Nhìn ra thế giới

Đồng Yên yếu hiện giờ là chìa khóa cho sự xoay trục của BOJ sau này

Vân Anh 30/06/2023 08:16

Các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có vẻ lạc quan hơn nhiều về sự trượt giá gần đây của đồng Yên so với mức giảm đã khiến phải có sự can thiệp vào năm ngoái - một dấu hiệu cho thấy họ coi sự yếu đi này chỉ là tạm thời.

Mặc dù đồng Yên đang ở mức thấp nhất trong gần 8 tháng qua so với đồng USD và yếu nhất so với đồng Euro trong 15 năm, song dường như các quan chức, người tiêu dùng và các giám đốc công ty Nhật Bản vẫn tỏ ra vững vàng, khác với những lo lắng như hồi năm 2022 khi Nhật Bản đã chi 65 tỷ USD để mua trực tiếp đồng Yên nhằm chặn đà giảm giá của đồng tiền này.

Một yếu tố quan trọng là nhận thức của các ngân hàng trung ương đang ở gần cuối chu kỳ tăng lãi suất toàn cầu chứ không phải là giai đoạn đầu của chu kỳ. Mặc dù vẫn chưa rõ khi nào những tổ chức như Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ dừng tăng lãi suất, nhưng quan điểm đó đã giúp làm giảm bớt lo ngại về sự rơi tự do của đồng Yên.

Ngược lại, sự yếu đi của đồng tiền này trong một thời gian kéo dài có thể tạo nền tảng cho sức mạnh của đồng Yên trong dài hạn nếu điều này giúp Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) thúc đẩy tăng trưởng, đạt được mục tiêu lạm phát và cuối cùng bắt đầu thực hiện một chính sách xoay trục sau một thập kỷ duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng.

Sự thúc đẩy lợi nhuận cho các nhà xuất khẩu từ việc đồng Yên yếu và sự lạc quan mới về nền kinh tế đã giúp thị trường chứng khoán đạt mức cao nhất trong 33 năm.

Atsushi Takeda, Kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Itochu, cho biết: "Áp lực lên đồng Yên sẽ không gia tăng nhiều kể từ đây. FED đang tiến gần đến mức lãi suất cuối cùng của chu kỳ tăng lãi suất, với khả năng có thêm 1 lần, nhiều nhất là 2 lần tăng lãi suất nữa. Đồng Yên không có đà giảm như năm ngoái.”

Sự tương phản rõ rệt giữa Nhật Bản với chính sách lãi suất cực thấp nhằm mục đích kích thích giá cả và việc Mỹ tăng lãi suất mạnh mẽ nhằm hạ nhiệt chúng đã tạo ra bối cảnh chính cho sự suy yếu của đồng Yên kể từ khi FED bắt đầu chiến dịch thắt chặt vào đầu năm ngoái. Thâm hụt thương mại của Nhật Bản ngày càng lớn khi giá cả hàng hóa leo thang.

Những yếu tố đó làm dấy lên những lo ngại về suy thoái kinh tế, sự hỗn loạn trong khu vực ngân hàng và nhận thức rằng Tokyo sẽ hành động để bảo vệ đồng tiền của mình.

Khi can thiệp thị trường vào năm ngoái, đồng Yên đang tiến gần đến ngưỡng 146 Yên/USD trong tháng 9 và 152 Yên/USD trong tháng 10, ở mỗi lần can thiệp đó, đồng đô la đã tăng hơn 2 Yên trong vòng chưa đầy 24 giờ. Trong năm nay, biến động ở mức thấp hơn nhiều.

Kiyoshi Ishigane, Giám đốc quỹ tại Mitsubishi UFJ Kokusai Asset Management, cho biết: "Mặc dù đồng Yên đã yếu đi, nhưng vấn đề ở đây là tốc độ biến động và tốc độ lạm phát. Các nhà chức trách khó có thể hành động vào lúc này."

Tuy nhiên, trong khi đồng Yên ở mức 144 Yên/USD hiện nay có vẻ ít đáng sợ hơn nhiều so với một năm trước, thì việc giảm thêm xuống mức 150 Yên/USD vẫn có khả năng đẩy Nhật Bản ra khỏi vùng an toàn và trên con đường cần hành động mới.

Các mức đó cũng sẽ là một điểm không tốt đối với Thủ tướng Fumio Kishida khi xem xét tổ chức một cuộc bầu cử sớm vào cuối năm nay, vì nó có thể sẽ khơi dậy sự bất mãn của cử tri về chi phí sinh hoạt tăng cao.

Quyết định của Bộ Tài chính Mỹ vào giữa tháng 6 về việc loại Nhật Bản khỏi danh sách giám sát thao túng về tiền tệ dường như đã bật đèn xanh ngầm cho việc Tokyo mua thêm đồng Yên nếu đồng Yên giảm giá mạnh.

Hideo Kumano, nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Dai-Ichi Life, cho biết: "BOJ sẽ chỉ can thiệp nếu đồng Yên sắp vượt qua mức 150 Yên/USD. Mặc dù đã làm điều đó vào năm ngoái, song can thiệp tiền tệ vẫn là lựa chọn cuối cùng. ”

Những người hưởng lợi từ đồng Yên yếu

Các công ty Nhật Bản có sự hiện diện toàn cầu từ lâu đã là những người hưởng lợi nhiều nhất từ ​​đồng Yên rẻ - một yếu tố làm tăng thu nhập ở nước ngoài của họ. Đồng tiền mềm hơn đã bổ sung thêm 1,3 nghìn tỷ Yên (9,1 tỷ USD) vào lợi nhuận hoạt động hàng năm của Toyota và tăng doanh số bán hàng của 5 phân khúc chính tại Sony lên khoảng 1,2 nghìn tỷ Yên.

Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu như Tokyo Gas cảm nhận điều ngược lại. Lợi nhuận hoạt động của công ty đã giảm 9,5 tỷ Yên trong năm tài chính gần đây nhất do đồng Yên yếu hơn.

Sự khác biệt trong năm nay là ngoài các công ty có phạm vi hoạt động toàn cầu được hưởng lợi từ đồng Yên yếu thì nay có thêm sự tham gia của các công ty du lịch trong nước với sự trở lại của khách du lịch nước ngoài sau khi dỡ bỏ các biện pháp phòng, chống đại dịch COVID-19.

Trong quý I năm nay, chi tiêu của du khách nước ngoài tại Nhật Bản bằng khoảng 88% so với năm 2019, trong đó những người chi tiêu nhiều nhất đến từ Hàn Quốc, Đài Loan và Hồng Kông (Trung Quốc). Điều đó đã giúp nâng mức tăng trưởng kinh tế lên 1,1 điểm phần trăm trong quý đầu tiên của năm nay.

Akeda của Itochu cho biết: "Không giống như năm ngoái, đồng Yên hiện đang mang lại lợi ích cho các nền kinh tế khu vực thông qua sự gia tăng lượng khách du lịch nước ngoài. Đây là một trong những lý do chính mà không có chỉ trích nặng nề, giúp cho các nhà chức trách có thêm thời gian để theo dõi tình hình.”

Taro Kimura, chuyên gia kinh tế tại Bloomberg Economics, cho biết: “Các doanh nghiệp và người tiêu dùng hiện nay đã sẵn sàng chấp nhận đồng Yên yếu hơn so với năm ngoái. Sự phục hồi gần đây của chứng khoán Nhật Bản cũng có thể giúp ích cho tâm trạng của họ. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ mang tính chính trị nếu tỷ giá đồng Yên/USD trở lại ngưỡng trên 140 Yên/USD."

Bài toán hóc búa

BOJ đang tiếp tục kích thích toàn diện để đẩy lạm phát lên bền vững trong khi chính phủ đang chi hàng nghìn tỷ Yên để hạn chế tăng giá bằng cách trợ cấp hóa đơn tiền điện và kiểm soát chi phí tại quầy xăng dầu.

Sự can thiệp của chính phủ vào thị trường tiền tệ có vẻ như là một giải pháp ít rõ ràng đối với một đồng Yên yếu thay vì để ngân hàng trung ương rút lại gói kích thích. Nhưng tân Thống đốc BOJ Kazuo Ueda đang tỏ ra ôn hòa hơn nhiều so với dự kiến.

Lạm phát tiếp tục vượt xa kỳ vọng và BOJ có thể sẽ nâng dự báo về giá hàng quý vào tháng Bảy. Một sửa đổi như vậy có thể được sử dụng để biện minh cho một điều chỉnh đối với kiểm soát đường cong lợi suất, một động thái có khả năng cho phép lãi suất dài hạn tăng lên.

Điều đó gần như chắc chắn sẽ giúp đồng Yên tăng giá mà không cần phải sử dụng dự trữ ngoại hối của quốc gia một lần nữa, đồng thời giúp thị trường có thời gian bình tĩnh trở lại trước một cuộc bầu cử sớm có thể diễn ra ngay sau mùa thu. Hầu hết các nhà kinh tế không mong đợi sự thay đổi trong một thời gian tới, mặc dù đó không phải là một quan điểm đồng thuận.

Thống đốc Ueda đã nói rằng lạm phát bền vững mà ông tìm kiếm vẫn chưa xuất hiện và việc nới lỏng sẽ tiếp tục, nhưng ông không loại trừ hoàn toàn một động thái bất ngờ.

"Trong khoảng thời gian giữa các cuộc họp chính sách, nhiều dữ liệu mới xuất hiện. Dựa trên thông tin đó, cuộc họp chính sách mới nhất có thể có kết quả khác với cuộc họp trước đó," Thống đốc Ueda nói sau quyết định hồi tháng 6 của BOJ. "Đôi khi có yếu tố bất ngờ là điều không thể tránh khỏi."

Cái kết của chu kỳ

Ngay cả khi ngân hàng trung ương không có động thái bình thường hóa chính sách của mình, các nhà phân tích vẫn cho rằng đồng Yên sẽ lấy lại sức mạnh khi giai đoạn cuối của chu kỳ thắt chặt toàn cầu diễn ra. Các mức tăng lãi suất dự kiến ​​của các ngân hàng trung ương lớn trong 12 tháng tới thấp hơn nhiều so với mức đã thấy trong quá trình can thiệp hồi năm ngoái.

Koji Fukaya, một thành viên tại Market Risk Advisory cho biết: "Mọi chuyện có thể sẽ rõ ràng hơn vào tháng 9 khi FED sẽ ngừng thắt chặt và có thể có một số dấu hiệu từ ECB. Điều đó có nghĩa là đồng Yên có thể mạnh lên, tiến đến ngưỡng 130 Yên/USD trước thời điểm kết thúc của năm và sau đó là ngưỡng 125 Yên/USD vào năm sau.”

(Nguồn: Theo Japantimes. com)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Yên yếu hiện giờ là chìa khóa cho sự xoay trục của BOJ sau này
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO