Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm 12,8% diện tích, dân số chiếm 18% cả nước; sản lượng lúa chiếm trên 50% cả nước; sản lượng thủy sản chiếm khoảng 65%; GDP chiếm khoảng 12% cả nước. Ngành hàng lúa gạo là điểm sáng trong xuất khẩu nông sản năm 2023.
Hướng tới sản xuất lúa gạo chất lượng cao
Bức tranh tổng quan về ngành lúa gạo nước ta, xuất khẩu gạo đang là mảng sáng nhất trong bức tranh xuất khẩu cả nước. Theo số liệu thống kê 10 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 7,1 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch gần 4 tỉ USD, tăng 17% về lượng và 35% về giá trị so với cùng kì năm 2022. Đây là mức kim ngạch xuất khẩu gạo cao nhất tính từ năm 2009.
Lúa gạo Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng và lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế, nếu chúng ta có chiến lược khôn ngoan trước các đối thủ cạnh tranh.
Về mặt sinh thái, môi trường, kinh nghiệm truyền thống và kỹ thuật canh tác, Việt Nam vẫn đang nắm giữ lợi thế. Việc chúng ta cần làm lúc này là sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ tốt hơn và quản lý phù hợp, kết hợp chế biến sâu, thương hiệu hóa sản phẩm, tạo ra giá trị gia tăng gấp nhiều lần.
Về giá xuất khẩu, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 1/11/2023, so với nhóm quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, gạo Việt Nam đang có mức giá cao nhất. Cụ thể, gạo tấm 5% của Việt Nam đang được bán với giá 643USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan và Pakistan lần lượt 79USD/tấn và 80USD/tấn. Gạo tấm 25% của Việt Nam giao dịch ở mức 628USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan và Pakistan lần lượt 106USD/tấn và 140USD/tấn.
Là “vựa lúa” lớn, đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước và đóng góp 90% vào xuất khẩu gạo. Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL mở ra kì vọng mới về nâng cao giá trị lúa gạo, tăng thu nhập tương xứng cho nông dân trồng lúa.
Ngành hàng lúa gạo chất lượng cao là một trong những dự án nằm trong quy hoạch quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030.
Theo đó, có 12 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tham gia đề án, gồm: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long, chia thành 2 giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn 1 (2024 - 2025), tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 180.000ha, bao gồm: Công tác tập huấn, xây dựng kế hoạch, xây dựng hệ thống đo đạc - báo cáo - thẩm định (MRV), kiểm đếm và thí điểm cấp tín chỉ carbon cho những vùng lúa đạt chuẩn, củng cố các hợp tác xã (HTX), duy tu, bảo dưỡng một số công trình và chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn 2026 - 2030.
Giai đoạn 2 (2026 - 2030), xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải mới ngoài vùng Dự án VnSAT và sẽ mở rộng thêm 820.000ha. Giai đoạn này sẽ tập trung vào các hoạt động chủ yếu, như: Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho những vùng diện tích mới, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, hoàn thiện hệ thống MRV, đồng thời duy trì sản xuất bền vững ở những vùng đề án trong giai đoạn 2024 – 2025, nếu tổ chức thực hiện tốt theo quy hoạch, xây dựng và vận hành dự án theo tư duy kinh tế ngành thì chắc chắn sẽ tạo ra sự đột phá có tính bước ngoặt cho nền kinh tế lúa gạo. Từ đó góp phần quan trọng vào an ninh lương thực, đời sống người nông dân trồng lúa ngày càng được nâng cao, nông thôn ngày càng văn minh và ngày càng đáng sống hơn. Đặc biệt hơn dự án lúa gạo chất lượng cao còn góp phần đáng kể vào chương trình trung hoà khí thải mà Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết tại hội nghị COP 26.
Hiện trên địa bàn TP. Cần Thơ đã hình thành được các vùng chuyên canh, chất lượng cao như lúa ở huyện Thới Lai, Cờ Ðỏ và Vĩnh Thạnh.
Với ưu thế của vùng sản xuất lúa lớn, huyện Cờ Đỏ phát triển mạnh mẽ diện tích “Cánh đồng lớn” có bao tiêu đến nay gần 32.840ha, đạt 101,04% kế hoạch năm. Các mô hình “Cánh đồng lớn” trên địa bàn huyện thời gian qua có sự tham gia liên kết, bao tiêu của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và thương lái như: Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, Công ty TNHH Thương mại Tân Thành, DNTN Ngọc Ngân, HTX Hiệp Mỹ Phát, HTX Tiến Dũng…
Còn tại An Giang Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (Tập đoàn Lộc Trời) là doanh nghiệp tiên phong xây dựng mô hình “Cánh đồng lớn” ở An Giang (khi còn mang tên gọi Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang), sau nhân rộng ra nhiều tỉnh ĐBSCL. Trong hành trình 30 năm qua, nhờ kiên trì với sứ mệnh “Cùng nông dân phát triển bền vững”, Lộc Trời đã nỗ lực trở thành tập đoàn dịch vụ nông nghiệp hàng đầu Việt Nam.
Nhìn tổng quan của ngành hàng lúa gạo Việt Nam nói chung vùng ĐBSCL nói riêng, có sự đóng góp của ngành Ngân hàng với vai trò cung ứng vốn cho sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu.
Vốn cho vay ngân hàng động lực phát triển ngành lúa gạo ĐBSCL
Với vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế ngành Ngân hàng vùng ĐBSCL là nơi “nương tựa” của ngành hàng lúa gạo nói riêng và lĩnh vực cho vay nông nghiệp - nông thôn nói chung.
Ngành Ngân hàng trên địa bàn các tỉnh, thành ĐBSCL bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, triển khai quyết liệt có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tiếp tục đồng hành hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn trong sản xuất kinh doanh và tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng.
Kết quả cho vay của ngân hàng vùng ĐBSCL ở lĩnh vực ngành hàng lúa gạo đến cuối tháng 10/2023 đạt 102.135 tỉ đồng, tăng 8.643 tỉ đồng, tăng trưởng 9,25%; tỉnh Long An có tỉ trọng tăng trưởng cao nhất vùng đạt 21.715 tỉ đồng, kế đó là TP. Cần Thơ đạt 16.788 tỉ đồng, đứng thứ ba là An Giang đạt 16.179 tỉ đồng.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố, đến cuối tháng 10/2023, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn đạt 44.600 tỉ đồng, tăng 7,54% so với cuối năm 2022. Dư nợ cho vay xuất khẩu 15.400 tỉ đồng, tăng 13,37%; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 34.500 tỉ đồng, tăng 7,15%; cho vay công nghiệp hỗ trợ 500 tỉ đồng, tăng 189%; dư nợ cho vay nuôi trồng và thu mua, chế biến thủy sản 12.700 tỉ đồng, tăng 9,41%; dư nợ cho vay lúa gạo 16.200 tỉ đồng, tăng 1,75% so với cuối năm 2022…
Năm 2023, kế hoạch tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Cần Thơ đặt ra khoảng 14% theo chỉ đạo của ngân hàng Trung ương. Tuy nhiên, diễn biến thực tế, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 10/2023 vẫn thấp, chỉ tăng 5,4% so với cuối năm 2022. Vì vậy, dư địa cho tăng trưởng tín dụng năm 2023 còn rất lớn, nhưng còn tùy vào năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế thành phố và của doanh nghiệp.
Thị trường xuất khẩu dù khởi sắc trở lại trong 2 tháng gần đây, nhưng nhu cầu bên ngoài chỉ tăng nhẹ; trong khi nhu cầu trong nước chưa tạo niềm tin vững chắc để doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh. Thêm vào đó, đa số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nên năng lực kết nối thị trường chưa cao, thiếu hệ thống kết nối theo chuỗi phân phối, chuỗi ngành hàng.
Tại An Giang, dư nợ tín dụng đến cuối tháng 10 năm 2023, đạt 106.812 tỉ đồng, tăng 4,64% so với cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ ngắn hạn đạt 83.791 tỉ đồng, chiếm 78,45%/tổng dư nợ; dư nợ trung, dài hạn đạt 23.021 tỉ đồng, chiếm 21,55%/tổng dư nợ. Dư nợ cho vay phục vụ sản xuất, thu mua xuất khẩu lúa gạo đạt 16.172 tỉ đồng, tăng 3,67% so với cuối năm 2022.
Về cho vay ngành hàng lúa gạo của ngân hàng vùng ĐBSCL đến cuối tháng 10 năm 2023, đạt 102.135 tỉ đồng, tăng trưởng 9,25%. Trong đó hệ thống các ngân hàng thương mại từng tỉnh, thành phố trong vùng cho vay ngành lúa gạo có sự phân hóa rõ rệt. (Bảng 1)
Số liệu trên cho thấy, hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn vùng ĐBSCL đã bám sát chương trình kinh tế xã hội tại địa phương và thế mạnh ngành hàng của từng tỉnh, thành phố trong vùng để tập trung cho vay phát triển sản xuất kinh doanh góp phần tăng trưởng kinh tế tại địa bàn.
Một số vấn đề đặt ra và giải pháp
Nhận diện thị trường lúa gạo năm 2023 – 2024, đồng thời có các giải pháp phát triển ngành lúa gạo phát triển bền vững.
Một là, để ngành lúa gạo đi đường dài một trong những yếu tố quyết định đối với hiệu quả hoạt động/chi phí của nhà sản xuất chính là giảm thất thoát gạo và tối ưu các chi phí trong quá trình chế biến lúa gạo.
Hai là, cần sử dụng công nghệ hiện đại để giúp giảm thất thoát chất lượng gạo như sử dụng công nghệ sấy hiện đại và bảo quản trong silo với môi trường được kiểm soát, hệ thống bảo quản thời gian dài sẽ vẫn giữ được chất lượng gạo ở mức tốt nhất, đồng thời đảm bảo an toàn thực phẩm, vì vậy, kiểm soát toàn chuỗi sản xuất từ cánh đồng tới bàn ăn theo tiêu chuẩn và thực hành nông nghiệp tốt là rất cần thiết, ứng dụng công nghệ AI để kiểm soát được quy trình sản xuất lúa gạo đang là giải pháp được quan tâm hiện nay.
Ba là, nên xây dựng bộ dữ liệu cho sản xuất lúa ở vùng trọng điểm lúa gạo ĐBSCL để đảm bảo thông tin, dữ liệu cung - cầu lúa gạo. Khi giá lúa gạo trong nước lên cao, ảnh hưởng đến đa số người có thu nhập thấp, có thể xem xét “kích hoạt” cơ chế bình ổn giá gạo thị trường nội địa, hỗ trợ người tiêu dùng yếu thế, nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện cho người sản xuất lúa, thương nhân xuất khẩu gạo. Cơ quan chức năng quản lý thị trường, giá cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xuất khẩu tiêu thụ nội địa.
Bốn là, tiếp tục thương mại hóa ngành sản xuất lúa gạo, đặc biệt là hiện đại hóa chuỗi giá trị hạt gạo, bao gồm đổi mới thể chế, cải tiến công nghệ, ứng dụng nhiều hơn các tiến bộ khoa học kĩ thuật, hướng đến sản xuất bền vững hơn, với môi trường, chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt hơn.
Năm là, cần các chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ các tác nhân tham gia quy trình trong mối quan hệ gắn bó công nghệ, thị trường, lợi ích.
Muốn thực hiện các thách thức trên, hệ thống ngân hàng vùng ĐBSCL cần thực hiện các giải pháp cho vay vốn ngành lúa gạo sau:
Thứ nhất, cần theo dõi sát diễn biến thị trường lúa gạo toàn cầu, dự báo cung - cầu lúa gạo thế giới, đảm bảo cân đối cung - cầu lúa gạo trong nước và xuất khẩu gạo để tiếp tục đẩy mạnh vốn tín dụng cho lĩnh vực sản xuất lúa, chế biến và xuất khẩu gạo.
Thứ hai, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét xây dựng các chương trình tín dụng xanh cho nông nghiệp nói chung và lúa gạo nói riêng; hỗ trợ, ưu đãi cho các doanh nghiệp phát triển bền vững, thân thiện môi trường.
Thứ ba, các bộ, ngành đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương cần có quy hoạch tổng thể, rõ ràng về các vùng trồng, có cơ chế, biện pháp kiểm soát tổng cung, sản lượng của toàn vùng về lúa gạo để kiểm soát giá cả đầu ra và đảm bảo giá cho nông dân. Ðịa phương cần quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn pháp lý cho doanh nghiệp, hộ dân để đủ tài sản thế chấp, đảm bảo cho các khoản vay ngân hàng.
Thứ tư, doanh nghiệp hoạt động minh bạch, rõ ràng, để tạo niềm tin tốt, thực hiện tốt các cam kết với ngân hàng, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng ngân hàng đang có tỷ lệ cấp tín dụng tín chấp cho khách hàng khá cao. Do đó, rất cần doanh nghiệp hoạt động rõ ràng, minh bạch để ngân hàng có niềm tin đẩy mạnh tín dụng, doanh nghiệp tập trung đầu tư vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi, không đầu tư ra các lĩnh vực khác ngoài ngành để đảm bảo sử dụng vốn hiệu quả an toàn.
Thứ năm, các TCTD tiết giảm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất đối với các khoản vay mới lẫn khoản vay cũ cho khách hàng, cả lãi suất cho vay nội tệ lẫn ngoại tệ. Quan tâm chương trình đồng tài trợ vốn vay giữa các ngân hàng đối với các dự án lớn. Tăng cường liên kết cho vay theo chuỗi giá trị, theo từng tác nhân trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo. Vấn đề tài sản đảm bảo thực hiện theo thẩm quyền của các ngân hàng thương mại song phải lưu ý tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Thứ sáu, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành tiếp tục đóng vai trò đầu mối kết nối nắm bắt kịp thời khó khăn thực tế để đồng hành cùng các ngân hàng thương mại trên địa bàn hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn. Doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn cần cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh, cơ cấu lại thị trường. Ðồng thời, tăng cường nguồn lực, minh bạch tài chính, dòng tiền, chia sẻ gắn bó với ngân hàng, chủ động trao đổi khó khăn để đề xuất giải pháp cùng nhau tháo gỡ.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo hoạt động ngân hàng (2022; tháng 10/2023) của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh 13 tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL
2. Báo cáo thường niên các năm 2020, 2021, 2022 của Ngân hàng Nhà nước
3. Quyết định 1490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.