Các Hiệp hội ngành, nghề

Giá cao, gạo Việt Nam khó vào thị trường Trung Quốc

Nguyễn Huyền 16/12/2023 10:11

Trước đây, muốn có quota nhập khẩu gạo từ Việt Nam, thương nhân Trung Quốc phải nộp tiền, nhưng bây giờ không cần đóng tiền vẫn được cấp quota song vẫn không có người nhận, nếu có nhận cũng không dám nhập khẩu vì không bán ra được.

gao-xk.jpg
Xuất khẩu gạo - ảnh có tính chất minh họa

Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước trong tháng 11/2023 đạt 600.481 tấn, trị giá 400,345 triệu USD, so với tháng trước giảm 5% về khối lượng và giảm 1,6% về trị giá.

Lũy kế 11 tháng của năm 2023, xuất khẩu gạo đạt 7,638 triệu tấn với kim ngạch 4,33 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 14,5% về lượng và tăng 34,1% về kim ngạch.

Đáng chú ý, suốt thời gian dài, Trung Quốc luôn giữ vững vị trí là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của gạo Việt Nam. Tuy nhiên, trong tháng 11/2023 xuất khẩu gạo sang thị trường này giảm đến 76,85% về lượng và giảm 72,89% về kim ngạch.

Lũy kế 11 tháng năm 2023, xuất khẩu gạo đạt 895.625 tấn, trị giá 517,627 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 10,85% về khối lượng và tăng 26,71% về kim ngạch nhờ giá gạo xuất khẩu tăng cao.

Trong khi đó, 11 tháng của năm 2023, Việt Nam xuất khẩu gạo sang thị trường Indonesia được hơn 1,123 triệu tấn, trị giá hơn 614,67 triệu USD, tăng 16,32 lần về lượng và tăng 18,07 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Nhờ khối lượng gạo nhập khẩu của Indonesia tăng khủng đã giúp thị trường này lần đầu tiên vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam, nhưng vẫn đứng sau thị trường Philippines.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, trong năm 2023, các thị trường như Philippines, Trung Quốc và châu Phi vẫn là những thị trường xuất khẩu trọng điểm của gạo Việt Nam, còn đột biến thì có thị trường Indonesia và Malaysia do mức độ mở cửa của chính phủ các nước này. Dù đang là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam nhưng Indonesia không phải là thị trường có tính chất ổn định như thị trường Philippines, Trung Quốc và châu Phi.

Năm nay, do giá gạo Việt Nam cao nhất trong các nước xuất khẩu gạo nên Trung Quốc nhập khẩu gạo từ Campuchia tương đối nhiều. Mặt khác, dự trữ chiến lược của Trung Quốc khá tốt, tồn kho dự trữ của nước này còn nhiều, khi giá gạo trên thị trường nội địa của họ tăng cao, chính phủ đưa hàng tồn kho ra bình ổn thị trường, giữ giá gạo xuất khẩu không tăng lên được. Song, việc này cũng khiến cho kho dự trữ của họ bị giảm, nhưng nếu giảm sâu quá và khi giá gạo xuất khẩu phù hợp, Trung Quốc sẽ tăng mua để bổ sung.

Do Chính phủ Trung Quốc làm rất tốt công tác an ninh lương thực nên khi giá cả biến động thì gạo Việt Nam không thể đẩy giá lên cao tại thị trường Trung Quốc được, và những sản phẩm mang tính đặc thù tại thị trường Trung Quốc cũng rất khó hy vọng giá sẽ tăng lên cao.

“Giá gạo tại thị trường nội địa Trung Quốc đang rẻ hơn ở Việt Nam nên gạo Việt Nam khó xuất khẩu sang thị trường này. Trước đây, muốn có quota nhập khẩu gạo từ Việt Nam thương nhân Trung Quốc phải nộp tiền nhưng bây giờ không cần đóng tiền vẫn được cấp quota song vẫn không có người nhận, nếu có nhận cũng không dám nhập khẩu vì không bán ra được”, ông Nam nói.

Kỳ vọng năm 2024, Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu gạo nếp

Đối với mặt hàng gạo nếp, ông Nam chia sẻ, đầu năm 2023 dự kiến xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 1 triệu tấn, nhưng về sau do thương nhân Trung Quốc chào giá nếp thấp nên tình hình xuất khẩu nếp trong các tháng cuối năm bị giảm so với đầu năm. Kỳ vọng năm 2024, có thể thị trường này sẽ tăng nhập khẩu gạo nếp lên cao hơn 2023.

“Đầu năm, Trung Quốc nhập khẩu nếp của Việt Nam tương đối tốt, đạt khoảng 800.000 tấn, thời gian sau do giá nếp ở Trung Quốc xuống thấp quá nên khả năng xuất khẩu một triệu tấn nếp khó đạt nhưng khoảng 900.000 tấn thì có khả năng đạt được”, ông Nam nói.

Năm 2023, xuất khẩu nếp không có lợi nhuận tốt như xuất khẩu gạo, do nếp bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khiến giá xuất khẩu rất thấp, có khả năng trong năm 2024 diện tích sản xuất gạo nếp sẽ giảm xuống diện tích sản xuất các loại gạo thơm chắc chắn sẽ tăng lên.

Mặt khác, trong năm 2023 Việt Nam có lợi thế rất tốt từ lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ nên mặt bằng giá gạo trên thị trường tăng đột biến, tuy nhiên, bản chất của hàng hóa là giá sẽ không tăng lên mãi mãi được. Bước sang năm 2024, Ấn Độ không thể nào cấm mãi xuất khẩu gạo được và họ sẽ mở cửa trở lại khi đó chắc chắn giá lúa gạo sẽ xuống, và mức xuống của giá gạo không thể bằng với mặt bằng giá của năm 2022.

Theo nhận định chung, giá gạo xuất khẩu sẽ đứng ở khoảng 600 USD/tấn, nếu gạo đứng ở mức giá này thì rất tốt vì so với giá bình quân trong những năm trước đây chỉ khoảng 500 USD/tấn. Hy vọng trong năm 2024 khi mặt bằng mới giá gạo được thiết lập thì giá nếp xuất khẩu sẽ ổn định hơn.

“Giá bình quân xuất khẩu gạo trong năm 2024 dự kiến khoảng 600 USD/tấn, có thấp so với năm 2023 nhưng vẫn tốt và có lợi cho người nông dân. Dự báo, giá gạo xuất khẩu sẽ rất khó để rớt sâu xuống mức 500 USD/tấn. Câu chuyện này chắc chắn sẽ không xảy ra”, ông Nam phân tích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá cao, gạo Việt Nam khó vào thị trường Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO