điều tiếng về hoãn hủy chuyến, ủng hộ hàng không tư nhân phát triển...

Gần khởi hành, hãng thông báo do dịch Covid-19 nên thay đổi chuyến bay tới 4 lần. Đến ngày 24/3, Bamboo tạm dừng đường bay trên, trong khi trang web của hãng hàng không khác thể hiện vẫn bay hằng ngày.

Bao nhiêu % hành khách đọc quy định hoàn vé trên trang web của Bamboo (chụp màn hình ngày 4/4) sẽ hiểu sau 6 tháng lập tài khoản bảo lưu, không bay là mất trắng tiền?

Tiếp đó, Bamboo gửi thư điện tử yêu cầu hành khách chọn 1 trong 2 phương án “hỗ trợ”: Đổi miễn phí 1 lần sang ngày bay khác khởi hành từ 16/3 – 31/ 5/2020, trừ dịp nghỉ lễ. Hoặc nếu chọn hủy vé, hãng hoàn 100% tiền về tài khoản bảo lưu trên hệ thống để 6 tháng tới khách thanh toán vé mới và các dịch vụ khác. Trang web của Bamboo cũng công bố Chính sách hoàn và đổi vé máy bay trong mùa dịch Covid-19 với 2 phương án tương tự song không hề đả động tới “hạn 6 tháng” (!?)

Sau khi bạn của anh Ng.A.T phản ánh tới báo chí dấu hiệu hàng không “giam tiền - ép khách hàng”, việc nhân viên Bamboo cho biết nếu 6 tháng sau không bay sẽ mất tiền..., trên trang web của hãng xuất hiện chú giải thêm về “tài khoản bảo lưu”. Cụ thể, có hiệu lực 6 tháng kể từ ngày tạo, không được hoàn trực tiếp vào thẻ tín dụng hoặc tài khoản ngân hàng. “Bao nhiêu % hành khách đọc xong sẽ hiểu sau 6 tháng không bay là mất trắng tiền?” anh Ng.A.T thắc mắc.

“Chúng tôi gửi thư hỏi Bamboo tự ý chuyển tiền vào tài khoản bảo lưu có xâm phạm tới quyền tự quyết của hành khách với tiền của mình không? Họ trả lời rất tiếc và “nới” cho chúng tôi miễn phí 1 lần đổi ngày giờ bay/hành trình bay có cùng độ dài chặng, khởi hành từ đầu tháng 4 đến 31/5/2020 trừ dịp lễ”, anh Ng.A.T kể. Tuy nhiên, đến ngày 20/4 hãng mới mở lại đa số các tuyến nội địa, nên thời gian lựa chọn khá ngắn ngủi!

Sau 3 lần phải tới phòng vé (ảnh chụp sáng 31/3) hỏi thông tin và đổi chuyến bay, anh N.A.T và bạn đành chấp nhận “hỗ trợ” do Bamboo áp đặt

Từ ngày 1/4 các hãng hàng không hạn chế tối đa bay nội địa (giá vé tăng gấp 4 lần so với vài tháng trước), khiến số lượng hành khách bị hủy chuyến sẽ gia tăng.

Anh Ng.A.T thắc mắc, báo chí gần đây phản ánh Bamboo Airways nợ đọng ACV hơn 205 tỷ đồng, trong đó quá nửa là phí dịch vụ phục vụ hành khách, soi chiếu an ninh thu hộ ACV. Vậy với những hành khách hủy vé rồi 6 tháng sau không bay với Bamboo, bên nào sẽ hưởng trọn phí thu hộ ACV nằm trong giá vé máy bay, đang cùng bị “giam” tại tài khoản bảo lưu? Vậy phí thu hộ sẽ vào túi ai?

Anh Ng.A.T cũng cho rằng, dịch Covid-19 gây tổn hại cho hầu hết các ngành kinh tế và đời sống xã hội. Chính phủ và các ngành như Ngân hàng, Tài chính... đã tích cực có nhiều giải pháp về giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, giảm các phí dịch vụ thanh toán, giãn nộp thuế… lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng miễn giảm giá 7 loại dịch vụ từ tháng 3 - 8/2020 cho tất cả hãng hàng không. Dẫu biết thời điểm dịch bệnh, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng các khách hàng cá nhân cũng rất khó khăn, phải chăng nên cùng chọn giải pháp ứng xử cho đúng. Việc hãng hàng không Bamboo nắm tiền vé “đằng chuôi”, và xử lý theo hướng chỉ nắm phần lợi về mình, “chuyển” khó sang khách hàng quả là không phù hợp với đạo đức kinh doanh.

Giám đốc một doanh nghiệp lữ hành tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng: trong thời điểm khủng hoảng, khó khăn, doanh nghiệp bộc lộ rõ nhất về tầm cỡ và đạo đức kinh doanh. Doanh nghiệp nào có những chính sách đảm bảo quyền lợi cho khách hàng thì càng khẳng định được thương hiệu, uy tín và ngược lại.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp “chuyển” khó vì dịch Covid-19 sang khách hàng, có nên?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO