Các nhà đầu tư Nhật Bản có thể rút lui khỏi thị trường châu Âu nếu BOJ chấm dứt chính sách tiền tệ siêu lỏng.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cảnh báo thị trường trái phiếu khu vực đồng tiền chung châu Âu có nguy cơ bị bán tháo do sự rút lui đột ngột của các nhà đầu tư Nhật Bản nếu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) chấm dứt chính sách tiền tệ siêu lỏng.
“Nếu BOJ quyết định bình thường hóa chính sách, điều này có thể ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư Nhật Bản, những người có dấu ấn lớn trên thị trường tài chính toàn cầu, bao gồm cả thị trường trái phiếu khu vực đồng Euro,” ECB cho biết trong đánh giá ổn định tài chính phát hành hai năm một lần được công bố ngày cuối cùng của tháng 5/2023.
ECB cho biết nguy cơ “các nhà đầu tư Nhật Bản đột ngột rút khỏi thị trường trái phiếu khu vực đồng Euro” là một trong vô số mối đe dọa có thể xảy ra đối với hệ thống tài chính khu vực đồng Euro, trong khi họ đánh giá khối đồng tiền chung châu Âu hầu hết sẽ có khả năng chống chịu tốt ngay cả sau khủng hoảng ngân hàng gần đây ở Mỹ và Thụy Sĩ.
ECB cho biết, việc thay đổi chính sách ở Nhật Bản sẽ tác động lớn đến các thị trường nợ khu vực đồng euro vì có thể trùng với thời điểm ECB bắt đầu thu hẹp lượng trái phiếu nắm giữ trong năm nay
BOJ gần đây đã báo hiệu bước đầu tiên trong việc thoát khỏi chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo của mình bằng cách từ bỏ định hướng trước đó rằng lãi suất sẽ duy trì ở mức hiện tại hoặc dưới mức hiện tại sau khi lạm phát ở nước này tăng với tốc độ nhanh nhất trong 4 thập kỷ.
Các nhà đầu tư Nhật Bản nắm giữ đáng kể trái phiếu chính phủ khu vực đồng Euro, đặc biệt là nợ của Pháp, cũng như các khoản đầu tư lớn vào trái phiếu Kho bạc Mỹ và trái phiếu Úc.
ECB cho biết việc bình thường hóa chính sách tiền tệ của Nhật Bản có thể dẫn đến “sự thu hẹp nhanh chóng trong chênh lệch tỷ giá và sự biến động tỷ giá hối đoái gia tăng”, điều mà họ cho rằng có thể “làm giảm sức hấp dẫn” của các giao dịch chênh lệch giá – trong đó, các nhà đầu tư vay với lãi suất thấp ở Nhật Bản để đầu tư vào trái phiếu có lãi suất cao hơn ở nước ngoài.
Lãi suất tại Nhật Bản cao hơn có thể khiến các nhà đầu tư chuyển tiền về nước, trong khi “tổn thất do định giá đối với danh mục đầu tư trái phiếu trong nước và lãi suất phi rủi ro cao hơn có thể hạn chế hành vi tìm kiếm rủi ro của các nhà đầu tư, bao gồm cả việc họ sẵn sàng đầu tư ra nước ngoài”.
Ông Luis de Guindos, Phó Chủ tịch ECB cho biết, việc thắt chặt chính sách gần đây của ECB, bao gồm cả việc tăng lãi suất tiền gửi 3,75 điểm phần trăm kể từ mùa hè năm ngoái “có thể bộc lộ những tổn thương trong hệ thống tài chính”.
Ông nói rằng việc theo dõi các mối đe dọa như vậy là “rất quan trọng”, bao gồm việc giá bất động sản thương mại giảm, chi phí vay cao hơn cho chính phủ và ngân hàng, gia tăng các vụ phá sản và thanh khoản thấp hơn trên thị trường tài chính
Ông nói: “Những rủi ro gia tăng này, cùng với sự không chắc chắn ngày càng lớn đối với nền kinh tế, khiến cho các nhà lãnh đạo chính trị càng phải “thực thi đầy đủ vai trò của liên minh ngân hàng” trong khối tiền tệ chung bằng cách đưa ra một kế hoạch bảo đảm tiền gửi chung.
Các ngân hàng trong khu vực đồng Euro đã “chứng tỏ kiên cường” trước sự sụp đổ của một số ngân hàng Mỹ và cuộc khủng hoảng tại Credit Suisse buộc ngân hàng này phải nằm trong tay của đối thủ UBS, đồng thời chỉ ra vị thế “vốn và thanh khoản mạnh” của các ngân hàng trong khu vực .
Tuy nhiên, ECB cũng cảnh báo rằng có những dấu hiệu suy giảm chất lượng tín dụng của các khoản vay trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng khi chi phí vay cao hơn, tăng trưởng yếu và lạm phát cao đã gây ra sự gia tăng rủi ro vỡ nợ. “Do đó, các ngân hàng có thể cần dành nhiều tiền hơn để bù lỗ và quản lý rủi ro tín dụng của họ”.
ECB cho biết, thị trường bất động sản ở khu vực đồng Euro “đang trải qua một đợt điều chỉnh”. Việc giảm giá nhà gần đây là “có trật tự cho đến nay”, song nếu nhu cầu tiếp tục bị ảnh hưởng bởi chi phí vay thế chấp tăng thì điều này có thể trở nên “mất trật tự”. ECB cũng cho rằng, sự suy thoái trên thị trường bất động sản thương mại “có thể kiểm tra khả năng phục hồi của các quỹ đầu tư”.
(Nguồn: FT)