Các Hiệp hội ngành, nghề

Giá lúa gạo nội địa tăng “nóng”, doanh nghiệp buộc phải hủy hợp đồng

Nguyễn Huyền 04/01/2024 - 09:28

Thu hoạch vụ Thu Đông không nhiều nên nguồn cung khan hiếm, trong khi nhu cầu gạo Tết tăng cao dẫn đến hút hàng đẩy giá lúa gạo ST25 tăng lên từng ngày. Giá gạo ST25 tăng khiến cho một số hợp đồng ký xuất đi Trung Quốc bị hủy.

Xuất khẩu gạo - Ảnh minh hoạ
Xuất khẩu gạo - Ảnh minh hoạ

Giống lúa ST được trồng nhiều ở các tỉnh: Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cà Mau, vụ Thu Đông này các tỉnh xuống giống khoảng vài ngàn hecta, và mùa này cũng là mùa lúa – tôm nên diện tích xuống giống tương đối khá, riêng vụ Đông Xuân thời tiết thuận lợi hơn vụ Thu Đông nên diện tích trồng lúa ST nhiều nhất trong năm.

Lúa ST25 vụ Thu Đông đang được bán ra với mức giá 12.000 đồng/kg, giá lúa tăng cao nhưng diện tích lúa chưa thu hoạch không còn nhiều nên xảy ra hiện tượng các cò lúa “giành giật nhau ngoài đồng”.

Nguồn cung cạn kiệt đẩy giá gạo ST25 tăng “chóng mặt”

Đại diện một công ty xuất khẩu gạo đi Trung Quốc cho biết, giá gạo ST25 tăng mạnh gây khó cho các công ty làm hàng đi Trung Quốc, vì lúc ký bán giá gạo ST25 trong nước từ 810-840 USD/tấn, nhưng nay đã tăng lên 950-960 USD/tấn, so với mức giá lúc ký bán đã chênh lệch hơn 100 USD/tấn vẫn không mua được hàng nên có một số hợp đồng xuất đi Trung Quốc bị hủy, mặc dù các hợp đồng này có khối lượng chỉ khoảng 2.000 tấn, chủ yếu là quota cũ gia hạn của năm 2023, mà quota gia hạn thì phải xuất hàng trước tết mới kịp.

Song, do không mua được hàng và vì giá tăng quá cao đã có một số doanh nghiệp buộc không giao hàng cho đối tác Trung Quốc dù biết rằng, làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến uy tín công ty.

Với nhịp điệu gạo tăng giá như trong năm 2023 thì tình trạng hủy hợp đồng sẽ khá phổ biến và bất khả kháng, không chỉ sang thị trường Trung Quốc, gạo đi Philippines cũng bị hủy hợp đồng khá nhiều.

“Diễn biến giá gạo trong thời gian qua khiến cho tình hình trở nên phức tạp khó lường, dẫn đến tình trạng hủy hợp đồng gạo xuất khẩu có thể nói là khá phổ biến trong năm 2023, vì nếu tăng dưới 1.000 đồng/kg doanh nghiệp có thể gồng (nhưng ít), còn tăng từ 3.000-4.000 đồng/kg thì không giao hàng nữa, và tình trạng hủy hợp đồng có khả năng lan sang những tháng đầu năm 2024.

Năm 2023 có thể nói là một năm kinh doanh đầy khó khăn đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo, làm nhiều lỗ nhiều, quay về thời điểm tháng 4-5/2023, nếu cứ giao 1.000 tấn gạo thơm thì lỗ từ 3-4 tỷ đồng thì doanh nghiệp nào chịu nổi?”, đại diện công ty xuất khẩu gạo ở TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.

Tình trạng giá gạo nội địa tăng mạnh trước Tết năm nay mới xảy ra

Cùng nhận định trên, một doanh nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ, đến thời điểm này lúa vụ Thu Đông cơ bản đã thu hoạch xong, chỉ còn lác đác một số diện tích ở các vùng về phía dưới, như Bạc Liêu, Cà Mau, còn vụ Đông Xuân phải đến giữa tháng 1/2024 mới có một số địa phương của tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp thu hoạch trước.

Tuy nhiên, do vụ Thu Đông thời tiết diễn biến thất thường làm cho năng suất và sản lượng lúa ST25 thấp, dẫn đến nguồn cung hạn hẹp không đủ cho nhu cầu khiến giá lúa bị đẩy lên là chuyện tất nhiên, nhưng tình trạng giá lúa gạo nội địa tăng “nóng” trước Tết thì năm nay mới xảy ra.

Với giá lúa tăng cao như hiện nay thì giá gạo ST25 bán tại siêu thị cũng phải tăng lên 50.000 – 55.000 đồng/kg mới có lãi, nhưng giá cao như vậy người tiêu dùng sẽ không chấp nhận. Dòng gạo ST25 hữu cơ hiện có giá từ 60.000 - 70.000 đồng/kg, còn gạo ST25 bán chợ có giá khoảng 25.000 đồng/kg nhưng bị trộn lẫn rất nhiều.

“Miền Tây có 2 chợ gạo lớn là Cái Bè và Sa Đéc chuyên bán gạo nội địa, hôm nào có người mua nhiều và nhận thấy thị trường có khả năng hút hàng thì những người bán sẵn sàng đẩy giá tăng lên, còn hôm nào ít người mua, ế hàng thì họ giảm giá xuống. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo bây giờ họ đặt mua hàng với một giá cố định, bên nào thấy cung ứng được thì bán và họ sẽ mua đến khi nào mua đủ lượng thì tàu sẽ vào nhận hàng, bây giờ gạo đi Cuba và Philippines các doanh nghiệp xuất khẩu đặt hàng giao tới mạn tàu luôn”, doanh nghiệp này nói.

Doanh nghiệp này cho biết thêm, giá gạo Việt Nam hiện vẫn cao hơn giá gạo nội địa Trung Quốc nên các doanh nghiệp không xuất bán vào thị trường này được mà chỉ bán gạo nếp và một ít gạo hạt ngắn DS1. Tuy vậy, vẫn có một số doanh nghiệp phía bắc vào miền Tây mua gom gạo ST25 bán thị trường Tết Trung Quốc, nhưng vì giá quá cao bán không có lời chủ yếu là bán giữ mối.

Thời tiết mưa, nắng thất thường đang ảnh hưởng đến vụ lúa Đông Xuân 2023 – 2024, các giống lúa thơm như OM 18, OM 5451, DT 8… trồng ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang... có một số vùng lúa mới hơn 30 ngày tuổi đã làm đòng và trổ bông. Cây lúa trổ sớm, bông lúa đóng hạt không nhiều, bông lúa nhỏ, năng suất sẽ thấp. Dự báo năng suất và sản lượng vụ lúa Đông Xuân năm nay có thể thấp nhiều so với dự kiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá lúa gạo nội địa tăng “nóng”, doanh nghiệp buộc phải hủy hợp đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO