Doanh nghiệp

Doanh nghiệp phi ngân hàng có tài sản lớn nhất Việt Nam vượt mốc 1 triệu tỷ đồng

Hoàng Hà 30/06/2024 - 13:12

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của PVN đạt 1,011 triệu tỷ đồng và là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam không phải ngân hàng có quy mô tài sản trên 1 triệu tỷ đồng.

pvn1.jpg
Ảnh minh họa

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán năm 2023 với doanh thu thuần đạt 653.301 tỷ đồng, sau khi loại trừ nội bộ 136.390 tỷ đồng, doanh thu thuần của PVN còn 517.515 tỷ đồng, giảm gần 8% so với năm 2022.

Trong đó, doanh thu đến từ hoạt động thương mại và phân phối là 267.088 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 41% trong tổng doanh thu, kế đến là doanh thu chế biến dầu khí 168.219 tỷ đồng, chiếm gần 26%.

Doanh thu giảm gần 8% trong khi giá vốn chỉ giảm 2% khiến lợi nhuận gộp năm 2023 của PVN đạt 59.220 tỷ đồng, giảm 36% so với năm 2022. Biên lợi nhuận gộp theo đó giảm từ mức 16,62% xuống 11,46%.

Kết quả kinh doanh PVN

Trong kỳ, doanh thu tài chính của PVN đạt 26.902 tỷ đồng, tăng gần 42% so với năm 2022. Trong đó, lãi tiền gửi, tiền cho vay là 13.971 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ; lãi từ đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu là 4.573 tỷ đồng, tăng 316%; lãi từ chênh lệch tỷ giá 2.224 tỷ đồng, tăng 20%; lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 55% lên 853 tỷ đồng; trong khi đó lãi từ tiền dầu từ VSP lại giảm 13% còn 4.739 tỷ đồng,…

Trừ đi các chi phí, PVN lãi trước thuế gần 56.389 tỷ đồng, giảm 26% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 40.278 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ.

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản PVN đạt 1,011 triệu tỷ đồng, tăng 2,4% so với đầu năm. Như vậy, PVN cũng là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam không phải ngân hàng có quy mô tài sản vượt mốc 1 triệu tỷ đồng. Các doanh nghiệp phi ngân hàng khác có tài sản lớn hiện nay như Vingroup (668 nghìn tỷ đồng) và EVN (649 nghìn tỷ đồng) vẫn đang kém PVN rất xa.

Quy mô tài sản của PVN

Đáng chú ý, trong cơ cấu tổng tài sản của PVN, khoản tiền mặt, tiền gửi lên tới gần 347.600 tỷ đồng, là nguồn lực lớn để tập đoàn này tìm kiếm lợi nhuận trong lĩnh vực kinh doanh tài chính. Và như số liệu doanh thu tài chính ở trên, khoản lãi tiền gửi, tiền cho vay cũng như tiền lãi từ đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu của PVN đã tăng mạnh trong năm 2023.

Về phía nguồn vốn, đến cuối năm 2023, nợ phải trả của PVN là hơn 479.000 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chiếm gần 38% so với đầu năm, tương đương 181.335 tỷ đồng; vay và nợ thuê tài chính dài hạn là 81.132 tỷ đồng, tăng 19%. Nợ vay tăng đã khiến cho chi phí lãi vay trong năm 2023 của PVN tăng 38,5% so với cùng kỳ, lên 4.150 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu của PVN đến cuối năm 2023 đạt gần 532.050 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của chủ sở hữu là 281.500 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển là 142.177 tỷ đồng và gần 41.230 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.

Năm 2024, PVN đặt kế hoạch tổng doanh thu toàn tập đoàn đạt 734.200 tỷ đồng, cao hơn 56.500 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2023 (677.700 tỷ đồng), nộp ngân sách nhà nước toàn tập đoàn đạt 94.000 tỷ đồng, cao hơn 15.600 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2023 (78.300 tỷ đồng). Lợi nhuận trước thuế hợp nhất tập đoàn đạt 22.000 tỷ đồng.

Trong quý I/2024, tổng doanh thu của PVN ước đạt 231.000 tỷ đồng, vượt 33% kế hoạch quý, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Nộp ngân sách toàn tập đoàn ước đạt 31.300 tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch quý, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị thực hiện đầu tư toàn tập đoàn đạt 4.930 tỷ đồng, tăng 44,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Năm 2024 cũng là năm đánh dấu một bước chuyển đổi vị trí trong ban lãnh đạo chủ chốt của PVN. Từ ngày 1/1/2024, ông Lê Mạnh Hùng, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp phi ngân hàng có tài sản lớn nhất Việt Nam vượt mốc 1 triệu tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO