Kết nối

Dự báo xu hướng CPI 2 tháng cuối năm

Minh Hoàng 07/11/2024 06:55

Dự báo về xu hướng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), đại diện của Cục Quản lý giá đã chỉ ra những yếu tố tác động đến CPI trong 2 tháng cuối năm 2024.

cpi3.png
Giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng trên thị trường thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, có thể biến động theo xu hướng tăng.

Theo đó, đại diện của Cục Quản lý giá nhận định, việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do Nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, chi phí sẽ tác động làm tăng CPI.

Phân tích cụ thể những yếu tố này, đại diện Cục Quản lý giá cho biết, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc điều chỉnh học phí năm học 2023-2024 và năm học 2024-2025 theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và Nghị định số 97/2023/NĐ-CP sẽ tác động làm cho CPI năm 2024 tăng khoảng 0,19-0,25%. Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, việc tăng trần học phí giáo dục nghề nghiệp sẽ tác động làm tăng CPI năm 2024 khoảng 0,1%.

Bộ Y tế cũng dự kiến điều chỉnh giá khám, chữa bệnh theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng thực hiện vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11/2024 theo tiến độ ban hành Quyết định giá khám, chữa bệnh cho một số cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế và các Bộ khác; trên cơ sở đó HĐND cấp tỉnh quy định giá cụ thể dịch vụ khám, chữa bệnh tại địa phương… cũng sẽ làm tăng CPI.

Cùng với đó, trong 2 tháng cuối năm 2024, mức biến động của chỉ số giá điện sinh hoạt sẽ vừa chịu tác động từ việc điều chỉnh giá bán điện vào ngày 11/10/2024, vừa phụ thuộc vào lượng tiêu thụ điện có thể làm tăng giá điện tính trên tổng doanh thu và sản lượng tiêu thụ.

Đồng thời, giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng trên thị trường thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, có thể biến động theo xu hướng tăng (nhất là vào giai đoạn cuối năm, mùa lạnh, nhu cầu khí đốt tăng) ảnh hưởng tới giá mặt hàng xăng dầu, khí đốt và các mặt hàng khác tại thị trường trong nước.

Ngoài ra, thiệt hại do mưa lũ tại các địa phương bị ảnh hưởng làm tăng nhu cầu vật liệu xây dựng cho sửa chữa, xây mới nhà cửa bị bão lũ làm hư hại khiến cho giá vật liệu xây dựng tăng. Rủi ro về thiên tai và thời tiết bất lợi, đồng thời, theo quy luật, vào các tháng cuối năm và dịp Lễ, Tết, giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình thường tăng, những điều này cũng sẽ tác động làm tăng CPI chung.

Tuy nhiên, đại diện Cục Quản lý giá cũng nhận định có một số yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá như lạm phát toàn cầu hạ nhiệt giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát, đồng thời giúp cải thiện yếu tố tâm lý, kỳ vọng, hỗ trợ kiểm soát lạm phát.

Cụ thể, Việt Nam có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, có thể linh hoạt điều chuyển nguồn hàng giữa các vùng miền để bù đắp lượng hàng bị thiếu hụt cục bộ như trong đợt bão lũ vừa qua tại các tỉnh miền Bắc. Giá gạo xuất khẩu dự báo có xu hướng giảm trong thời gian tới do Ấn Độ quay lại thị trường xuất khẩu gạo. Trong những tháng tới, do nguồn cung cấp rau xanh dồi dào, thời tiết tốt nên rau cũng màu mỡ hơn, chi phí vận chuyển giảm nên dự báo giá rau sẽ có xu hướng giảm.

Căn cứ theo Nghị định số 97/2023/NĐ-CP, học phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên được tiếp tục giữ ổn định như mức thu trước đây, do đó trong năm 2024 cơ bản không tác động tới CPI chung. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dùng ngân sách địa phương miễn giảm học phí các cấp năm học 2024-2025. Một số chính sách hỗ trợ về thuế tiếp tục được thực hiện như hỗ trợ giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế VAT góp phần giảm chi phí hình thành giá hàng hóa và dịch vụ.

“Chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Chính phủ trong những năm qua sẽ giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, từ đó giúp ổn định lạm phát kỳ vọng”, đại diện Cục Quản lý giá khẳng định.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự báo xu hướng CPI 2 tháng cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO