(thitruongtaichinhtiente.vn) - Cổ phiếu của nhiều chủ đầu tư bất động sản từng một thời "hấp dẫn" thị trường thì nay âm thầm chìm sâu. Thậm chí có doanh nghiệp giá một cổ phiếu không mua nổi… cốc trà đá.
Từng có thời những cái tên như HQC, LMH, TNT, DLG, ITA, OGC, QCG, FLC… niêm yết trên sàn HOSE liên tục được nhắc tới trên các phương tiện thông tin đại chúng và không ngừng hút sự quan tâm của giới đầu tư. Nhưng nay, tình hình kinh doanh không mấy khả quan, nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh bết bát, dính lùm xùm… giá cổ phiếu không ngừng lao dốc.
Như cổ phiếu HQQ của Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thiết kế, xây dựng địa ốc, pháp lý, thẩm định giá. Ngày 20/10/2010, khoảng 40 triệu cổ phiếu HQC chính thức giao dịch trên HOSE với giá tham chiếu 38.000 đồng/cổ phiếu. Chưa đầy một năm sau, cổ phiếu doanh nghiệp của doanh nghiệp này liên tục biến động và điều chỉnh giá.
Thống kê các dữ liệu cho thấy, kết thúc phiên giao dịch ngày 4/7/2011, cổ phiếu HQC đóng cửa ở mức 20.300 đồng/cổ phiếu và giá điều chỉnh ở mức 9.810 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, đến phiên giao dịch ngày 2/11/2011, giá cổ phiếu HQC đóng cửa ở mức 9.600 đồng/cổ phiếu và điều chỉnh ở mức 4.640 đồng/cổ phiếu.
Như vậy chỉ sau khoảng hơn 1 năm niêm yết trên sàn, giá cổ phiếu HQC lao dốc từ 38.000 đồng xuống dưới mệnh giá. Chỉ có phiên duy nhất ngày 24/3/2014, giá cổ phiếu HQC trở lại chạm ngưỡng 10.000 đồng sau phiên tăng trần với tổng khối lượng giao dịch hơn 9 triệu cổ phiếu. Sau đó là chuỗi ngày rớt giá thế thảm. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/4, cổ phiếu HQC ở mức 1.080 đồng.
Ảnh minh họa |
Hồi cuối năm 2019, doanh nghiệp này bị khách hàng khiếu nại vì chậm giao căn hộ dự án HQC Mỹ Tho (Tiền Giang) theo đúng tiến độ đã cam kết. Cùng với đó dự án khác của HQC ở Nha Trang (Khánh Hoà cũng bị khiếu nại vì hơn 3 năm trễ hẹn hợp đồng với người mua và nhiều lần thất hứa, chủ dự án mới bắt đầu giao nhà từ đầu năm 2020.
Một doanh nghiệp khác không xa lạ với nhiều người là QCG - Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai do bà Nguyễn Thị Như Loan làm Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc.
Năm 2018, QCG dính lùm xùm liên quan tới việc nhận chuyển nhượng hơn 32 ha đất Phước Kiển, huyện Nhà Bè (TPHC.M). Sự việc nổ ra, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai lao dốc. Đây cũng là năm buồn của Quốc Cường Gia Lai, hơn 70% tài sản 'đội nón ra đi' nếu tính giá đỉnh 16.450 đồng ngày 9/1/2018 so với đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/12/2018.
Ngày 24/6/2019, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành quyết định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) số tiền 70 triệu đồng. Nguyên nhân, do Quốc Cường Gia Lai đã công bố thông tin không đúng thời hạn, không đầy đủ theo quy định pháp luật.
Dữ liệu báo cáo tài chính quý IV/2019 của QCG cho thấy, doanh thu đạt gần 170 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 7,2 tỷ đồng nhưng lợi nhuận tài chính âm (-) gần 3,3 tỷ đồng. Nếu tính tổng cả năm 2019, doanh thu đạt 858 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 81 tỷ đồng.
Tuần giao dịch cuối tháng 3/2020 vừa qua (23-27/3) diễn ra không thực sự tích cực với cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai (QCG) khi giảm sàn trong cả 5 phiên giao dịch, qua đó mất đi 30,1% so với tuần trước đó. Trước đó trong giai đoạn cuối tháng 2 kéo dài tới 18/3, QCG là một trong những cái tên ấn tượng nhất trên thị trường khi có chuỗi 15 phiên tăng trần liên tiếp bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên khoảng thời gian này, QCG cũng không xuất hiện nhiều thông tin hỗ trợ đáng chú ý. Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/4, cổ phiếu QCG giảm ở mức 5.650 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, cổ phiếu LMH của Công ty Cổ phần Landmark Holding cũng ở mức 1.170 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu TNT của Công ty Cổ phần Tài nguyên ở mức 1.470 đồng; cổ phiếu DLG của Công ty Cổ phần Tập đoàn DLG ở mức 1.540 đồng; ITA của Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo ở mức 1.910 đồng; OGC của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương ở mức 2.750 đồng/cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC ở mức 3.010 đồng.