Vấn đề - Nhận định

Dự báo các kênh đầu tư trong năm 2024: Nhiều tín hiệu tích cực

Lê Ngọc (thực hiện) 12/02/2024 13:30

Năm 2023 được đánh giá là một năm bấp bênh của các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản,... Bước sang năm 2024, TS. Nguyễn Trí Hiếu kỳ vọng, nhiều chỉ số tích cực sẽ xuất hiện hơn trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô ổn định.

hieuqqqc.jpg
TS. Nguyễn Trí Hiếu

Phóng viên: Chúng ta vừa trải qua một năm khó khăn về nhiều mặt. Ở góc độ kinh tế, ông đánh giá thế nào về các kênh đầu tư trong năm 2023, thưa ông?.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Có thể nói, năm 2023 là năm không hề bằng phẳng với các nhà đầu tư trên các kênh đầu tư như: chứng khoán (trong đó bao gồm thị trường cổ phiếu và trái phiếu), bất động sản, vàng, tiền gửi ngân hàng và ngoại hối.

Trước tiên là kênh chứng khoán, với chỉ số VN-Index lên xuống bất thường. Khối ngoại là khối tham gia vào thị trường với tư thế bất định, dễ bị tác động thay đổi trước những ảnh hưởng của thế giới. Với trái phiếu, năm 2023 không ghi nhận nhiều đợt phát hành mới, thị trường trái phiếu gần như đóng băng, sau tác động của vụ án Vạn Thịnh Phát.

Nhìn về thị trường bất động sản, sự lạc quan, tích cực không như những năm trước. Bởi ngay từ đầu năm, thị trường bất động sản đã gặp khó khăn về vốn, do dòng tiền từ trái phiếu siết lại, thanh khoản sản phẩm trên thị trường giảm sút mạnh, tín dụng bất động sản cũng không đạt được kỳ vọng. Khó khăn về vốn dẫn đến tình trạng các dự án bất động sản triển khai dang dở. Nhìn chung, bất động sản là một kênh đầu tư không khởi sắc trong năm 2023.

Trong khi các thị trường đầu tư khác bấp bênh thì vàng được người dân lựa chọn là kênh trú ẩn an toàn, dẫn đến vàng tăng giá, “lập đỉnh” liên tục. Vàng miếng lập kỷ lục mới khi chạm mốc 80 triệu đồng/lượng. Nếu chỉ tính trong giai đoạn cuối năm thì đây được xem là kênh đầu tư “tỏa sáng” trong năm 2023. Ngược lại, nếu tính chung cả năm thì nhà đầu tư vàng cũng chỉ lãi hơn 6%, không cao hơn so với lãi suất ngân hàng.

Tổng quan lại, năm 2023, chứng khoán bấp bênh, bất động sản không chắc chắn. Vàng tăng giá mạnh khiến nhiều người không dám xuống tiền. Trong khi đó, ngoại tệ không phải là kênh đầu tư dành cho số đông. Trước bối cảnh các kênh đầu tư khác đều “có vấn đề” thì tiền gửi ngân hàng vẫn được người dân lựa chọn vì tính an toàn dù biên lợi nhuận không cao.

Phóng viên: Vậy, điều gì đã tác động đến diễn biến của các kênh đầu tư trong năm 2023, thưa ông?.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Năm 2023, xung đột Nga và Ukraine leo thang. Kinh tế thế giới khủng hoảng do lạm phát ở Mỹ và các quốc gia phương Tây tăng cao. Điều đó dẫn đến tình trạng các ngân hàng trung ương buộc phải tăng lãi suất. Đó là những yếu tố bên ngoài tác động rất lớn tới nền kinh tế Việt Nam. Các kênh đầu tư từ đó mà cũng bị ảnh hưởng.

Trong nước, Chính phủ đã thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng và thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, lãi suất huy động giảm mạnh, thúc đẩy mặt bằng lãi suất cho vay thấp hơn, giảm chi phí huy động vốn và giảm bớt gánh nặng trả nợ của doanh nghiệp. Điều đó, phần nào đã giảm những tác động tiêu cực đến các kênh đầu tư. Tuy nhiên, như vậy vẫn là chưa đủ lực đẩy để các kênh đầu tư điển hình như chứng khoán, bất động sản có chuyển biến mới.

Do vậy, thời gian tới, Chính phủ cần phải bổ sung các chính sách khác, bởi chỉ mình chính sách tiền tệ là chưa đủ. Sự đồng điệu chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá đóng vai trò rất quan trọng. Chính phủ nên đẩy mạnh chính sách tài khoá như thúc đẩy đầu tư công và thuế để tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp.

Phóng viên: Liệu thị trường năm 2024 có tích cực hơn cho các nhà đầu tư không, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Chúng ta mong vào sự ổn định nhưng diễn biến của các kênh đầu tư phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình hình kinh tế thế giới. Đó là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Sự kỳ vọng vào chính sách kinh tế ổn định của Mỹ trong thời gian tới sẽ tạo ra tín hiệu tích cực cho kinh tế thế giới.

Ở trong nước, các chính sách của Chính phủ cũng được kỳ vọng sẽ phát huy tác dụng. Nếu câu trả lời là "chưa" thì Chính phủ cần tiếp tục có sự điều chỉnh phù hợp. Các điều kiện tốt từ kinh tế - chính trị thế giới đến nền kinh tế Việt Nam sẽ góp phần tạo ra sự ổn định và triển vọng tích cực cho các kênh đầu tư.

Phóng viên: Ông dự báo như thế nào về chuyển động của các kênh đầu tư trong năm 2024?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Nửa đầu năm 2024, thị trường bất động sản sẽ còn tiếp tục trì trệ. Các vấn đề về pháp lý cần được tháo gỡ mạnh mẽ hơn để đưa thị trường bất động sản vào quỹ đạo phát triển lành mạnh. Bên cạnh đó, các ngân hàng sẽ cần tiếp tục hỗ trợ tích cực hơn để khai thông dòng vốn. Thị trường bất động sản có thể hồi phục từ nửa sau năm 2024. Về trái phiếu, Nghị định 65 kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả, đặc biệt trong điều kiện về xếp hạng tín nhiệm. Điều này sẽ có tác động lớn cho các đợt phát hành trái phiếu trong năm 2024.

Trong khi đó, kênh đầu tư vàng có thể sẽ vẫn được nhà đầu tư quan tâm. Khi nền kinh tế ổn định, các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán hồi phục, giá vàng có xu hướng giảm hoặc đi ngang. Ngược lại, nếu chỉ số kinh tế còn nhiều khó khăn, các kênh đầu tư khác trì trệ, giá vàng sẽ có thể gia tăng do tâm lý của người dân hướng tới tích trữ, dự phòng bằng vàng.

Thị trường ngoại hối có thể sẽ ổn định hơn trong năm 2024 khi các chính sách tiền tệ của Mỹ đi vào ổn định. Mỹ có thể sẽ dừng tăng và hạ lãi suất, thay vào đó giữ vững. Điều này tạo điều kiện cho tỷ giá đồng tiền VND giữ được sự ổn định.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự báo các kênh đầu tư trong năm 2024: Nhiều tín hiệu tích cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO