Các Hiệp hội ngành, nghề

Giá tăng mạnh doanh nghiệp phải nhập khẩu cà phê từ nước ngoài về cho nhà máy chế biến

Nguyễn Huyền 12/04/2024 - 15:10

Trước tình trạng giá cà phê tăng mạnh và tăng liên tục, gây rủi ro cao cho doanh nghiệp thu mua hàng xuất khẩu, ngày 11/4, Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) tổ chức Hội nghị Mở rộng ngành hàng cà phê lần thứ I, để có những định hướng, giải pháp và đề nghị cụ thể trong 6 tháng cuối năm niên vụ 2023-2024 và những năm tiếp theo.

anh-ftse.jpg
Toàn cảnh hội nghị

Giá cà phê tăng nhanh, tăng cao nhất qua các năm

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Vicofa cho biết trong 6 tháng đầu vụ cà phê 2023-2024 có nhiều biến động, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, chế biến, thu mua cung ứng và kinh doanh xuất khẩu. Giá cà phê tăng nhanh, tăng cao nhất qua các năm và tăng liên tục từ đầu vụ tạo nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong việc huy động vốn vay ngân hàng, và tìm nguồn cung hàng thu mua. Bên cạnh đó, tốc độ tăng nhanh của giá gắn liền với rủi ro cao cho doanh nghiệp thu mua hàng xuất khẩu thông qua các đại lý.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, có một số đại lý thu mua và doanh nghiệp tại các địa phương có nguyên liệu nhưng không giao hàng đúng thời hạn quy định trong hợp đồng, dù các bên đã bàn bạc và chia sẻ rủi ro, gây thiệt hại lớn cho người mua và làm mất mất uy tín ngành hàng cà phê Việt Nam.

Chia sẻ quan điểm Chủ tịch Vicofa, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Vicofa cho rằng chỉ mới tháng 10/2023, bán được 60.000 đồng/kg cà phê là ước mơ của nông dân, nếu bán giá 50.000 đồng/kg đã là hạnh phúc, nhưng 5 tháng nay giá cà phê đã tăng lên 100.000 đồng/kg. Chênh lệch giá quá lớn khiến cho bài toán kinh doanh của doanh nghiệp trở nên bất khả thi, nếu không có chiến lược rõ ràng sẽ là tai họa.

Bên cạnh đó, định mức nhà nước cho các doanh nghiệp vay vốn là có hạn, giá cà phê tăng gấp đôi nên hạn mức đã sử dụng hết mà lượng mua vào không bằng một nửa so với nhu cầu để giao các hợp đồng đã ký. Tình trạng này không phải riêng cà phê mà tất cả các hàng hóa nông sản Việt Nam đều gặp phải, vì khi tình hình giá cả biến động tăng, nguồn vốn của doanh nghiệp bị thiếu dẫn đến không đủ tiền mua nguyên liệu tạm trữ đảm bảo thực thi hợp đồng đã ký.

Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới, nhưng đến tháng 5/2023, doanh nghiệp không còn hàng để giao phải đàm phán lùi thời gian giao hàng hoặc đền hợp đồng. Năm nay không xảy ra tình trạng này và tồn kho trong dân không nhiều nhưng họ không hiểu giá cà phê ngày mai sẽ như thế nào, nên hàng hóa không được tung ra thị trường.

Doanh nghiệp FDI nhập khẩu để thay thế cà phê Robusta Việt Nam

Theo ông Nam, chính các nhà xuất khẩu đã góp phần làm cho giá thị trường biến động theo hướng này, vì khi tiền không đủ nhưng họ vẫn phải tranh mua tranh bán, các đơn vị có hợp đồng quá lớn đến hạn xuất phải giao thì giá nào cũng phải mua và đó là lý do giá lên. Nếu như doanh nghiệp có tiền mua bình tĩnh thì giá không thể nào tăng cao như vậy và sẽ giữ được thế ổn định. Tình hình này không chỉ riêng cà phê mà xảy ra ở hầu hết hàng hóa nông sản Việt Nam. Vấn đề hôm nay không chỉ nhìn vào hiện tượng mà còn phải nhìn vào bản chất của câu chuyện, trong đó có công tác điều hành.

“Năm nay là năm thách thức đối với các nhà máy sản xuất cà phê, không chỉ Tập đoàn CCL mà các tập đoàn khác đều xem xét vấn đề giá, khi giá cao quá CCL sẽ nhập khẩu cà phê để thay thế cà phê Robusta Việt Nam. Trước đây chúng tôi không hề nghĩ phải nhập khẩu cà phê nước ngoài nhưng bây giờ phải thay đổi chiến lược, nhập khẩu để thay thế cà phê Robusta vì giá cả quá chênh lệch”, Đại diện Công ty TNHH Cà phê Ngon (thành viên Tập đoàn CCL) cho biết.

Đại diện Công ty Nestlé cho hay: “Để đảm bảo nhà máy hoạt động thường xuyên từ năm ngoái Nestlé buộc phải nhập khẩu cà phê thay cho cà phê Việt Nam. Chúng tôi mong muốn nguồn cung ổn định để chúng tôi tiếp tục là nhà thu mua hàng đầu cà phê Việt Nam”.

Bà Nguyễn Hoài Tâm Anh, đại diện Tập đoàn JDE nêu băn khoăn, với vị trí là một nhà mua cà phê lớn nhất ở Việt Nam, dự báo năm nào xuất khẩu có khó khăn xảy ra JDE cũng đã nhìn thấy trước, tuy nhiên năm nay các thương nhân có một tâm lý rất kỳ lạ, họ trì hoãn giao hàng chỗ này nhưng không trì hoãn chỗ khác rồi đem hàng đó chào bán nhà xuất khẩu khác giá cao hơn và các nhà xuất khẩu khác vẫn cứ mua. Như vậy có phải là các nhà xuất khẩu này đang dung túng và khuyến khích họ làm sai không?

Theo ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Simexco Đắk Lắk mặc dù giá cà phê tăng cao nhưng hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu đều thực hiện các hợp đồng xuất khẩu cà phê. Số liệu xuất khẩu cà phê 3 tháng đầu năm nay đã chứng minh lượng cà phê mà doanh nghiệp Việt Nam cung ứng cho thế giới rất là lớn và đủ kịp tiến độ. Tuy không nhận được hàng mua giá thấp nhưng doanh nghiệp vẫn phải mua giá cao để bù cho hợp đồng giá thấp và họ đều giao hàng hết. Song vẫn có các doanh nghiệp FDI, các thương nhân gặp sự cố đứt gãy chuỗi là do nhà cung ứng nhỏ lẻ, nhà xuất khẩu nhỏ không tôn trọng hợp đồng khiến bên mua gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu.

Cái khó vụ cũ chưa hết, khó khăn vụ mới đã xuất hiện

“Cái khó của vụ mùa 2023-2024 chưa hết thì khó khăn của vụ mùa 2024-2025 đã xuất hiện, ở Đắk Lắk nhiệt độ đang dao động từ 39-40 độ C cây cà phê bị khô héo và bệnh rệp sáp tấn công, sản lượng cà phê vụ mới sẽ như thế nào? Hãy đàm phán và có những cam kết cụ thể với nhau để khép lại nỗi lo của vụ cũ, chuẩn bị đối phó với cái lo của vụ mới. Muốn xuất khẩu cà phê đạt 6 tỷ USD mà sản lượng hàng năm cứ báo giảm từ 10-15%, không khéo Việt Nam phải nhập khẩu cà phê và như vậy sẽ rất là nguy hiểm”, ông Huy cảnh báo.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Chủ tịch Vicofa nhấn mạnh, giá cà phê tăng cao từ đầu vụ và tăng liên tục gây rủi ro lớn cho doanh nghiệp thu mua xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp mua xa, bán xa nhiều hợp đồng mua bán không được thực hiện.

Thứ nhất, sản lượng cà phê niên vụ 2023-2024 còn trong dân và các doanh nghiệp không nhiều, tình trạng khô hạn đang xảy ra khốc liệt tại các tỉnh Tây Nguyên, đề nghị các doanh nghiệp hạn chế tối đa việc mua xa, bán xa để tránh rủi ro như đầu vụ vừa qua.

Thứ hai, đối với các tranh chấp hợp đồng mua bán đã xảy ra, đề nghị người mua và người bán nên ngồi lại đàm phán, cùng chia sẻ rủi ro, chia sẻ giá cả cũng như tiến độ và thời gian giao hàng để tránh thiệt hại.

Mặt khác, Vicofa đề xuất ngân hàng tăng hạn mức cho vay và ưu tiên lãi suất cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu cà phê. Đối với các địa phương cần tuyên truyền cảnh báo người nông dân, các đại lý, thương lái địa phương hạn chế tối đa việc mua xa, bán xa để tránh rủi ro cao khi giá tăng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá tăng mạnh doanh nghiệp phải nhập khẩu cà phê từ nước ngoài về cho nhà máy chế biến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO