Theo các chuyên gia, doanh nghiệp, cần đánh giá thật kỹ lưỡng tác động của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt để có chính sách đảm bảo hài hòa các lợi ích nhất của doanh nghiệp cũng như sự phát triển kinh tế và người tiêu dùng. Việc làm này tránh hiện tượng “khó chồng khó”, nhanh quá có thể gây sốc, gây tác dụng ngược như lách luật, chuyển sang dùng thứ khác có tác hại nhiều hơn.
Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Dự kiến, các văn bản sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tại Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt TTĐB (sửa đổi) lần này, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 10% với nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam, gồm nước giải khát có ga, chứa chè, cà phê, nước trái cây; nước uống tăng lực, điện giải, nước uống thể thao...
Tại Tờ trình dự án Luật, Bộ Tài chính nêu rõ việc bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB để thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của các tổ chức y tế về thực tế bệnh tật liên quan đến nước giải khát có đường tại Việt Nam.
Về mức thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia, trong dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) quy định thuế suất theo tỷ lệ phần trăm tăng theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 để đạt mục tiêu tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của WHO.
Theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp, cần phải tính toán mức thuế, thời điểm, lộ trình tăng thuế phù hợp để có chính sách đảm bảo hài hòa các lợi ích nhất của doanh nghiệp cũng như sự phát triển kinh tế và người tiêu dùng.
Là đối tượng doanh nghiệp chịu tác động của Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), bà Trần Ngọc Ánh, Giám đốc Quan hệ Đối ngoại cấp cao của Công ty Heineken Việt Nam cho biết, thời gian qua, các yếu tố chi phí đầu vào đã tăng đáng kể, đặc biệt là chi phí logistics do các mâu thuẫn về địa chính trị trên toàn cầu. Ước tính vào năm 2026, với phương án 2 khi tăng thuế suất thêm 15% quy định hiện hành, giá sản phẩm tăng 20%. Công ty Heineken có sự sụt giảm sản lượng 26% dẫn đến giảm 37% số thuế đóng góp cho Nhà nước trong năm 2023 so với năm 2022. Như vậy, tăng thuế TTĐB sẽ không đạt được mục tiêu tăng thu ngân sách.
Bà Trần Ngọc Ánh cho rằng, tác dụng ảnh hưởng của đồ uống có cồn là do độ cồn trong sản phẩm. Vì vậy, có thể dùng thuế TTĐB như công cụ điều tiết, khuyến khích đổi mới sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm có nồng độ cồn thấp hơn, để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Thiết thực nhất là có quy định cụ thể về mức thuế suất thuế TTĐB đối với các loại đồ uống có nồng độ cồn khác nhau.
Dẫn chứng từ các quốc gia khác, Giám đốc Quan hệ Đối ngoại cấp cao của Công ty Heineken Việt Nam khẳng định, ở các quốc gia khác, thuế rượu lúc nào cũng cao hơn thuế bia bởi mức độ tác hại lớn hơn. Điều này cũng thống nhất với các quy định hiện hành trong Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Luật Quảng cáo thì bia đã được chia thành 3 nhóm có nồng độ cồn lần lượt là dưới 5,5 độ, từ 5,5 độ đến dưới 15 độ và trên 15 độ.
Phân tích những khó khăn của ngành đồ uống hiện tại, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng việc áp thuế suất thuế TTĐB cao có thể tăng thu ngân sách Nhà nước trong ngắn hạn, nhưng trong trung - dài hạn sẽ làm giảm sức cầu tiêu dùng, giảm doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp. Qua đó giảm thu thuế VAT và thuế Thu nhập doanh nghiệp, dẫn đến tổng hòa về việc tăng hay giảm thu thuế là chưa rõ.
Khẳng định vai trò trong đóng góp vào tăng trưởng GDP và tạo công ăn việc làm cho người lao động của ngành đồ uống, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho rằng, trong điều kiện doanh nghiệp còn khó khăn, các cơ quan cần được xem xét cẩn trọng, đánh giá thật kỹ lưỡng toàn diện trong điều kiện ở Việt Nam, tham vấn các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học để có chính sách đảm bảo hài hòa các lợi ích nhất của doanh nghiệp cũng như sự phát triển kinh tế và người tiêu dùng.
Từ những thực tế đó, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long đã đề xuất xem xét lùi lộ trình tăng thuế TTĐB. Theo đó, cơ quan quản lý bắt đầu tăng từ năm 2027. Tăng 5% cách nhau 2 năm và dừng lại 80%, để tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp trong ngành phục hồi, ổn định và dần phát triển trở lại. Bên cạnh đó là rà soát lại công tác thực thi pháp luật về quản lý rượu bia phi chính thức. Ngoài thuế, cần kết hợp đồng bộ các giải pháp để thực hiện mục tiêu điều chỉnh tăng thuế TTĐB đối với rượu bia.
Bà Trần Ngọc Ánh thì kiến nghị, mức thuế 65% áp dụng đối với sản phẩm bia có nồng độ cồn từ 5,5% trở xuống và tăng dần theo các mức nồng độ cồn khác.
TS. Cấn Văn Lực thì nêu quan điểm rằng, cơ quan soạn thảo dự án Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) cho rằng, cần tính toán mức thuế, thời điểm và lộ trình tăng thuế phù hợp, khả thi. Việc làm này tránh hiện tượng “khó chồng khó”, nhanh quá có thể gây sốc, gây tác dụng ngược như lách luật, chuyển sang dùng thứ khác có tác hại nhiều hơn… Việc áp thuế suất nên theo nồng độ cồn, hàm lượng đường, tránh cào bằng. Phương pháp tính thuế nên xem xét cả phương pháp tính thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp thay vì chỉ tính thuế tương đối.
TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng, một mặt, các cơ quan cần tính toán đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp như bảo vệ các sản phẩm chính ngạch, chống buôn lậu, trốn thuế, hàng nhái - hàng giả; nâng cao nhận thức, ý thức của cả người dân và doanh nghiệp; tăng cường năng lực của cơ quan quản lý thuế, chính quyền địa phương… Mặt khác, cần tăng chi ngân sách cho công tác tuyên truyền, giáo dục, nhất là đối với thế hệ trẻ về lối sống lành mạnh, dinh dưỡng cân bằng, thể dục thể thao...