Hoạt động ngân hàng

Đồng Tháp: Ngân hàng đẩy mạnh cho vay vốn phát triển kinh tế địa phương

ThS.Trần Trọng Triết 03/01/2024 14:20

Cùng với hiệu ứng đầu tư đầu tư công của Nhà nước, nguồn vốn ngân hàng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương khởi sắc và tăng trưởng trên hầu hết lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp xây dựng, thương mại, dịch vụ du lịch tiếp tục tăng trưởng trong năm 2023.

giao-dich-tai-nhcsxh-tinh-dong-thap.jpg
Ngành Ngân hàng tỉnh Đồng Tháp đẩy mạnh cho vay vốn phát triển kinh tế địa phương. Nguồn: Internet

Nỗ lực tạo dư địa hỗ trợ phục hồi kinh tế

Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Đồng Tháp Vương Trí Phong, trong năm 2023, NHNN chi nhánh tỉnh đã triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, các quy định về hoạt động ngân hàng đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và ngành Ngân hàng về lĩnh vực tiền tệ, tín dụng và ngân hàng đến các TCTD, trọng tâm là các nhiệm vụ, giải pháp của ngành Ngân hàng năm 2023, đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh; cho vay thu mua tạm trữ lúa gạo; triển khai chương trình tín dụng 15.000 tỉ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN; đẩy mạnh triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng…

Kết quả các chủ trương, chính sách, chỉ đạo được triển khai kịp thời đến các TCTD trên địa bàn, đảm bảo hoạt động ngân hàng bám sát những mục tiêu, định hướng của ngành và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Bên cạnh đó, kịp thời ban hành các văn bản chấn chỉnh đối với từng mảng hoạt động của các TCTD để đảm bảo hoạt động ngân hàng diễn ra ổn định, an toàn, thông suốt, hiệu quả.

Về thực hiện lãi suất trong năm, các TCTD trên địa bàn thực hiện đúng quy định về lãi suất huy động (VND, USD), lãi suất cho vay của NHNN, của Hội sở tại từng thời điểm. Năm 2023, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm từ 0,5% - 1,5%/năm tùy từng kì hạn và tùy từng TCTD. Đến thời điểm hiện tại lãi suất cho vay giảm trên 2%/năm. Đến cuối năm 2023, mạng lưới TCTD trên địa bàn tỉnh có 31 chi nhánh ngân hàng cấp tỉnh, 11 chi nhánh ngân hàng cấp huyện, 94 phòng giao dịch trực thuộc các chi nhánh ngân hàng, 17 Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) và 2 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô, tăng 1 chi nhánh ngân hàng cấp tỉnh, 4 phòng giao dịch trực thuộc các chi nhánh ngân hàng so với cuối năm 2022. Toàn tỉnh có 200 máy giao dịch tự động (trong đó có 187 ATM, 3 STM, 8 CDM, 2 Onebank) đã đăng ký hoạt động; số lượng máy POS là 860/860 máy đã kết nối của 18/30 chi nhánh NHTM. Thời gian qua, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã có sự phát triển mạnh về số lượng các TCTD, quy mô và chất lượng hoạt động, đáp ứng tốt nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế địa phương.

Kết quả huy động vốn đến ngày 31/12/2023 đạt 69.014 tỉ đồng, tăng 7.394 tỉ đồng, tăng 12% so với cuối năm 2022. Trong đó, tiền gửi từ dân cư luôn chiếm trên 80% tổng huy động vốn.

bd1.jpg

Có được nguồn vốn huy động cùng với nguồn vốn điều hòa từ hội sở của các TCTD, các chi nhánh NHTM đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp, khách hàng đầu tư sản xuất kinh doanh phục hồi kinh tế địa phương. Trong năm, với nhu cầu vốn cho phục hồi và phát triển kinh tế, cùng với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ khách hàng, quy trình, thủ tục cho vay thuận lợi nên dư nợ cho vay tiếp tục tăng trưởng; dư nợ tăng mạnh chủ yếu trong những tháng cuối năm. Dư nợ cho vay đạt 106.477 tỉ đồng, tăng 12.249 tỉ đồng, tăng 13% so với cuối năm 2022.

bd-2.jpg

Phân tích diễn biến dư nợ cho vay các chương trình tín dụng cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn dư nợ đạt 68.072 tỉ đồng, so với cuối năm 2022 tăng 9.094 tỉ đồng, tăng 15,42%. Trong đó, dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới là 43.266 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 63,56%/tổng dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cho vay giảm tổn thất trong nông nghiệp (Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg) dư nợ còn 3,92 tỉ đồng, tại 1 Agribank Đồng Tháp.

Cho vay nuôi trồng và chế biến thủy sản dư nợ là 13.003 tỉ đồng, so với cuối năm 2022 tăng 1.012 tỉ đồng, tăng 8,44%. Trong đó cho vay thu mua, tiêu thụ (trong nước, xuất khẩu) cá tra 265 tỉ đồng.

Cho vay thu mua lúa, gạo dư nợ là 12.630 tỉ đồng, so với cuối năm 2022 tăng 1.353 tỉ đồng, tăng 12%. Trong đó cho vay thu mua, tiêu thụ lúa gạo (trong nước, xuất khẩu): 10.305 tỉ đồng.

Về cho vay doanh nghiệp dư nợ đạt 30.469 tỉ đồng, tăng 6.130 tỉ đồng, tăng 25,19% so với cuối năm 2022 với 1.215 doanh nghiệp còn dư nợ. Riêng cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa dư nợ là 12.368 tỉ đồng, so với cuối năm 2022 tăng 843 tỉ đồng, tăng 7,31%.

Bên cạnh đó, tín dụng chính sách có dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Đồng Tháp đạt 4.946 tỉ đồng với 181.797 khách hàng còn dư nợ, so với cuối năm 2022 tăng 386 tỉ đồng, tăng 8,46%.

Ngoài ra, 17 QTDND hoạt động trên địa bàn 43 xã, phường, thị trấn đã góp phần hỗ trợ vốn cho 24.091 thành viên phục vụ sản xuất kinh doanh với dư nợ 971 tỉ đồng; 2 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô Quỹ CEP Cao Lãnh và Quỹ CEP Sa Đéc, dư nợ 249 tỉ đồng; các quỹ hoạt động an toàn, hiệu quả, góp phần quan trọng vào đẩy lùi “tín dụng đen” tại địa bàn nông thôn.

Đáng chú ý, các giải pháp cho vay phục hồi sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, NHNN chi nhánh tỉnh tích cực chỉ đạo các chi nhánh NHTM triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP. Hầu hết các chi nhánh NHTM đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn đến khách hàng về nội dung chính sách, tích cực, chủ động tiếp cận đến những khách hàng đủ điều kiện để hướng dẫn các bước hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

Đến nay, dư nợ hỗ trợ lãi suất 1.898 tỉ đồng của 9 doanh nghiệp và 6 cá nhân, so với cuối năm 2022 tăng 1.438 tỉ đồng, tăng 312,61%. Doanh số hỗ trợ lãi suất từ đầu chương trình đạt 7.433 tỉ đồng, số tiền được hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình là 23,08 tỉ đồng cho 22 khách hàng. Hiện các khách hàng còn dư nợ chủ yếu liên quan đến nhóm ngành thủy sản.

Về chính sách cho vay có hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đối với các khoản vay có lãi suất trên 6%/năm NHCSXH tỉnh đã thực hiện hỗ trợ số tiền lãi là 53,023 tỉ đồng cho 74.135 khách hàng với 81.600 món vay; tăng 37,23 tỉ đồng, tỷ lệ tăng 235,78% so với cuối năm 2022.

Kết quả thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN lũy kế đến ngày 31/12/2023 đã có 650 lượt khách hàng được các TCTD trên địa bàn cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN với tổng dư nợ (gốc, lãi) được cơ cấu giữ nguyên nhóm đạt 577,32 tỉ đồng (trong đó nợ gốc 566,92 tỉ đồng, nợ lãi 10,40 tỉ đồng).

Doanh số cho vay lũy kế từ đầu chương trình tín dụng 15.000 tỉ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản đối với một doanh nghiệp ngành cá tra tại Vietcombank Đồng Tháp đạt 45 tỉ đồng. Đến ngày 31/12/2023, dư nợ còn lại 43,66 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi 6%/năm (thấp hơn 2% so với lãi suất cho vay thông thường).

Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 1 dự án nhà ở xã hội được UBND tỉnh công bố trong danh mục dự án nhà ở xã hội, đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, cụ thể: Dự án nhà ở xã hội Mỹ Phú tại phường Mỹ Phú, thành phố Cao Lãnh do Công ty CP Khai thác Xây dựng Vận tải Phương Nam thực hiện. Đến thời điểm hiện tại, BIDV chi nhánh Đồng Tháp đang tiếp cận chủ đầu tư Dự án để nắm bắt nhu cầu vay vốn theo chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội.

Trong năm 2023 sau khi được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương thực hiện Mô hình “Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt”, NHNN chi nhánh tỉnh tổ chức thí điểm và sơ kết công tác phối hợp thực hiện mô hình với UBND TP Cao Lãnh. Đến nay, NHNN chi nhánh tỉnh đã kí kết Kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện TTKDTM với 3/3 thành phố và 3/9 huyện trong toàn tỉnh

Về thực hiện tái cơ cấu hoạt động các TCTD, xử lí nợ xấu, NHNN chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh NHTM/QTDND trên địa bàn thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu, thực hiện đúng quy định công tác thẩm định cho vay; các chi nhánh NHTM/QTDND nợ xấu trên 3% có biện pháp thu hồi, xử lý nợ xấu, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.

Giải pháp thực hiện năm 2024

Với kết quả đạt được năm qua, bước sang năm 2024, NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Tháp đề ra mục tiêu kế hoạch năm 2024 là huy động tiền gửi tăng trưởng 12%, tín dụng tăng trưởng 13%, kiểm soát nợ xấu dưới 3%/tổng dư nợ. Các chỉ tiêu chính thức sẽ có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Để đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm sau:

Một, tiếp tục chỉ đạo các TCTD thực hiện nghiêm quy định lãi suất huy động, lãi suất cho vay theo chỉ đạo của NHNN. Thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định lãi suất, nhất là lãi suất áp dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên theo Thông tư số 39/2016/TT-NHNN và Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.

Hai, tập trung triển khai các giải pháp thu hút nguồn vốn huy động tại chỗ, tranh thủ nguồn vốn điều hòa từ Hội sở chính của các TCTD để đáp ứng nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ba, tiếp tục điều chỉnh lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, chia sẻ khó khăn với khách hàng; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh, đảm bảo an toàn hoạt động; nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm.

Bốn, đẩy mạnh thực hiện gói 15.000 tỉ đồng Chương trình hỗ trợ tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản theo hướng dẫn của NHNN và Hội sở chính của TCTD. Kịp thời nắm bắt thông tin, ghi nhận các khó khăn, vướng mắc liên quan trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, để phối hợp xử lí trong phạm vi thẩm quyền hoặc báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lí.

Năm, đẩy mạnh triển khai và theo dõi, đôn đốc việc triển khai Thông tư số 02/2023/TT-NHNN; Chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Sáu, tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, nâng cao chất lượng công tác thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Bảy, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nắm bắt và giải đáp kịp thời các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

Chín, thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, an toàn kho quỹ; phòng cháy chữa cháy, phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn tài sản cơ quan; đảm bảo an toàn hoạt động ATM, POS, CDM.

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo kết quả hoạt động ngân hàng tỉnh Đồng Tháp năm 2022 và 2023.

2. Khai thác số liệu từ hệ thống báo cáo thống kê tập trung của NHNN.

3. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp năm 2022 và 2023.

4. Niên giám Thống kê của Cục Thống kê năm 2022 và 2023.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Tháp: Ngân hàng đẩy mạnh cho vay vốn phát triển kinh tế địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO